Những ấn tượng trong bức tranh văn hoá Việt Nam năm 2013

(VOV5) - Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, lần đầu tiên Việt Nam trở thành thành viên Ủy ban Di sản thế giới của Uỷ ban Văn hoá Giáo dục và Khoa học Liên hiệp quốc, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam, tổ chức tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc- Di sản văn hoá Việt Nam và nhiều hoạt động giao lưu hợp tác văn hoá nghệ thuật với các nước… là những sự kiện văn hoá nổi bật của Việt Nam trong năm 2013. Những sự kiện này cho thấy một bức tranh sống động về  nền văn hoá Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.


Những ấn tượng trong bức tranh văn hoá Việt Nam năm 2013 - ảnh 1
Đờn ca tài tử Nam bộ – Ảnh: nguồn thethaovanhoa.vn


Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Sự kiện văn hoá nổi bật trong năm là nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được Uỷ ban Văn hoá Khoa học và Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại trong phiên họp lần thứ 8 của UNESCO diễn ra tại Cộng hoà Azerbaijan, hôm 05/12. Việc đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại cho thấy thế giới đánh giá rất cao loại hình âm nhạc này của Việt Nam và cũng chứng tỏ sức sống của văn hoá truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập và văn hoá thế giới. Để được ghi tên vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ đã đáp ứng được các tiêu chí như: Được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giáo dục chính thức và không chính thức tại khắp 21 tỉnh phía Nam; được tái tạo thông qua trao đổi văn hóa với các dân tộc khác nhau, thể hiện sự hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban UNESCO của Việt Nam, nhìn nhận: “Đây không chỉ là niềm vui riêng của nhân dân 21 tỉnh Nam bộ mà là niềm vui chung của cả nước, của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đờn ca tài tử được vinh danh cũng thể hiện một sự quan tâm đánh giá rất đúng với xuất xứ cũng như sự lan truyền, tác dụng và những tác phẩm để đời của nghệ thuật đờn ca tài tử, với những nghệ sỹ, nghệ nhân, những nhạc sỹ đã dày công vun đắp từ thuở xa xưa”.

Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Ủy ban Di sản thế giới, một trong những ủy ban chuyên môn quan trọng nhất của UNESCO, từ ngày 20/11/2013. Sự kiện này khẳng định uy tín của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế về công tác quản lý, bảo tồn di sản thế giới. Cũng như việc gia nhập vào các tổ chức quốc tế khác, sự kiện Việt Nam trở thành thành viên của Ủy ban Di sản thế giới là một tín hiệu mừng. Từ nay, Việt Nam chính thức nắm trong tay một phiếu trong những cuộc bình chọn giá trị văn hóa toàn cầu. Việt Nam cũng có thêm tiếng nói để bảo vệ cho bản sắc văn hoá và để các giá trị văn hoá Việt Nam đạt tới những danh hiệu cao quý do UNESCO công nhận. Giáo sư Ngô Đức Thịnh, chuyên gia nghiên cứu văn hoá Việt nam, cho biết: “Trong những năm tới, chúng ta tiếp tục có những đề cử quốc gia và quốc tế về những di sản. Bên cạnh đó, chúng ta hoàn thiện dần Luật Di sản, làm sao để luật đến được với những người dân. Việc Việt Nam trở thành thành viên của Uỷ ban Di sản thế giới chứng tỏ Việt Nam đã làm khá tốt và được tín nhiệm, chúng ta là một thành viên và chúng ta có một lá phiếu ở đó. Đây là một điều rất tốt, chúng ta phải phát huy những thế mạnh đó”.

Giữa tháng 8/2013, tại Việt Nam diễn ra sự kiện văn hoá nổi bật là Hội nghị tổng kết 15 năm (1998-2013) thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá 8 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Báo cáo tại Hội nghị đánh giá cụ thể việc thực hiện Nghị quyết ở 10 lĩnh vực: Xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới; xây dựng môi trường văn hóa; phát triển sự nghiệp văn hóa-nghệ thuật; bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa; phát triển sự nghiệp giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ; phát triển đi đôi với quản lý tốt hệ thống thông tin đại chúng; bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số; chính sách văn hóa đối với tín ngưỡng tôn giáo; mở rộng quốc tế về hợp tác văn hóa; củng cố và hoàn thiện thể chế văn hóa. Hội nghị đặt ra nhiệm vụ mới là: xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hoá gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển của đất nước Việt Nam.

Năm 2013 cũng đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam tổ chức tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc- Di sản văn hoá Việt Nam. Tuần lễ có nhiều hoạt động văn hoá như: triển lãm di sản văn hoá diều truyền thống Việt Nam, tái hiện không gian văn hoá chợ nổi Nam bộ và chợ vùng cao phía Bắc,  tổ chức lễ hội đua bò Bảy Núi, lễ hội Căm Mường, lễ hội Ok Om Bok...Tuần lễ đã quy tụ nhiều già làng, trưởng bản, nghệ nhân của 17 dân tộc thuộc 13 tỉnh thành với khoảng 400 người đại diện cho các vùng miền, tạo nên bức tranh toàn cảnh, sống động về văn hoá của đất nước Việt Nam.… Cũng trong năm, ngành văn hoá tổ chức thành công festival di sản Quảng Nam 2013, festival đua ghe go đồng bào Khơmer Nam bộ, lễ hội hoa Đà Lạt… Cùng với đó là hàng loạt hoạt động văn hoá, nghệ thuật kỷ niệm năm chẵn thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước và nhiều hoạt động giao lưu văn hoá quốc tế. Những hoạt động văn hoá nghệ thuật phong phú này đã vẽ lên bức tranh sống động của văn hoá và ghi những ấn tượng sâu sắc, đậm nét về đất nước, con người Việt Nam./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác