Thơ Nôm của Đại thi hào Nguyễn Trãi: Những châu ngọc của thơ ca thời trung đại

(VOV5) - Điểm lại những đóng góp lớn lao của ông trong sáng tác thơ ca bằng Quốc âm nhân kỷ niệm 580 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Trãi (19/09/1442 – 19/09/2022), 

Đại thi hào, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi là một nhà yêu nước, tác giả lớn, cây đại thụ trong trong lịch sử văn học dân tộc ta. Lịch sử đã công nhận Nguyễn Trãi là bậc đại anh hùng dân tộc và là một nhân vật toàn tài hiếm có trong thời phong kiến Việt Nam. Trong con người Nguyễn Trãi có một nhà chính trị, một nhà quân sự, một nhà ngoại giao, một nhà văn hoá, một nhà văn, một nhà thơ tầm cỡ kiệt xuất. Nhưng ông cũng đã phải chịu những oan khiên thảm khốc cũng tới mức hiếm có trong lịch sử. Cống hiến của Nguyễn Trãi với đất nước và nhân loại được thể hiện rõ nét qua cuộc đời và di sản để lại cho hậu thế. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Sau thời kỳ các bài phú Nôm ra đời rồi do loạn lạc, giặc giã mà mất mát ít nhiều, đến thế kỷ 15, Đại thi hào Nguyễn Trãi là người chính thức đưa chữ Nôm lên một tầm cao, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của tiếng Việt. Ông được công nhận là tên tuổi sáng giá nhất của dòng thơ Nôm trung đại nước ta.
Thơ Nôm của Đại thi hào Nguyễn Trãi: Những châu ngọc của thơ ca thời trung đại - ảnh 1Quốc âm thi tập của Đại thi hào Nguyễn Trãi - Nguồn: Tạp chí Tao Đàn.

Thơ viết bằng chữ Nôm của Ức Trai được người xưa – nay đánh giá là súc tích, mang vẻ đẹp tự nhiên, giản dị và dễ hiểu. Nếu “Bình Ngô đại cáo” được xem như một áng Thiên cổ hùng văn thể hiện khí phách dân tộc, Tập thơ chữ Hán “Ức Trai thi tập” mỗi bài thơ trong đó là một mảnh hồn Ức Trai thì “Quốc âm thi tập” thấm đẫm chất dân gian. Thay vì chọn lọc những hình ảnh, chi tiết cao vời, thơ Nôm Nguyễn Trãi tựa vào các hình dung gần gũi của cuộc sống và biến hóa thành nghệ thuật bằng trình độ tinh luyện kết hợp cảm xúc và trí tuệ. Nhờ thế, thơ Nôm Ức Trai không rơi vào nôm na, bâng quơ, rời rạc mà từ những hình ảnh quê mùa nhất vẫn ánh lên vẻ đẹp ngôn từ thơ ca. 

Đặt mảng thơ Nôm bên cạnh thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, PGS – TS Nguyễn Hữu Sơn có những so sánh, đối chiếu rõ nét về hệ thống mỹ học hai mảng thơ này. 105 bài thơ chữ Hán trong “Ức Trai thi tập” mang tính chất hướng thượng, hướng tâm, đi vào cương thường đạo lý, phong hoa tuyết nguyệt, tùng cúc trúc mai, các thiết chế rõ ràng gắn với các điển tích điển cố. Ở một chiều kích khác, 254 bài thơ chữ Nôm trong “Quốc âm thi tập” hướng đến công chúng bình dân với những hình ảnh dân gian, cảnh làng quê, sinh hoạt đời thường.

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng đánh giá: “Đi vào thơ Nôm Nguyễn Trãi là chuyện vất vả, có khi thấy rối rít như đi vào rừng sâu. Nhưng cứ chịu khó đi và đi nhiều lần sẽ thấy công phu bỏ ra không uổng. Ðây đó sẽ ánh lên những lời thơ đẹp. Ðọc một tập thơ, nếu chỉ thấy ánh lên một vài lần cũng đã là không uổng. Ở đây thì không phải chỉ vài lần mà nhiều lần và ánh lên rất đẹp”.

Cũng theo Hoài Thanh: “Thơ văn Nguyễn Trãi có những phần ngất trời hào khí thường là viết ra trong cảnh thuận buồm xuôi gió. Phần thơ văn ấy xưa nay vẫn rất dễ dàng đi đến với người sau. Nhưng có lẽ cũng nên tìm nghe tiếng nói của người xưa cả trong những cảnh đời không thuận. Phần lớn thơ Nôm Nguyễn Trãi đã được viết ra trong những cảnh đời như thế. Hình như những lúc này, nhà thơ thấy cần hơn lúc khác một cách nói, một giọng nói tâm tình. Ta được gặp lại ở đây vẫn con người ấy, một con người rất đẹp, mà gần gũi hơn, thân mật hơn”.  

Thơ Nôm của Đại thi hào Nguyễn Trãi: Những châu ngọc của thơ ca thời trung đại - ảnh 2Đại thi hào Nguyễn Trãi trong hình dung của người đời sau: Nguồn ảnh: lichsu.org

Vận dụng tài tình ngôn ngữ văn học dân gian nên những câu thơ Nôm của Nguyễn Trãi đầy gợi tả, để lại dấu ấn đậm sâu. Trong bối cảnh nào, những bài thơ Nôm trong “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi ra đời? Chỗ đứng của dòng thơ này trong sự nghiệp thi ca của Ức Trai ra sao? Nhà nghiên cứu văn học Vũ Bình Lục ôn lại xuất xứ và số phận thơ Nôm của Nguyễn Trãi qua những thăng trầm, biến động lịch sử. Theo đó ngay thời điểm còn làm quan rồi bị thất sủng, Ức Trai sáng tác bằng cả chữ Hán và chữ Nôm. Khi cáo quan về Côn Sơn ở ẩn cũng là giai đoạn ông viết nhiều thơ Nôm nhất, thể hiện qua hệ thống các bài thơ thể hiện tâm trạng như gương báu răn mình, mạn thuật, tự thuật, tự thán. Cho đến gần đây mới sưu tập được 254 bài thơ Nôm của Nguyễn Trãi còn số lượng thực tế sáng tác Quốc âm của ông có thể vẫn chưa đầy đủ bởi khi bị tru di tam tộc, tất cả sách vở của Ức Trai đều bị tiêu hủy. Đến thời vua Lê Thánh Tông mới cử ra năm vị Tiến sĩ đi khắp dân gian để sưu tầm lại thơ văn Nguyễn Trãi.

Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai từng đưa ra đánh giá: “Trong kỹ thuật viết thơ của Nguyễn Trãi rõ ràng có một sự cố gắng để xây dựng một lối thơ Việt Nam, trong đó câu 6 tiếng dùng xen với những câu 7 tiếng, khác hẳn với quy cách niêm luật thơ Đường”. Bài “Ba tiêu” hay có tên gọi khác là “Cây chuối” được xếp vào nhóm bài “Môn hoa mộc” của “Quốc âm thi tập” gồm những câu 6 tiếng xen lẫn 7 tiếng. Đây vốn được xem là một trong những bài thơ Nôm của Nguyễn Trãi được biết tới nhiều nhất. Nhà thơ Xuân Diệu từng nhận ông mất tới 24 năm mới hiểu được ý nghĩa bài “Cây chuối” của nhà thơ Nguyễn Trãi. Sự sâu sắc, đa nghĩa của thơ Nôm Ức Trai một lần nữa cho thấy sự tài hoa, uyên bác của thi nhân.

Sáng tác thơ Nôm, Ức Trai không bó buộc bản thân rập khuôn nhất nhất tuân theo quy cách chính xác về số chữ. Những sáng tạo trong cách gieo vần, gieo chữ, dùng từ, nhờ thế đã tạo nên một lối thơ độc đáo, cá tính, đầy tinh thần dân tộc.

Trong mảng thơ viết về thiên nhiên, dù đề vịnh về hình ảnh, sự vật nào, nhà thơ Nguyễn Trãi luôn gắng chắt lọc lấy những tinh túy của bản chất chủ thể. Viết về các loài cây mang tính biểu tượng trong truyền thống văn hóa phương Đông đâu dễ gói gọn trong đôi ba câu đề vịnh. Bởi thế, Ức Trai đã sử dụng lối thơ thủ vỹ liên hoàn với một chùm bài nối tiếp nhau nhằm thể hiện những dụng ý riêng. Chủ trương hàm súc, đa nghĩa, những bài thơ Nôm trong “Quốc âm thi tập” đều tập trung thể hiện cách nhìn vào bản thể, thế sự, cuộc đời thông qua các hình tượng đặc trưng. Sử dụng lối thơ thủ vỹ liên hoàn kế thừa từ tinh hoa thơ Đường, một số chùm bài trong nhóm “Môn hoa mộc” của tập “Quốc âm thi tập” một lần nữa cho thấy sự cẩn trọng của Nguyễn Trãi qua việc cân đối và lan tỏa những ý tình qua ngôn ngữ thơ Nôm.

Nhà thơ, Tiến sĩ Văn học Nguyễn Sỹ Đại lý giải về cơ chế sắp xếp ngôn từ, ý tứ kết cấu nên một chùm thơ theo lối thủ vỹ liên hoàn. Theo đó lối thơ này gần với lối tiểu thuyết chương hồi, kết mỗi chương sẽ có câu cuối “Không biết sự thể thế nào, xem hồi sau sẽ rõ”. Đầu chương sau sẽ nhắc lại một đoạn chương trước. Trong thơ điều đó thể hiện một thế liên hoàn, có một sự kết nối giữa bài trước và bài sau, một chùm bài mới thể hiện rõ được tư tưởng chủ đề của tác giả. Hình thức thơ Nôm của Nguyễn Trãi rõ ràng rất phóng khoáng. Dù vịnh vật, vịnh người hay một đề tài nào đó, ở mỗi bài, ông nói một khía cạnh của sự vật, sự việc, khi liên hoàn các bài thì sẽ nói trọn vẹn được vấn đề, tư tưởng.

Bên cạnh lối thơ thủ vỹ liên hoàn, mở đầu “Quốc âm thi tập”, bài “Thủ vỹ ngâm” gây ấn tượng sâu sắc không kém:

Góc thành Nam, lều một gian,

No nước uống, thiếu cơm ăn.

Con đòi trốn, dường ai quyến,

Bà ngựa gầy, thiếu kẻ chăn.

Ao bởi hẹp hòi khôn thả cá,

Nhà quen thú thứa ngại nuôi vằn.

Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải,

Góc thành Nam, lều một gian.

Nếu lối thơ thủ vỹ liên hoàn thể hiện dụng ý của tác giả trong việc đặc tả và tô đậm các biểu tượng thiên nhiên thì bài “Thủ vỹ ngâm” của Ức Trai, theo Nhà thơ, Tiến sỹ văn học Nguyễn Sỹ Đại, với cách điệp câu đầu cuối để lại những dư vị khó quên trong tấc lòng vang vọng thanh âm tới cõi đời.

Qua nhiều áng thơ Nôm, Ức Trai đã thể hiện chân thực, sâu sắc cách nhìn đời, nhìn người. Quan trường, xã hội lắm bon chen, nhiều lẽ thiệt hơn là nơi ông muốn lánh xa nhưng cũng là nơi cả đời ông mong được “lặn lội” để thỏa chí nguyện cứu nước giúp đời. Nói “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi đến nay vẫn còn là bài học vẹn nguyên về lẽ ứng xử là vì thế.

Vốn là một nhà Nho, Nguyễn Trãi đề cao việc giáo dục tinh thần nhân ái, tình yêu thương sâu nặng và bổn phận, trách nhiệm của mỗi con người đối với gia đình, xã hội, với đạo nghĩa quân – thần. Ông gửi vào những áng thơ Nôm quan niệm, lối sống đầy đạo nhân với con người, với cuộc đời. Ngày hôm nay, có nhiều câu thơ Nôm của Ức Trai, người đời sau đọc lên, lắng thấy như thể bước ra từ ca dao, tục ngữ. Thực tế có những câu thơ Nôm trong “Quốc âm thi tập” còn ra đời trước những câu tục ngữ tương đồng về cả ngôn từ và ý tứ.

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục chỉ ra một số thí dụ tiêu biểu về sự kế thừa và lan tỏa của thơ Nôm Ức Trai đến văn học dân gian. Nếu như Ức Trai từng viết: “Lận cận nhà giàu no bữa cốm/ Bạn bè kẻ trộm phải đau đòn” thì sau này tục ngữ có câu: “Ở cạnh nhà giàu đau răng ăn cốm/ Bạn bè, kẻ trộm ốm lưng chịu đòn”. Hoặc thơ Nguyễn Trãi có câu: “Tay ai rồi lại làm nuôi miệng/ Làm biếng ngồi ăn lở núi non”. Thậm chí có những câu thơ Nguyễn Trãi đã trở thành khẩu hiệu, phương châm trong trường học như: “Nên thợ nên thầy vì có học/ No ăn no mặc bởi hay làm”.

Trước thời Đại thi hào Nguyễn Trãi hàng trăm năm, thơ, phú viết bằng chữ Nôm đã xuất hiện. Qua các tác phẩm còn lưu lại tới nay, có thể thấy rõ những sáng tạo vượt bậc của Ức Trai trong sáng tác thơ ca bằng Quốc âm. Nguyên cớ chính yếu khiến thơ Nôm Nguyễn Trãi có sức nặng cũng như sự vang vọng là bởi chiều sâu của tâm sự thi nhân chất chứa trong cảm xúc và ngôn từ thơ. Đại thi hào cũng nói được một cách gần gũi và đi vào lòng người những trăn trở muôn đời của nhân sinh.

Dù soi chiếu vào cội nguồn thi ca truyền thống hay những lý thuyết văn chương hiện đại, thơ Nôm Ức Trai đều bộc lộ những giá trị riêng. Ấy chính là bởi chiều sâu cốt lõi của tác phẩm tự thân đã thể hiện những suy tư mà thời đại nào cũng đồng vọng. Chính bởi thế, theo nhà nghiên cứu văn học Vũ Bình Lục, cống hiến của Danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào Nguyễn Trãi với dòng thơ Nôm trung đại nói riêng cũng như dòng văn học dân tộc và nhân loại nói chung qua thời gian lại càng sáng lên, rõ nét, đậm sâu.

Ở thế kỷ 19, có một nhà nho đã dày công sưu tầm thơ văn của Ức Trai. Bộ sách “Ức Trai di tập” mà ông tìm được trong dân gian là một kỳ tích về sưu tầm khảo cứu trong lịch sử văn chương Việt Nam. Nhà nho ấy là Dương Bá Cung, hiệu là Cấn Đình, quê ở làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội). Nhờ ông, ngày nay chúng ta có điều kiện tiếp cận sâu sắc và đồng bộ tài năng, trí tuệ và tâm hồn Nguyễn Trãi. Đặc biệt, soạn giả Dương Bá Cung được công nhận là người đầu tiên sưu tầm trọn vẹn 254 bài thơ Nôm của Ức Trai, những châu ngọc của thơ ca thời trung đại của dân tộc ta.

PGS.TS Trần Trọng Dương (Công tác tại Viện Hán Nôm) đã xây dựng từ điển chuyên biệt về từ ngữ trong “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi. Bộ sách ra đời năm 2014, có tên gọi là “Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển” (NXB Từ điển Bách Khoa). Đây là cuốn từ điển tác gia đầu tiên về Nguyễn Trãi, đồng thời cũng là cuốn từ điển đầu tiên về tiếng Việt cổ thế kỷ 15. Trên cơ sở 254 bài thơ viết bằng chữ Nôm trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, PGS.TS Trần Trọng Dương đã soạn ra 2.500 mục từ và khảo sát 12.000 lượt âm tiết. Tác giả cũng đã sưu tập toàn bộ từ ngữ, thành ngữ, tục ngữ được Nguyễn Trãi vận dụng trong tập thơ Nôm cổ nhất, đồ sộ nhất ra đời vào thế kỷ 15 còn lưu giữ lại được cho đến ngày hôm nay. 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác