Bhriu Huy Hoàng, nhạc sĩ nặng lòng với dân ca Cơ Tu

(VOV5) - Qua làn sóng của Đài TNVN, những bài dân ca Cơ Tu do ông sưu tầm làn điệu đã nhanh chóng được phổ cập đến đông đảo đồng bào Cơ tu sống dọc dải  Trường Sơn. 

Vũ Huy Hoàng quê ở Hải Dương. Như một sự hữu duyên, gần chục năm nay ông đã tìm đến huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam  ăn, ở cùng đồng bào, học tiếng của đồng bào, ghi chép, sưu tầm và đặt lời cho những làn điệu dân ca Cơ Tu. Và qua làn sóng của Đài TNVN, những bài dân ca Cơ Tu do ông sưu tầm làn điệu đã nhanh chóng được phổ cập đến đông đảo đồng bào Cơ tu sống dọc dải  Trường Sơn. Ông yêu quí và gắn bó với cuộc sống của đồng bào Cơ Tu bởi vậy ngay cả tên ông bây giờ cũng mang họ của người  Cơ Tu: Bhriu Huy Hoàng. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Trong một lần gặp gỡ với ông Bhriu Liếc, khi ấy là Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Tây Giang ra công tác ngoài Hà Nội, câu chuyện của ông Bhriu Liếc về mảnh đất Tây Giang đã khiến Vũ Huy Hoàng đam mê với những làn điệu dân ca Cơ Tu cho đến bây giờ. Với tấm lòng nhiệt thành, giờ đây nhạc sỹ Huy Hoàng có thể nói chuyện bằng tiếng Cơ Tu và sống với đồng bào như một người  Cơ Tu thực sự: Tôi đi đến các làng, đi hết làng nọ làng kia, đến các lễ hội của huyện, của xã, đến nhà dân gặp các cụ già hát lý nhiều, bởi người ta biết nhiều về dân ca để mình hỏi. Đầu tiên không hiểu thì cứ thu âm lại, sau đó mang về hỏi một số cán bộ biết tiếng Cơtu dịch lại cho mình. Bởi giai điệu thì mình giữ nhưng cũng cần hiểu người ta nói gì. Sau khi hiểu mới bắt đầu học cách gieo vần, học tập cách nói thì mới có được những bài hát mà người ta thấy thích. Nhiều bài hát bây giờ của mình người ta nghe giật mình, hỏi sao mình sáng tác như kiểu người dân tự nghĩ ra. Mình chỉ cười bảo đúng rồi, mình cũng là dân nhưng là dân mới.

Bhriu Huy Hoàng, nhạc sĩ nặng lòng với dân ca Cơ  Tu - ảnh 1

Sau một thời gian dài đam mê nghiên cứu, sưu tầm, ghi chép, đặt lời, hiện nay trong kho sưu tập của ông có hơn 200 bài dân ca với rất nhiều làn điệu khác nhau. Lãnh đạo ủy ban nhân dân huyện Tây Giang tạo điều kiện để xuất bản 2 đĩa dân ca Cơtu, đĩa hình và đĩa tiếng với cả ngàn bản. Đến các làng Cơ Tu dọc dải Trường Sơn các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng bắt gặp các bạn trẻ thuộc những bài hát trong đĩa của ông. Nhiều em nhỏ suốt ngày í a những khúc dân ca do Bhriu Huy Hoàng sưu tầm và dạy lại. Điều này làm ông cảm thấy hạnh phúc: Cái khó là người mà hiểu được dân ca Cơtu, những người biết các làn điệu gốc rất hiếm, rất ít. Phải có các cụ già, mà thường các cụ già lại không biết nhiều tiếng Kinh cho nên tiếp xúc rất khó. Mình cứ nhờ các cụ hát rồi mình thu lại. Sau đó về bắt đầu nhờ người dịch ra rồi mới nghiên cứu, tìm tòi được những làn điệu hay. Ở đây mình tìm thấy niềm vui trong công việc. Được sáng tác là một niềm vui, được người dân đón nhận lại càng vui hơn nữa. Mình sẽ cố gắng hết mình để giúp cho bà con dân tộc Cơtu có nhiều bài hát hay.”

Gặp gỡ  bạn bè, Bhriu Huy Hoàng chào đón họ bằng những bài dân ca mộc mạc, chân chất mà thân tình, mang hơi thở của đồng bào Cơtu. Ông chơi nhạc cụ Cơ Tu thành thạo, ông hát những bài dân ca Cơtu bằng chính ngôn ngữ của đồng bào.

Từ khi các bài dân ca được ghi chép lại, chỉnh sửa cho mượt mà, sâu sắc hơn, đồng bào đón nhận rất hồ hởi. Các anh chị cán bộ, các thành viên trong đội cồng chiêng và đội múa tung tung da dá là những người tiếp cận những bài hát của nhạc sĩ đầu tiên. Sau đó về lại thôn làng họ dạy lại cho các thanh niên, các em nhỏ. Chị  Bling Thị Vui, Thôn Tà Vàng vui vẻ nói: “Bác Huy Hoàng thỉnh thoảng vẫn đến đây 1-2 tháng một lần để bày cho chúng em những bài hát dân ca như Cô gái trên nương, Balê yêu dấu... Chúng em thích lắm và cảm thấy rất vui.”

Pơ Loong Trung Kiên, A Rất Cúc, Bhling Thị Ooch và gần đây là Alăng Thị Duyên ở Trung tâm Văn hóa Thông tin Thể thao huyện Tây Giang là những giọng hát Ba booch được đông đảo người yêu thích. Họ là những học trò của Huy Hoàng. Alăng Thị Duyên nói về ông: “Ông đã cố gắng, từ một người không biết nói tiếng Cơ Tu, người không biết văn hoá Cơ Tu cho đến khi ông biết tất cả tiếng Cơ Tu cũng như những truyền thống của người Cơ Tu, những cái hay, cái đẹp của truyền thống Cơ Tu. Ông đã truyền đạt cho thế hệ trẻ bây giờ. Chúng tôi rất trân trọng và cố gắm làm sao để không phụ lòng của ông, những cái cố gắng của ông thì chúng tôi cũng tiếp tục giữ cái nền tảng đó, tiếp tục cho phát triển hơn nữa, để cho bản sắc văn hoá ngày một hay hơn và được nhiều dân tốc anh em khác biết đến”.

Nhạc sĩ Huy Hoàng có lần tâm sự: Càng yêu, càng gắn bó với dân ca Cơ Tu, mình càng khám phá ra nhiều điều hấp dẫn và mối tình của mình với “dân ca Cơ Tu” chắc khó mà dứt bỏ được./.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác