Quy hoạch tổng thể quốc gia để phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước

(VOV5) - Việt Nam  thực hiện quy hoạch cấp quốc gia nhằm đánh giá lại hiện trạng một cách thực chất, tổng thể, qua đó đề xuất định hướng bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của đất nước. 

Sáng 14/09, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là lần đầu tiên, Việt Nam  thực hiện quy hoạch cấp quốc gia nhằm đánh giá lại hiện trạng một cách thực chất, tổng thể, qua đó đề xuất định hướng bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của đất nước, mở ra không gian phát triển mới, cơ hội phát triển mới, động lực phát triển mới để đạt mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Quy hoạch tổng thể quốc gia để phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước  - ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Quy hoạch phải có tư duy đổi mới, có tầm nhìn chiến lược. Động lực bắt nguồn từ sự đổi mới. Tư duy đổi mới này đã tạo ra một là nguồn lực, hai là động lực. Tầm nhìn chiến lược là làm sao quy hoạch chỉ ra được những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội lợi thế cạnh tranh, để từ đó chúng ta có giải pháp, bám sát vào đó để phát huy nội lực, bởi nội lực là cơ bản, là chiến lược lâu dài, là quyết định, rất quan trọng. Còn nguồn lực bên ngoài là đột phá. Vậy huy động nguồn lực thế nào để cho thực hiện được quy hoạch, tính khả thi của quy hoạch? Đây cũng là một việc khó, nhưng càng khó, càng phức tạp thì lại càng phải phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể và quyết định theo đa số".

Thủ tướng gợi ý quy hoạch cần xác định các ngành mũi nhọn sát tình hình thực tiễn, điều kiện và hoàn cảnh đất nước, gồm nông nghiệp; các ngành công nghiệp nền tảng như công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp vật liệu, công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; các ngành dịch vụ như logistics, dịch vụ tiêu dùng, ngân hàng, tài chính, thương mại điện tử, công nghiệp văn hóa…

Việc xây dựng Quy hoạch cần quán triệt và cụ thể hóa phát triển nhanh nhưng bền vững, phát triển hài hòa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường, đặt văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội, xác định văn hóa lịch sử truyền thống là một nguồn lực; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Thủ tướng cũng đặt vấn đề mở rộng không gian phát triển gồm không gian ngầm, không gian biển và bầu trời; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế ban đêm; phát triển không gian văn hóa gắn với du lịch.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác