(VOV5) - Nguyễn Trãi đã đi vào lịch sử và trở thành Anh hùng vĩ đại của dân tộc, một Danh nhân văn hóa kiệt xuất của thế giới.
Ngày 18/9, tại Đền thờ Nguyễn Trãi, thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, Thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương diễn ra Lễ dâng hương tưởng niệm 582 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (1442 – 2024).
Khuôn viên nơi diễn ra Lễ tưởng niệm 582 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi |
Đọc diễn văn tưởng niệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Hùng nêu rõ, Nguyễn Trãi (sinh năm 1380 tại kinh thành Thăng Long) hiệu là Ức Trai. Thân mẫu ông là bà Trần Thị Thái – con gái của quan Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán. Thân phụ ông là Nguyễn Phi Khanh nguyên quán ở làng Chi Ngại (nay thuộc phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương), sau dời đến làng Ngọc Ổi (nay thuộc xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.
Thủa thiếu thời, Nguyễn Trãi sống với ông ngoại ở Thăng Long và Côn Sơn. Khi ông ngoại qua đời, ông về ở với cha tại Nhị Khê. Được ông ngoại và cha tận tuỵ bảo ban dạy dỗ, Nguyễn Trãi sớm nổi tiếng về tài đức và chí lớn. Năm 1400, ông đỗ Thái học sinh, năm sau ra nhận chức Ngự sử đài chánh trưởng dưới triều Hồ.
Từ năm 1407, giặc Minh đô hộ, bóc lột người dân vô cùng khốc liệt trên đất nước ta. Với tinh thần yêu nước, Nguyễn Trãi ấp ủ và sục sôi ý chí cứu nước, cứu dân. Ông đến Lam Sơn tụ nghĩa, dâng Bình Ngô sách, dốc tâm huyết, một lòng thành giúp lãnh tụ cuộc khởi nghĩa là Lê Lợi, sau này trở thành vua Lê Thái Tổ.
Nguyễn Trãi là nhân tố quan trọng của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh, giải phóng đất nước ở thế kỷ 15. Khi kháng chiến thắng lợi, Nguyễn Trãi đã viết Bình Ngô đại cáo - một bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, áng thiên cổ hùng văn tổng kết tài tình cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
Đoàn Tế lễ Chúc Thôn dâng tế tưởng niệm ngày mất Danh nhân Nguyễn Trãi |
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói về Nguyễn Trãi bằng một sự trân trọng: “Nguyễn Trãi, người Anh hùng dân tộc, văn võ song toàn; văn là chính trị: cứu nước, cứu dân, nội trị, ngoại giao “mở nền thái bình muôn thuở, rửa nỗi hẹn ngàn thu”, võ là quân sự: chiến lược và chiến thuật, “yếu đánh mạnh, ít địch nhiều… thắng hung tàn bằng đại nghĩa”; văn và võ đều là võ khí, mạnh như vũ bão, sắc như gươm dao: “Viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết mọi thời”, “văn chương mưu lược gắn liền với sự nghiệp kinh bang tế thế”. Thật là một con người vĩ đại về nhiều mặt trong lịch sử nước ta.
Nguyễn Trãi đã đi vào lịch sử và trở thành Anh hùng vĩ đại của dân tộc, một Danh nhân văn hóa kiệt xuất của thế giới.
Sau phần nghi lễ, lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương, nhân dân và du khách đã thành kính dâng hương tưởng nhớ Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; dâng hương tại đền thờ Quan đại tư đồ Trần Nguyên Đán, cầu cho quốc thái dân an, dịch bệnh tiêu trừ, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
CLB Văn Hoá Nghệ Thuật – tài năng trẻ Đoàn Thị Điểm vinh dự trao bài thơ “Địa Linh Nhân Kiệt” cho lãnh đạo khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc |
Trong buổi lễ dâng hương, Câu lạc bộ Văn hoá Nghệ thuật – tài năng trẻ Đoàn Thị Điểm vinh dự trao bài thơ “Địa Linh Nhân Kiệt” cho lãnh đạo khu di tích.
Ông Nguyễn Văn Khánh - chủ tịch Câu lạc bộ cho hay, bài thơ được viết vào năm 2022, được dát vàng 24k, bao gồm 4 câu:
“Lục đầu giang - đất danh thần
Địa Linh Nhân Kiệt Thánh trần Đạo vương
Côn Sơn Kiếp Bạc Hải Dương
Ngàn năm Nguyễn Trãi quê hương tự hào”
Bài thơ này chính là tâm nguyện của ông Khánh cùng các cộng sự Câu lạc bộ Văn hóa Nghệ thuật – tài năng trẻ Đoàn Thị Điểm kính dâng lòng thành lên các bậc tiên tổ, các bậc tiền nhân, với ước vọng mong muốn thế hệ trẻ sẽ tiếp bước các bậc tiền nhân, phát huy văn hoá, niềm tự hào dân tộc.