(VOV5) -Chùa Nôm từ lâu đã trở thành nhân chứng lịch sử, gắn bó với người dân nơi đây cả trong thời chiến cũng như thời bình.
Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng chừng 30km có một ngôi chùa vẫn giữ được gần như nguyên vẹn vẻ cổ kính của chùa cổ ở đồng bằng Bắc Bộ. Ngôi chùa ấy mang tên chùa Nôm, nằm ở làng Nôm thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên.
Tam quan chùa Nôm nằm dưới những bóng cây cổ thụ tạo nên vẻ trầm mặc, thanh bình. Ảnh dulich HungYen |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Chùa Nôm có tên tự là “Linh thông cổ tự”. Theo truyền thuyết, xưa kia chùa Nôm nằm giữa một rừng thông cổ thụ, trên có một cái am nhỏ. Trải qua thời gian, chùa Nôm được trùng tu xây dựng vào thế kỷ thứ XVII.
Ngôi chùa cổ nằm ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ lớn. Theo những người dân nơi đây, kiến trúc chùa được thiết kế theo kiểu chữ Đinh, có nghĩa là bề thế kiên định. Bước qua tam quan chùa là lầu chuông và lầu trống nằm đối xứng hai bên. Ở lầu chuông, ngày ngày tiếng chuông được thỉnh lên âm vang trong trẻo vang vọng vào không gian yên bình của khu chùa cổ.
Ngôi chùa cổ nằm ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ lớn. |
Điểm đặc biệt hấp dẫn du khách của chùa Nôm chính là khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng, rộng rãi với nhiều công trình kiến trúc đặc sắc. Lầu Quan Âm của ngôi chùa nằm ở giữa hồ nước này như một đài sen nguy nga, lộng lẫy. Dẫn vào lầu Quan Âm là một cây cầu đá hình cánh cung mô phỏng cây cầu Nôm cổ, phía trước cầu là hai tháp Cửu phẩm liên hoa bằng đồng tạo thành một cụm kiến trúc.
Hiện nay, chùa Nôm còn lưu giữ nhiều cổ vật đặc biệt mà nhiều ngôi chùa khác không có như các pho tượng đất được tạc ở nhiều trạng thái, tư thế và chủ đề khác nhau, quả chuông cổ, các bức hoành phi câu đối…Điều đáng ngạc nhiên là trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, các cổ vật này vẫn giữ được vẻ nguyên vẹn và là niềm tự hào của nhiều thế hệ người dân nơi đây.
Hiện nay, chùa Nôm còn lưu giữ được hơn 100 pho tượng Phật bằng đất tuyệt đẹp có tuổi hàng trăm năm. |
Ông Trần Đình Văn, một người dân chia sẻ: "Ở chùa Nôm, nét nổi bật nhất là tên chùa. Trên đất nước có rất nhiều ngôi chùa trùng tên nhau, nhưng tên chùa Nôm chỉ có một. Đặc điểm nổi bật nữa là nó gắn liền với dòng lịch sử và trong ngôi chùa còn nguyên vẹn nét cổ kính. Và trong chùa có một điều đặc biệt khác là 128 pho tượng đều bằng đất và giữ nguyên vẹn từ thế kỷ 15 đến nay. Những hoành phi câu đối còn nguyên đến nay chưa trùng tu gì cả. Ngày xưa các cụ làm bằng chất liệu rất tốt. Nhà tam bảo hầu như còn giữ nguyên vẹn 100%."
Đến với chùa Nôm, du khách còn được chiêm ngưỡng khu vườn mộ tháp bằng đá ong nằm bên cạnh ngôi chùa cổ. Đó là những tháp đá tuyệt đẹp và nguyên vẹn. Trải qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử, những tòa tháp đá vẫn đứng vững như thách thức với thời gian. Chùa Nôm từ lâu đã trở thành nhân chứng lịch sử, gắn bó với người dân nơi đây cả trong thời chiến cũng như thời bình. Sự linh thiêng của chùa luôn thấm đẫm vào từng viên ngói, từng thớ gỗ, từng pho tượng… Cùng với sự phát triển và hội nhập của nền văn hóa đương đại, chùa Nôm cũng như rất nhiều các ngôi chùa khác ở làng quê Việt Nam sẽ được bảo tồn và phát huy các giá trị dân tộc. Đại đức Thích Hồng Huệ, trụ trì chùa cho biết: "Tiêu chí của nhân dân cũng như nhà chùa là thường xuyên phải bảo tồn nét văn hóa cổ, sau đó là trùng tu tôn tạo. Bất kỳ một công trình nào cũng vậy, bảo tồn nhưng phải phát triển. Trong sự phát triển, chùa Nôm được trùng tu nhiều đợt, nhiều thời kỳ. Đến nay chùa được sự quan tâm của chính quyền các cấp và phật tử thập phương thì chùa đã được trùng tu một lần nữa. Trong quá trình trùng tu, phát triển thì trước tiên phải bảo tồn những giá trị vốn có của chùa, bảo tồn giá trị văn hóa cổ kính. Phát triển các công trình phụ trợ thì cũng nhằm mục đích để nâng cao và tôn tạo thêm vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa mà thôi."
Trải qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử, những tòa tháp đá vẫn đứng vững như thách thức với thời gian. |
Về với chùa Nôm, chắc chắn du khách sẽ khám phá ra được nhiều điều thú vị về một ngôi chùa cổ của Việt Nam. Bên cạnh đó, nằm trong quần thể di tích làng Nôm, ngoài chùa Nôm còn có cổng làng Nôm, cầu Nôm, chợ Nôm, đình Tam Giang… Đây sẽ là điểm đến mà nhiều du khách muốn đến thăm quan hơn nữa.
Hàng năm nhất là dịp Tết, chùa Nôm được đông đảo du khách thập phương đến thắp hương để cầu lộc cầu tài. Việc người dân đến thắp hương, vãn cảnh chùa cũng chính là những nét văn hóa có từ lâu đời. Với những giá trị cổ truyền quý báu đó, chùa Nôm sẽ là nơi giao thoa văn hóa tâm linh, góp phần thúc đẩy đời sống tinh thần của người dân, đồng thời tạo đà cho nền văn hóa Việt Nam phát triển.