Đặc sắc chuỗi hoạt động văn hóa “Chuyện của Gốm”

(VOV5) -  Thông qua chuỗi hoạt động văn hóa có chủ đề “Chuyện của Gốm”, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội bảo tồn, tôn vinh nghề gốm truyền thống, kết nối phố nghề với làng nghề. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa có chủ đề “Chuyện của Gốm” từ 23/4 đến 31/5/2021 tại đình Kim Ngân số 42, 44 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Sự kiện đặc sắc giới thiệu các làng nghề gốm truyền thống của Việt Nam, thu hút đông đảo du khách.
Đặc sắc chuỗi hoạt động văn hóa “Chuyện của Gốm”  - ảnh 1 Sản phẩm gốm tại trưng bày “Chuyện của gốm”. Ảnh: Ngọc Anh

Trong số rất nhiều nghề truyền thống của ông cha để lại, nghề gốm đã có lịch sử phát triển hàng nghìn năm. Các sản phẩm gốm của các làng nghề có vai trò rất quan trọng phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân, đồng thời thể hiện tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Những trung tâm sứ gốm ở Việt Nam, xuất hiện từ thời Lý - Trần (thế kỷ thứ X đến thế kỷ XIV) mà đến nay vẫn còn hưng thịnh nghề nghiệp, đó là Bát Tràng (Hà Nội), Thổ Hà, Phù Lãng (Bắc Ninh), Hương Canh (Vĩnh Phúc), Chum Thanh (Thanh Hóa)... Và mỗi nơi, lại có mặt hàng gốm đặc trưng riêng của mình, tạo nên sự đa dạng, phong phú của nghề gốm Việt Nam.

Điểm nhấn của chuỗi hoạt động văn hóa “Chuyện của Gốm” là trưng bày giới thiệu tới công chúng những sản phẩm gốm tiêu biểu của làng nghề gốm Bát Tràng (Hà Nội), làng nghề gốm Phù Lãng (Bắc Ninh) và xưởng gốm Chi (Hà Nội).

Ông Phạm Ngọc Huy, nghệ nhân làng gốm Bát Tràng, cho biết: “Dòng gốm Bát Tràng đẹp từ dáng gốm, nét vẽ, hoa văn và màu men đặc trưng mà không có dòng gốm nào ở Việt Nam hoặc ở các nước khác có được như gốm Bát Tràng. Men gốm Bát Tràng được người ta chế tác từ các nguyên liệu có từ thiên nhiên, đất đá, không có hóa chất nào cả. Chẳng hạn như muốn làm màu nâu trầm thì người ta lấy nguyên liệu từ phù xa sông Hồng. Làm men tro bằng cách lấy vôi bột trộn vỏ trấu đốt lên rồi nghiền nát lọc trộn tí đất sét làm thành men. Loại men đó mới có chiều sâu, đẹp sáng lung linh chứ không đục như men đá quặng.”

Với trí sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của người thợ gốm, gốm Việt Nam đã trở thành một loại hình nghệ thuật mang tính dân gian sâu sắc. Sản phẩm gốm sứ Việt Nam đã được xuất khẩu ra nhiều nước.

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức cho biết: “Nhiều nước trên thế giới từ Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Nhật Bản đều nhập gốm Việt Nam. Nghề gốm Việt Nam đang phát triển tốt, đặc biệt là gốm Bát Tràng. Người dân làng Bát Tràng rất tài hoa, từ xưa làng Bát Tràng đã giàu có. Gốm Bát Tràng đáp ứng nhiều loại nhu cầu thị trường và tạo ra khối lượng rất lớn ở Việt Nam.”

Đặc sắc chuỗi hoạt động văn hóa “Chuyện của Gốm”  - ảnh 2Nghệ nhân trình diễn nghề làm gốm. Ảnh: Ngọc Anh

Trưng bày giúp người xem hiểu biết rõ hơn về lịch sử hình thành nghề gốm, văn hóa gốm Việt Nam. Du khách cũng được tận mắt chứng kiến nghệ nhân, thợ gốm thao tác các công đoạn làm ra sản phẩm gốm; nghe nghệ nhân, thợ gốm kể các câu chuyện về nghề làm gốm.

Em Hồ Thị Quỳnh, sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội, cảm nhận: “Tôi ấn tượng khi thấy trưng bày sắp xếp ở đây rất kỳ công. Tôi mới biết làng gốm Bát Tràng nhưng tới đây tôi còn biết thêm làng nghề gốm Phù Lãng ở tỉnh Bắc Ninh. Những chương trình như này giúp cho các bạn trẻ có cơ hội tìm hiểu lịch sử các làng nghề truyền thống. Sau khi tham qua quá trình làm sản phẩm trực tiếp của các nghệ nhân ở đây tôi thấy làm ra một sản phẩm tưởng chừng đơn giản nhưng thật ra mất nhiều công sức, tâm huyết của người nghệ nhân.”

Sự kiện “Chuyện của Gốm” không chỉ giới thiệu nghề làm gốm ở một số làng nghề gốm, các dòng gốm sứ tiêu biểu ở miền Bắc Việt Nam, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa, đất nước, con người Việt Nam ra bạn bè quốc tế.

Bà Đào Thị Liên Hương, Trưởng Ban vận động mỹ thuật Việt Nam và ngoại giao văn hóa (Bộ Ngoại giao Việt Nam), cho biết: “Các lãnh đạo cấp cao Việt Nam như Thủ tướng, Chủ tịch nước đã từng lấy gốm Bát Tràng làm quà tặng ngoại giao tặng nguyên thủ quốc gia các nước. Chúng tôi cũng đã sử dụng gốm để trang trí trong các đại sứ quán, tổng lãnh sứ quán Việt Nam ở nước ngoài. Trong ngoại giao văn hóa, các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài đều tổ chức những sự kiện tuyên truyền, quảng bá văn hóa Việt Nam, trong đó có giới thiệu đồ gốm sứ Việt Nam.”

Thông qua chuỗi hoạt động văn hóa có chủ đề “Chuyện của Gốm”, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội bảo tồn, tôn vinh nghề gốm truyền thống, kết nối phố nghề với làng nghề. Đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác