Du lịch canh nông ở Lâm Đồng

(VOV5) -Không chỉ khách du lịch, các mô hình du lịch canh nông ở Đà Lạt còn là điểm đến hấp dẫn với cả người dân địa phương. 

Du lịch canh nông là sản phẩm du lịch mới của Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Sau 5 năm triển khai thí điểm đã gây ấn tượng tốt và thu hút khách tham quan, trải nghiệm, góp phần tăng trưởng đáng kể cho ngành du lịch của địa phương. UBND tỉnh Lâm Đồng đang ban hành bộ quy chế mới cùng các chính sách phù hợp nhằm đưa sản phẩm du lịch tiềm năng này phát triển lên tầm vóc lớn hơn trong tương lai.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
 Đến tham quan và tự tay mình chọn hái những quả dâu tây chín đỏ tại một điểm du lịch canh nông ở phường 8, thành phố Đà Lạt, chị Nguyễn Thị Nhung, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đây là sự trải nghiệm mới đầy thú vị. Ngoài được trải nghiệm công việc của một nhà nông, chị và nhóm bạn còn chụp ảnh, lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong chuyến du lịch này.

"Mình cảm thấy rất thích thú khi đến tham quan điểm du lịch vườn như thế này. Bởi khi đến nơi đây mình đã được tận mắt chứng kiến cây trồng nó được sinh trưởng và phát triển trong môi trường như thế nào. Qua đó, mình mới biết rõ được công nghệ trồng theo hướng sạch là gì, mang lại sản phẩm đạt chất lượng an toàn cho người tiêu dùng ra sao."

 Du lịch canh nông ở Lâm Đồng - ảnh 1Du lịch canh nông Đà Lạt – Lâm Đồng thu hút nhiều khách đến tham quan và trải nghiệm

Theo anh Ngô Văn Lai, ở phường 1, thành phố Đà Lạt, khi những điểm du lịch truyền thống như thác Prenn, thác Datanla, hồ Than thở, Thung lũng tình yêu, Đồi mộng mơ, Vườn hoa thành phố… đã quá quen thuộc với mọi người, thì việc Đà Lạt phát triển thêm loại hình du lịch canh nông là hướng đi tất yếu, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm cho du khách thập phương: "Rất ngạc nhiên về mô hình trồng rau thủy canh này. Nó rất là mới kể cả đối với người Đà Lạt chứ không riêng chỉ với du khách ở các tỉnh thành hay khách quốc tế đến đây. Đây là một trong những điểm tham quan rất thú vị, rất là lạ với những sản phẩm mà từ nhỏ đến lớn giờ tôi mới thấy. Nhiều giống xà lách được trồng rất sạch và mình cảm giác rất an toàn khi sử dụng những sản phẩm này"

Là một trong các đơn vị được tỉnh cấp giấy chứng nhận mô hình điểm du lịch canh nông, Vườn bí ngô khổng lồ của ông Lê Hữu Phan, phường 9, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) trở thành điểm đến hấp dẫn. Ngay cả khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều khu du lịch, điểm tham quan phải hoạt động cầm chừng, thì ở đây vẫn luôn đông du khách. Theo ông Lê Hữu Phan, cái hấp dẫn ở các mô hình du lịch canh nông là khách được tự do, gần gũi với tự nhiên: "Khách tham quan được thỏa mái và tự do, được trải nghiệm tự nhiên thì họ thích hơn. Bên cạnh đó, mình có nơi giới thiệu những sản phẩm của Lâm Đồng, của Đà Lạt, những sản phẩm đặc trưng, các sản phẩm mình đang trồng tại vườn. Điều đó khiến cho mọi du khách đều thích thú, ấn tượng tốt."

 Du lịch canh nông ở Lâm Đồng - ảnh 2Lâm Đồng đang nỗ lực xây dựng và phát triển du lịch canh nông đạt tầm quốc gia và quốc tế.

Từ năm 2018 đến nay, du lịch canh nông ở tỉnh đã thu hút trên 6 triệu lượt du khách, mang lại tổng doanh thu gần 250 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động tại địa phương.

Sau hơn 2 năm định hướng và phát triển, từ 2018 đến nay, Đà Lạt – Lâm Đồng đã có hơn 30 điểm du lịch canh nông đạt tiêu chuẩn đưa vào phục vụ du khách. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, địa phương rất chú trọng và tạo điều kiện để đưa loại hình du lịch canh nông vào khai thác, góp phần thúc đẩy ngành du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Lạt – Lâm Đồng phát triển mạnh mẽ hơn."Sau khi thương hiệu du lịch canh nông ra đời thì bước đầu các đơn vị được công nhận đều có những lượt khách nhất định, thậm chí nhiều đơn vị bán vé đến còn doanh thu cao hơn là bán sản phẩm. Như các vườn hoa cẩm tú cầu chẳng hạn, khi hoa không bán được thì đón khách vào tham quan thì giá trị kinh tế mang lại rất cao. Chúng tôi đang tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến và đồng hành cùng với các đơn vị, tổ chức, cá nhân nâng cao chất lượng dịch vụ của các mô hình du lịch canh nông đã được công nhận."

Theo ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, mặc dù đang đối mặt với nhiều bất cập trong xây dựng và phát triển nhưng mô hình du lịch canh nông đã khẳng được hướng đi phù hợp và mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội, giúp nâng cao giá trị tổng hợp của cả ngành nông nghiệp và du lịch.

Nhiều mô hình ở tỉnh cho thấy, giá trị của 1 ha canh nông kết hợp với du lịch, đã cho thu nhập đến 5 tỷ đồng/ha/năm, gấp 2,5 lần so nông nghiệp thuần túy. Theo ông Phạm S, tỉnh đang tạm dừng cấp phép du lịch canh nông là để nghiên cứu, ban hành quy chế mới, mục tiêu đặt ra là đưa du lịch canh nông của địa phương “đạt tới đẳng cấp quốc gia và quốc tế”.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác