Có một Tây Ninh thân thiện, nghĩa tình

(VOV5) - Du lịch văn hóa được xác định sẽ là sản phẩm du lịch mũi nhọn của Tây Ninh trong thời gian tới.

Với nhiều hoạt động thúc đẩy hợp tác phát triển giữa Hà Nội và Tây Ninh cùng nhiều trải nghiệm văn hoá và các hoạt động tương tác thú vị, “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội” năm 2023 trở thành một sự kiện hấp dẫn đối với người dân Thủ đô và du khách. Sự kiện mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển của du lịch Tây Ninh, tiến tới mục tiêu đến năm 2030, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tây Ninh.

Có một Tây Ninh thân thiện, nghĩa tình - ảnh 1

Nghe âm thanh phóng sự tại đây:

Gần 100 bức ảnh tái hiện vẻ đẹp của mảnh đất, con người Tây Ninh được trưng bày tại khu vực vườn hoa tượng đài vua Lý Thái Tổ, cuối tuần qua. Đó là những địa danh du lịch, di tích lịch sử nổi tiếng, hấp dẫn, như: Núi Bà Đen, Tòa thánh Cao Đài, Di tích Trung ương Cục miền Nam, hồ Dầu Tiếng, Ma Thiên Lãnh…; những thành tựu nổi bật về sự phát triển kinh tế - xã hội, các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể độc đáo của vùng đất Tây Ninh.
Có một Tây Ninh thân thiện, nghĩa tình - ảnh 2Gần 100 bức ảnh trưng bày về vẻ đẹp của mảnh đất, con người Tây Ninh. Ảnh: vtc.vn

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, nhấn mạnh: “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội” không chỉ là không gian văn hoá để quê hương và con người Tây Ninh thân thiện, nghĩa tình đến gần hơn với đồng bào Thủ đô và cả nước, mà còn là tình cảm, tấm lòng của quê hương và con người Tây Ninh hướng về Hà Nội, đồng thời góp phần làm phong phú thêm các hoạt động sinh hoạt văn hoá tại phố đi bộ Hồ Gươm - một “thương hiệu” đặc trưng, độc đáo đầy tính nhân văn của Thủ đô, của người Hà Nội".

Có một Tây Ninh thân thiện, nghĩa tình - ảnh 3Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, (thứ ba từ trái sang), chụp ảnh tại một gian hàng tại "Ngày Tây Ninh tại Hà Nội".

Mỗi năm Tây Ninh đón khoảng 2 đến 2 triệu rưỡi lượt khách du lịch. Năm 2022, số lượng du khách đến với tỉnh tăng đột biến với 4 triệu lượt, doanh thu từ du lịch đặt gần 1.800 tỉ đồng. Tại hội nghị quảng bá xúc tiến du lịch “Hương sắc Tây Ninh 2023” trong khuôn khổ sự kiện, bà Trần Nguyện, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun World, khẳng định với 95 di tich được xếp hạng, 8 di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt nhiều điểm đến tâm linh nổi tiếng như núi Bà Đen, tòa thánh Cao Đài và nền ẩm thực phong phú, văn hóa giàu bản sắc, Tây Ninh có nhiều thế mạnh để phát triển các loại hình du lịch đa dạng mà nhiều điểm đến mơ ước.

Chị Phú Khánh, MC của Đài Phát thanh -Truyền hình Tây Ninh, bày tỏ niềm vui được góp sức trong việc quảng bá hình ảnh Tây Ninh đến Hà Nội trong sự kiện năm nay: "Với tư cách là một người con của quê hương Tây Ninh, Phú Khánh rất vinh dự được tham gia các hoạt động tại Hà Nội. Bản thân rất tự hào và xúc động. Tự hào vì mình được quảng bá những nét đẹp của quê hương Tây Ninh giữa lòng thủ đô Hà Nội đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế và xúc động khi mà những hình ảnh Tây Ninh giữa lòng thủ đô như thế này được quảng bá đến tất cả mọi người và mình cũng góp một phần công sức nhỏ bé. Mỗi người Tây Ninh sẽ là một mảng màu sắc tươi mới mang đến nhân kỷ niệm 69 năm ngày giải phóng thủ đô Hà Nội".

Những nét văn hóa độc đáo của người dân Tây Ninh thông qua các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, như: điệu múa trống Chhay-dăm - loại hình múa dân gian của dân tộc Khmer, hay nghệ thuật đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại đã được trình diễn cho đông đảo công chúng Thủ đô tại khu vực nhà Bát giác (phía sau tượng đài vua Lý Thái Tổ). Khán giả đã bị chinh phục bởi những tiết mục đờn ca tài tử qua giọng ca của nghệ sĩ ưu tú Kim Tử Long và các nghệ sĩ Tây Ninh.

Có một Tây Ninh thân thiện, nghĩa tình - ảnh 427 đơn vị và doanh nghiệp trưng bày các sản phẩm đặc trưng làm nên thương hiệu của mảnh đất Tây Ninh. Ảnh: vtc.vn

Những thức quà đặc sản của Tây Ninh cũng được giới thiệu tới người Hà Nội và các du khách trong và ngoài nước thông qua 30 gian hàng trưng bày sản phẩm công - nông - thương, sản phẩm OCOP cùng các sản phẩm dịch vụ du lịch của Tây Ninh. Người dân thủ đô thích thú với bánh tráng phơi sương, muối tôm, mãng cầu, đường phèn, mật ong, yến sào, các sản phẩm du lịch…

Điểm nổi bật của “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội” năm nay là các hoạt động tương tác cùng du khách, tạo nên các trải nghiệm thực tế hấp dẫn tại sự kiện. Từ chụp ảnh check -in với phông nền là hình ảnh những điểm du lịch nổi tiếng của Tây Ninh có sự hỗ trợ rửa ảnh của Ban Tổ chức ngay tại chỗ; thử tài hát vọng cổ cùng các nghệ sĩ và thưởng thức đặc sản Tây Ninh tại các gian hàng, như: muối ớt Tây Ninh, bánh tráng, trái cây… đã  tạo nên một không gian lễ hội tươi vui và sôi động tại phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm. Chị Nguyễn Thị Hằng đến trải nghiệm “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội”, cho biết: "Nhất định tôi sẽ đến Tây Ninh đặc biệt là đến núi Bà Đen. Bởi vì đây là ngọn núi cao nhất Nam bộ được mệnh danh là “đệ nhất thiên sơn”".

Du lịch văn hóa được xác định sẽ là sản phẩm du lịch mũi nhọn của Tây Ninh trong thời gian tới. “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội” được kỳ vọng mở ra cơ hội hợp tác, thúc đẩy đầu tư nhằm khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế để phát triển thương mại dịch vụ, du lịch của Tây Ninh... Đồng thời, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài nước liên kết hợp tác, tăng cường đầu tư vào Tây Ninh.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác