Cuộc gặp của 2 bà mẹ Việt - Mỹ mất con trong chiến tranh

Daniel Cheney, phi công Mỹ hy sinh tại chiến trường Việt Nam ở tuổi 21 để lại nỗi đau cho bà Rae Cheney. Còn mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Moan mất cả con trai lẫn con gái trong cuộc chiến. Hai người mẹ đã gặp nhau ở Quảng Trị.

Rae Cheney, người mẹ Mỹ mất đi con trong chiến tranh Việt Nam. Con bà, Daniel Cheney - một phi công Mỹ hy sinh tại chiến trường Việt Nam khi anh tròn 21 tuổi. Đó là một vết thương lòng còn ám ảnh cho tới tận nhiều năm sau. Đối với bà Rae Cheney, nỗi đau ấy không ngày nào giống ngày nào. Những năm tháng được sống bên con luôn hiện về trong bà.

Daniel là một chàng trai luôn tràn đầy sức sống. Ngày Daniel còn nhỏ, bà Rae vẫn thường xuyên ngắm 2 con chơi đùa trong trang trại của gia đình. Hồi nhỏ, Daniel rất nghịch ngợm, đôi khi khiến bà và mọi người trong gia đình phải nghĩ ra các hoạt động cho cậu tham gia để bớt nghịch ngợm hơn.

Ấy vậy mà người con trai của bà đã mãi mãi ra đi bởi một thứ gọi là “chiến tranh”. Suốt những năm tháng sau đó, bà Rae Cheney sống trong vô vàn cảm xúc lẫn lộn và có cả những giây phút cay đắng, phẫn uất khi nghĩ tới cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

Việt Nam đã trở thành cái tên xuất hiện trong nhiều cơn mộng mị của nỗi đau một người mẹ nhớ về con đã ra đi mãi mãi.

Cũng chính vì nỗi đau đó, khi người con gái cùng chồng thực hiện dự án có tên gọi Peace Trees (Cây Hòa Bình), thành lập một tổ chức kết nối những người bạn bè phải sống với chiến tranh trên khắp thế giới, dù không phản đối nhưng bà chưa bao giờ nghĩ mình sẽ là người tham gia vào dự án.

Bà không sợ bất cứ thứ gì liên quan đến chiến tranh có thể gây tổn thương tiếp trong lòng bà nhưng Việt Nam luôn là cái tên bà muốn lảng tránh. Đúng lúc ấy, con gái bà, Jerilyn và chồng đã hỏi mẹ: “Mẹ có muốn tham gia cùng chúng con không?”.

Dự án cần một người đảm trách việc viết thư cám ơn những người ủng hộ và tài trợ từ khắp mọi nơi. Bà biết dự án của các con mình hướng tới những điều tốt đẹp với mong ước cải tạo mối quan hệ Mỹ - Việt nên bà luôn ủng hộ và đồng tình, nhưng quả thật bà không sẵn lòng tham gia.

Không chỉ lúc đó mà đã nhiều lần trong bà có hai nguồn cảm xúc luôn đối chọi nhau mãnh liệt. Khi nghĩ tới Việt Nam và chiến tranh, đôi khi bà cảm thấy rất giận dữ. Nhưng ngay sau đó, tự bản thân bà lại nghĩ: "Mình cần xem lại khi tất cả mọi người xung quanh đều đang cố gắng làm một điều gì đó để hướng tới một mối quan hệ tốt đẹp, mình cần thay đổi bản thân mình". Và thế là bà đồng ý, nhận lời tham gia vào tổ chức của con gái và con rể mình.

Hai người mẹ Việt - Mỹ ôm nhau trong niềm cảm thông nỗi đau mất con trong chiến tranh Việt Nam.
Hai người mẹ Việt - Mỹ ôm nhau trong niềm cảm thông nỗi đau mất con trong chiến tranh Việt Nam.


Trong suốt 15 năm từ khi bà bắt đầu tham gia cho tới ngày bà lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam năm 2010, tổng cộng số thư bà viết đã lên tới 8.000 bức. Mỗi lần viết một bức thư là một lần bà nghĩ tới những bà mẹ ở bên kia thế giới - những bà mẹ Việt Nam anh hùng cũng có những nỗi đau mất mát trong lòng.

Những ý nghĩ cứ lớn dần lên theo từng bức thư. Bà thực sự mong muốn một lần được gặp những bà mẹ Việt Nam giống như mình và nói rằng họ có những điểm tương đồng, có những tình yêu và nỗi đau trong sâu thẳm trái tim.

Nhưng suốt 15 năm đó, bà không bao giờ nghĩ tới việc mình sẽ đến Việt Nam. Cho tới tận khi ngồi trên máy bay để tới sân bay Nội Bài, bà Rae Cheney nhận ra rằng đây là mảnh đất mà bà đã cố lảng tránh trong suốt những năm tháng qua.

Ở tuổi 90, bà mới thực sự đặt chân tới Việt Nam. Tổ chức Peace Trees đã làm thay đổi con người bà, những suy nghĩ và cuộc sống của bà đã thay đổi theo hướng tích cực hơn, ý nghĩa hơn rất nhiều. Chuyến đi tới Việt Nam lần này mang nhiều ý nghĩa đối với bản thân người mẹ Mỹ ấy.

Không chỉ được tận mắt chứng kiến những hoạt động, thành quả của tổ chức của con gái và gia đình mình ở Quảng Trị, nơi xuất hiện Làng hữu nghị Peace Trees và hàng nghìn cây xanh trên mảnh đất trước đây đầy ắp những bom mìn còn sót của chiến tranh; bà còn được thực hiện điều mong muốn bấy lâu của mình.

Trong lễ khánh thành một thư viện mới tại thôn Khe Đá, tỉnh Quảng Trị, bà đã được gặp mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Moan, người cũng đã mất con trai và con gái trong chiến tranh.

Hình ảnh hai người phụ nữ đều đã bước qua tuổi 90, cùng cắt dải băng đỏ khánh thành thư viện Hòa Bình, cùng uống chút rượu cần và ôm nhau thắm thiết, có lẽ là hình ảnh không thể nào quên được đối với nhiều người.

Bà Rae đã thực sự cảm nhận được rằng nỗi đau mất con trong chiến tranh là như nhau. Bà mong muốn được trở thành bạn với những bà mẹ Việt Nam anh hùng và tin rằng họ mãi mãi sẽ là bạn.

Peace Trees là một trong những tổ chức phi chính phủ đầu tiên tới mảnh đất Quảng Trị với công việc rà phá bom mìn và xây dựng cuộc sống mới cho người dân. Dự án Peace Trees được nhen nhóm trước đó với ý tưởng của con rể bà Rae Cheney và cho tới năm 1995 mới hình thành rõ ràng những mục đích cụ thể hướng tới Việt Nam.

Năm ấy, Jerilyn và chồng mình, anh Danaan Parry đang đi trên một chuyến máy bay từ Đức về nhà tại Seattle. Họ đọc được trên một tờ báo về việc Bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Ngay lập tức, hai vợ chồng đã thảo luận và liên lạc với các bạn bè để tìm cách xin phép Chính phủ Việt Nam được đến nơi đây.

4 tháng sau, nghe nói có một buổi tiệc tại thủ đô Washington, nơi mà có thể tìm gặp ngài đại sứ Việt Nam Lê Văn Bàng, Danaan Parry đã bay tới thủ đô và đánh liều tìm tới nơi diễn ra bữa tiệc.

May mắn đã đến với anh khi anh đã được gặp ngài đại sứ Lê Văn Bàng ở cửa ra vào và trình bày ý tưởng của tổ chức Peace Trees. Thật bất ngờ, ngài đại sứ đã mời anh và nhận lời giúp đỡ.

Vậy là Peace Trees đã đến được với Quảng Trị, nơi vẫn còn sót lại số lượng lớn bom mìn và số lượng người tử vong cũng như thương tật tăng lên hàng năm. Điều đáng tiếc là một năm sau đó, Danaan Parry đã qua đời. Jerilyn tiếp tục thay chồng điều hành và thực hiện tiếp những công việc ý nghĩa của tổ chức.

Tổ chức Peace Trees hướng tới công việc rà phá bom mìn, giúp người dân xây nhà, trao học bổng, tạo công ăn việc làm và trồng cây xanh trên mảnh đất an toàn sau khi gỡ bỏ hết bom mìn. Ngày nay, Làng hữu nghị Peace Trees tại Quảng Trị là nơi đã từng là tụ điểm của nhiều bom mìn sót lại.

Ngay từ cuộc rà phá bom mìn lần đầu tiên năm 1996, có 2.000 cây xanh đã được trồng. Lần đầu tiên đến Việt Nam, Jerilyn đã chứng kiến tận mắt những đứa trẻ bị thương do nhặt lựu đạn, chứng kiến những nỗi buồn trong mắt của người dân, nhìn thấy những ngôi nhà đơn sơ u tối không có điện nước.

Chị và các bạn đã thảo luận với người lãnh đạo thuộc Sở ngoại vụ tỉnh Quảng Trị , tổ chức một cuộc rà soát bom mình tại toàn bộ nơi dân sinh sống với diện tích 19,5 ha. Chính nơi ấy giờ đã trở thành Làng hữu nghị Peace Trees ngày nay được thành lập năm 2002 với 100 ngôi nhà cho 650 người dân sinh sống, cùng với trường mầm non và thư viện.

Đến nay Jerilyn và tổ chức của mình đã rà soát được hàng vạn tấn bom mìn trên gần 200 ha đất, xây dựng được nhiều trường học, thư viện, sân chơi an toàn cho trẻ em cũng như những hoạt động ý nghĩa giáo dục kiến thức về bom mìn với nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau.

Năm 2010, bà Rae Cheney cùng con gái, và ông Lê Đình Quang, đại diện Peace Trees tại Việt Nam đã được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc.

Trồng cây là một việc làm ý nghĩa và tiêu biểu nhất cho mọi hoạt động của tổ chức Peace Trees. Cây xanh mang đến sự sống cho mảnh đất, là một hành động bình dị mà tất cả mọi người cùng có thể chung tay làm được.

Thông qua những lời kêu gọi, hoạt động của Peace Trees, có rất nhiều tình nguyện viên từ Mỹ và các nước trên thế giới mong muốn đến Việt Nam trồng cây, tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam và thắt chặt mối quan hệ giữa các dân tộc.

Trong Làng hữu nghị Peace Trees tại Quảng Trị có một cây cao nhất, là cây đầu tiên được trồng trên mảnh đất này trong cuộc rà phá bom mìn lần đầu năm 1996. Cái cây ấy không chỉ đặc biệt là cây đầu tiên mà nó còn đặc biệt ở chỗ dưới gốc cây ấy là nơi một người mẹ Mỹ gửi gắm tấm huy chương của người con trai đã mất trong chiến tranh đúng 27 năm về trước.

15 năm sau, người mẹ ấy đã tới Việt Nam, tới tận nơi cái cây ấy mọc lên xanh tốt, nhớ về con trai bà và thầm cảm ơn Việt Nam vì bà đã được ở đây, cảm ơn vì những đóng góp của mình được biết tới và được dang tay đón nhận với những tình cảm chân thành nhất.

(Phụ Nữ Today)

Phản hồi

Các tin/bài khác