Hậu phương của người lính đảo Trường Sa (Phần 3)

(VOV5) - Nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình, người thân luôn là một thách thức đối với các chiến sĩ đang sống và làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa. Với họ, những tình cảm, sự động viên chia sẻ hàng ngày của hậu phương là những người cha, người mẹ, người vợ và gia đình đã trở thành động lực to lớn, giúp các anh vững tay súng bảo bệ chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc. Dù cách trở về không gian song vượt lên trên tất cả là niềm tin mãnh liệt, niềm tự hào của người chiến sĩ và của gia đình khi cả đất nước đều đang chung tay, góp sức và luôn hướng trái tim mình về vùng lãnh hải thiêng liêng của Việt Nam: Trường Sa thân yêu. Đây cũng chính là nội dung phần 3, cũng là phần cuối phóng sự: Hậu phương của người lính đảo Trường Sa.

Nhấn vào đây để nghe âm thanh phóng sự:


 

Hậu phương của người lính đảo Trường Sa (Phần 3) - ảnh 1
Tấm lòng của người chiến sĩ hải đảo gửi về hậu phương



Trong  đoàn thân nhân cán bộ, chiến sĩ Trường Sa ra thăm chồng, con  người thân đang làm nhiệm vụ ở nơi tuyến đầu Tổ quốc không chỉ có niềm hạnh phúc trùng phùng của các cặp vợ chồng mà còn có cả những giọt nước mắt đầy xúc động của những người bố, người mẹ.


 

Hậu phương của người lính đảo Trường Sa (Phần 3) - ảnh 2
Chiến sĩ Trường Sa nghiêm trang chờ đoàn công tác ra thăm đảo.

 

Đây là lần thứ hai người cựu binh Hải quân Bùi Ngọc Hợi ra Trường Sa. Lần đầu năm 1993, ông là một người lính đi làm nhiệm vụ cùng đồng đội bảo vệ quần đảo thân yêu của Tổ quốc. Sau hai chục năm, bây giờ ông trở lại nhưng với vai trò là bố vợ ra thăm con rể. Cuộc đoàn tụ ngay tại cầu cảng giữa biển trời Trường Sa, ông Hợi có cảm tưởng như mình ở trong mơ: “Tàu vừa cập bến, con rể nhìn thấy bố vợ, cứ ôm chầm lấy. Tôi cảm động quá khóc luôn. Tôi ôm lấy nó, tôi cảm thấy như con đẻ mình”

 

Ở lại sáu ngày với anh con rể Đinh Viết Dũng tại Trường Sa Lớn là dịp để bố con hàn huyên tâm sự về cuộc sống trên bờ, ngoài đảo. Nào là chuyện con gái đầu lòng Đinh Thị Nhật Anh đã lẫm chẫm tự đi. Người vợ Hồng Nhật vẫn ngày đêm trông ngóng chồng nhưng bận con còn quá nhỏ, đành ngậm ngùi nhờ bố gửi quà tặng sinh nhật sớm ra đảo. Ông Hợi kể: “Tôi ra gặp con rể, nói con cứ an tâm. Ở nhà, con của con cũng như cháu của ông. Ông bà rất quan tâm đến vợ con và cháu. Làm sao giữ cho vợ và con của con an toàn, không để cho con phải suy nghĩ, bận tâm. Con an tâm chiến đấu để giữ thềm lục địa, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc ta sao cho tốt”.

Những lời động viên của nhạc phụ càng giúp cho thiếu úy Đinh Viết Dũng yên tâm. Anh cũng chia sẻ với cha: “Ở ngoài đảo, giờ mọi thứ tốt cả. Cuộc sống tương đối đầy đủ”. Anh Dũng còn khoe sẽ xung phong tiếp tục ở lại đảo phục vụ khoảng hai năm nữa mới trở lại đất liền. Chính từ nơi hậu phương, quê nhà, chỗ dựa vững chắc ấy đã cổ vũ tinh thần cho anh, người lính nơi đảo xa, thêm sức mạnh và quyết tâm để cống hiến sức trẻ cho biển đảo Tổ quốc. Nhìn thấy niềm tin và ý chí đọng trong đôi mắt của chàng trai 30 tuổi mà từ lâu ông đã coi như con đẻ, chứ không như quan niệm xưa “dâu là con, rể là khách”, người cựu binh già thấy mừng về thế hệ tiếp nối: “Tôi rất tự hào, không những đời của tôi được ra Trường Sa phục vụ, em tôi được ra Trường Sa phục vụ, con rể tôi nữa. Ra thăm con tôi, đứng trước đầu sóng ngọn gió, đứng trước hải đảo, tôi cảm động vô cùng. Tôi rất tự hào về điều đó”.

Bất cứ ai có vinh dự ra thăm quần đảo Trường Sa đều cùng có chung một cảm nhận: Những người lính đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu Tổ quốc, dù khó khăn gian khó đến đâu nhưng vượt lên trên hết vẫn là ý chí quyết tâm sắt đá và lòng quả cảm, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc. Thiếu úy Đào Văn Nam vẫn quyết tâm ra đảo Nam Yết công tác dù vợ vừa mới sinh con, là một ví dụ không hiếm gặp: “Đi đảo thì cháu bé mới được 3 tháng. Nói chung không những nhớ con nhớ gia đình, còn nhớ đất liền nữa, nhưng vì nhiệm vụ mình gác tạm một bên”.

Cảm phục các anh, Đảng và Nhà nước những năm qua đã tổ chức nhiều đoàn công tác ra thăm, động viên tinh thần các chiến sĩ Trường Sa. Anh Phan Văn Đức, quê Thái Bình, thuộc  phân đội 82, đảo Song Tử Tây cảm nhận: “Tôi rất vui và xúc động khi gặp được kiều bào ở nước ngoài về thăm chúng tôi. Rất xúc động và cảm ơn các anh, các chú đã nhớ đến quê hương, Tổ quốc đã ra đây thăm chúng tôi, chia sẻ với chúng tôi những buồn vui trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên đảo. Thời tiết trên đảo rất khắc nghiệt, nhưng không vì những khó khăn đó mà không hoàn thành tốt nhiệm vụ. Anh em chúng tôi xin hứa sẽ làm tốt nhiệm vụ mà Đảng đã giao phó”.


 

Hậu phương của người lính đảo Trường Sa (Phần 3) - ảnh 3
Những ngày vui như tết đối với các chiến sĩ khơi xa

 

Mỗi khi có đoàn công tác từ đất liền ra, hoặc có khi là những tàu cá của ngư dân vào tránh trú bão là những ngày vui như tết đối với người lính đảo. Thiếu úy Lê Văn Chiên, chính trị viên nhà giàn DK1/11 tâm sự: “Chúng tôi thật sự cảm động về điều đấy. Tôi mong muốn một điều các bạn, các mẹ, các chị, các cô ở đất liền đó là hậu phương, chúng tôi là tiền tuyến. Tiền tuyến hoàn thành tốt nhiệm vụ phải có hậu phương ủng hộ. Các mẹ, các chị, các cô, các dì đã ủng hộ chúng tôi, thì chúng tôi sẽ cố gắng phấn đấu và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đấy là món quà cao cả nhất của chúng tôi”.


Hậu phương luôn kề bên, sưởi ấm lòng những người lính khơi xa. Do vậy, dù còn nhiều gian khó, chông gai trước mắt, người lính đảo vẫn lạc quan, yêu đời, như cây phong ba nguyện làm lính nơi đảo xa canh giữ biển trời thân yêu của Tổ quốc./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác