Hà Nội thanh bình ngày mùng một tết

(VOV5) Ngày mùng một tết, ngày thứ nhất của năm lịch Âm Dương. Khởi nguyên của ngày đầu lại là buổi sớm mai. Với người Việt, đây là ban sớm của ngày thiêng nhất, cũng là ngày lành, ngày đẹp nhất của năm. Sáng mùng một tết, Hà Nội trong veo, thanh bình đến nao lòng.

 Hà Nội thanh bình ngày mùng một tết - ảnh 1
Phố vắng hoe, khó khăn lắm mới thấy một bóng người - Ảnh: Quang Trung VOVonline

 

Ngày mùng 1 Tết là ngày duy nhất trong năm đường Hà Nội vắng vẻ và bình yên.  Khi tiết giá lạnh của trời đêm còn chưa tan hết, đường phố không chật chội, không có khói bụi, còi xe, Hà Nội như trở thành cô gái xưa yêu kiều, trầm lặng và quyến rũ.

 

 

Mới hôm qua thôi, những con phố vẫn còn ken kịt người và xe cộ nhưng nay tạm tan biến. Hà Nội được ngủ đẫy giấc, không phải dậy sớm nên trầm lắng, cổ kính. Anh Võ Hoài Sơn, sinh ra và lớn lên ở khu phố cổ Hà Nội luôn đồng hành cùng chiếc máy ảnh năm nào cũng lang thang vào sáng sớm mùng một tết.

 

 

Anh Sơn bảo ngày nào cũng đi trên những con đường đó nhưng cảm xúc của ngày mùng một Tết thật lạ kỳ, bao cảm xúc như chợt ùa về. “Có cảm xúc rất riêng mà có có khi hàng ngày, trong 364 ngày, ai đó cũng phải lao vào cuộc sống , bận rộn, quên đi hết tất cả. Tự dưng ngày mùng một nó như cuốn phim quay trở ngược lại về gia đình, bạn bè với một cảm xúc yêu thương rất khó nói.”

 

 

Không sống trong khu phố cổ như anh Sơn nhưng Lê Lai cũng yêu tha thiết những con phố nhỏ, ngôi nhà cũ rêu phong. Ngày thường, người xe chật cứng như nêm, không ai cảm nhận được hết vẻ đẹp của Hà Nội và ngày mùng một Tết là cơ hội để Lê Lai thẩn tha ngắm nhìn. “Những góc phố thân quen vắng lặng. bình yên, dễ chịu. Lúc đó đứng hít thở không khí, cảm nhận bầu không khí mùng một tết và những kỷ niệm ùa về…”

 

 

Sớm mùng 1 Tết, khi phố phường Hà Nội còn say giấc thì đâu đó đã lác đác tiếng rao: "Ai mua muối đi. Mua muối cầu may nào...". 5.000 đồng/bát muối, đắt hơn ngày thường đến sáu – bảy lần, nhưng không hề có một lời mặc cả. Ai cũng tâm niệm rằng, mua được muối đầu năm thì sẽ có 365 ngày làm ăn thuận buồm xuôi gió. Và cả người bán, người mua đều không quên dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất trong ngày đầu xuân năm sớm.

 Hà Nội thanh bình ngày mùng một tết - ảnh 2
Một người bán muối đầu năm - Ảnh: Quang Trung VOVonline

 

Hơn 20 năm đi bán muối, chị Quách Thị Tình, quê ở huyện Thường Tín, cho biết đường phố Hà Nội sáng sớm mùng một trông lạ lắm. Ngày này mọi thứ đều nhẹ nhàng và chị vui vì mang điều hạnh phúc đến cho mọi người vào thời khắc đầu tiên của ngày đầu năm. “Mùng một tết năm nào cũng đi, đi bám cho các bà lấy lộc may mắn, đắt hàng. Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi. Từ trước đến nay các cụ vẫn làm như thế thì chúng tôi tiếp tục đi thôi. Đi bán đắt hàng sớm năm, suôn sẻ rồi về.”

 

 

Hà Nội sáng mùng một như khoác một chiếc áo được dệt bằng lụa, mỏng manh, là lượt và dịu dàng. Nhưng đằng sau những dãy ki ốt hiện đại vẫn còn ranh giới của những nếp người xưa. Xưa cả nếp nhà và lối sống nên những thói quen của ngày mùng một Tết vẫn được những người Hà Nội lưu giữ. Dù chỉ ở nhà nhưng các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Văn Giang đều quần áo chỉnh tề. Quây quần bên ấm chè nóng, con cháu lần lượt đến chúc thọ ông bà, cha mẹ, rồi sau đó người lớn lại mừng tuổi cho trẻ.

 

 

Bà Đặng Thị Gái, vợ ông Giang,  65 tuổi nhưng chưa năm nào bỏ qua thói quen dậy sớm nấu cho cả nhà nồi nước mùi già để rửa mặt cho thơm. Rồi bà bắt tay vào chuẩn bị nấu mâm cỗ cúng tổ tiên cho ngày đầu năm: “Ngày mùng một Tết thường các thành viên trong gia đình không đi đâu sớm. Việc quan trọng của ngày này là nấu mâm cơm cúng tổ tiên. Mâm cơm phải có gà luộc, bánh chưng xanh, kiệu muối, canh măng…Mặc dù thời tiết ngày Tết là lạnh nhưng những công việc này được chúng tôi làm bằng lòng thành kính. Ngày mùng một thiêng liêng lắm, mọi thành viên trong gia đình sẽ dành nhiều thời gian để sum vầy cùng nhau. Ông bà dành cho con cháu những lời chúc tốt đẹp nhất. con cháu gửi tới ông bà lời chúc sức khỏe.”    

 

 

Tết Hà Nội lạnh, ngoài những món ăn cổ truyền ngày tết thì món thịt đông là không thể thiếu... Khi cơm nước đã xong xuôi, những tia nắng dịu ngọt màu mỡ gà bắt đầu len lỏi qua những kẽ lá cũng là lúc người Hà Nội chuẩn bị xuất hành. Thường là mùng 1 dành cho những nơi quan trọng: người dưới đến người trên, chi dưới đến thắp hương ở bàn thờ chi trưởng.

 

 

Ngoài đường, người đi cũng đông dần lên, các đền chùa nườm nượp người đến lễ bái, cầu xin sức khỏe và mọi việc trong năm mới được hanh thông, hạnh phúc./.

Lan Anh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phản hồi

Các tin/bài khác