Cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn - Phát huy phẩm chất chiến sĩ Trường Sơn năm xưa

(VOV5) - Cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn luôn tâm niệm chừng nào còn sức khỏe, còn đi được, còn khả năng kinh tế thì ông vẫn tiếp tục tri ân công lao, sự hy sinh của những người đã nằm lại.

Trải qua mưa bom bão đạn, vào sinh ra tử tại chiến trưởng Quảng Trị năm 1972, cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn, ở xã Phú Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, trân trọng từng phút giây của cuộc sống hòa bình ngày nay. Mặc dù là thương binh hạng 2/4 (thương tật 62%), ở vào tuổi 70, nhưng cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn vẫn hăng say lao động, phát triển kinh tế gia đình. Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ Trường Sơn năm xưa đã dành phần lớn số tiền kiếm được để hỗ trợ cho những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, tri ân những đồng đội đã ngã xuống.

Nghe âm thanh tại đây:

 

Mùa hè năm 1972, thanh niên Phạm Ngọc Sơn, 18 tuổi, ở xã Phú Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, khoác ba lô lên đường nhập ngũ, trở thành chiến sĩ lái xe Trường Sơn. Trong một lần cùng đoàn xe của đơn vị vận chuyển hàng hóa và chiến trường, khi đang vượt dốc trong đêm, bị máy bay địch phát hiện đánh phá, xe của người lính trẻ Phạm Ngọc Sơn chạy đầu đoàn bị trúng bom bốc cháy. Lửa bao trùm cabin, nhưng ý chí của người lính không hề nao núng. Cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn nhớ lại:Tôi dẫn đầu đoàn 42 chiếc xe tiếp tế, chuẩn bị cho chiến dịch đánh thành cổ Quảng Trị. Khi xe bị cháy, tôi nghĩ rằng nếu tôi hy sinh, xe vẫn trên mặt đường thì đoàn xe phía sau cũng sẽ bị tiêu diệt. Khi đó người đã bị cháy, tôi xác định 1 mình sẽ hy sinh để cứu các đồng đội và xe hàng. Do đó, tôi bình tĩnh cho xe vượt dốc rồi để xe lao xuống vực. Đến taluy, tôi nhảy ra, còn xe lao xuống vực, máy bay địch tập trung hỏa lực theo xe cháy của tôi, tôi đã đánh lạc hướng được và giúp 41 xe và đồng đội còn lại được an toàn. Tôi nằm điều trị khoảng hơn 20 ngày, vết thương lành, tôi lại xin đơn vị tiếp tục phục vụ chiến đấu.

Cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn - Phát huy phẩm chất  chiến sĩ Trường Sơn năm xưa - ảnh 1Cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn (bên phải) tại xưởng sửa chữa ô tô của gia đình. Ảnh: TTXVN

Sau lần bị thương, bỏng nặng khắp người, đồng đội gọi người lái xe này là “Sơn cháy”, như một cảm phục dũng sĩ lái xe Trường Sơn. Đây cũng là kỷ niệm khó quên, luôn nhắc nhớ cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn hướng về những người lính năm xưa với những hoạt động nghĩa tình đồng đội.

Dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt đầy sẹo vẫn in dấu tích chiến tranh. Sau nhiều năm dời quân ngũ, tác phong nhanh nhẹn, sự quyết đoán vẫn toát lên ý chí kiên định của người lính Trường Sơn năm xưa. Dù đã nghỉ hưu, nhưng ông Phạm Ngọc Sơn vẫn không nghỉ việc mà duy trì hoạt động làm kinh tế. Năm 1996, ông Phạm Ngọc Sơn mở Xí nghiệp vận tải 27/7 Đông Hưng để hỗ trợ các thương binh có hoàn cảnh khó khăn có phương tiện tham gia sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình. Nhiều năm qua, ông Sơn luôn dành 1 phần thu nhập đáng kể để tri ân đồng đội và hỗ trợ những cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn. Bà Ngô Thị Lợi, xã Phú Châu, là 1 trong số 3 gia đình cựu chiến sỹ Trường Sơn được cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, cho biết:  Nhà cũ của tôi xây cách đây hơn 30 năm, nhà ngói xuống cấp, dột nát. Được sự giúp đỡ của bác Sơn, vận động các cựu chiến binh khác giúp đỡ để tôi có được căn nhà mới.

Ngoài ra, dịp Tết cổ truyền hằng năm, cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn còn chuẩn bị hàng trăm suất quà để tặng các gia đình chính sách, hộ nghèo và đồng đội cũ. Cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn luôn nhắc nhở mình phải luôn phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, sống xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội.Tham gia chiến đấu, trực tiếp thấy đồng đội mình hy sinh, bị thương thì mới thấy được các chiến sĩ đã phải đổ biết bao xương máu như thế nào. Bản thân tôi cũng bị thương, nhưng vẫn còn may mắn hơn đồng đội khi được trở về, được sống như ngày nay cũng là nhờ ơn của các đồng đội. Khi giúp được đồng đội, đến thăm thấy đồng đội vui vẻ, khỏe mạnh thì tôi cảm thấy vui lắm. Còn sức khỏe thì còn tiếp tục phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: thương binh tàn nhưng không phế.

Cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn - Phát huy phẩm chất  chiến sĩ Trường Sơn năm xưa - ảnh 2Bà Ngô Thị Lợi, xã Phú Châu, là 1 trong số 3 gia đình cựu chiến sỹ Trường Sơn được cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn hỗ trợ xây nhà tình nghĩa. Ảnh: TTXVN

Tri ân cuộc đời bằng trái tim nồng hậu và giàu lòng nhân ái, ông Sơn đã và đang khẳng định tinh thần tương thân tương ái bằng những hoạt động hỗ trợ ý nghĩa. Ông Phạm Thanh Hà, Bí thư Đảng ủy xã Phú Châu, và ông Phạm Văn Phi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú Châu, cho biết cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn là tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh tại địa phương.  Cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn mặc dù mang thương tật nhưng luôn tham gia tích cực các hoạt động xã hội, tình nghĩa. Ông là người có tinh thần tự vươn lên trong cuộc sống, có khả năng đảm bảo kinh tế, đời sống gia đình, chính vì vậy ông có điều kiện để giúp đỡ đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Ông không những giúp đỡ đồng đội mà còn cả những người dân của địa phương. Nhiều năm qua, ông Phạm Ngọc Sơn luôn là hội viên tích cực trong mọi hoạt động, công tác của Hội, đặc biệt là hoạt động tình nghĩa. Ông Sơn luôn nhiệt tình và có trách nhiệm với đồng đội, thường xuyên thăm hỏi, động viên hội viên ốm đau, có hoàn cảnh khó khăn.

Cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn luôn tâm niệm chừng nào còn sức khỏe, còn đi được, còn khả năng kinh tế thì ông vẫn tiếp tục tri ân công lao, sự hy sinh của những người đã nằm lại chiến trường và xoa dịu nỗi đau của những người ở lại. Với những đóng góp cho đồng đội và xã hội, ông Phạm Ngọc Sơn đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và của các cấp chính quyền địa phương trao tặng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác