Du xuân chùa cổ Thành Đông ở Hải Dương

(VOV5) - Chùa Động Ngọ từng là trung tâm Phật giáo lớn của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. 

Xuân về, người Việt thường đi lễ chùa cầu phúc, cầu may với mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến trong năm mới. Đầu xuân mới, mời quý vị và các bạn du xuân chùa Động Ngọ ở thành phố Hải Dương, một trong những ngôi chùa cổ nhất vùng đất Thành Đông.

     Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

 108 tiếng chuông trên cổng Tam quan, chùa Động Ngọ vang lên cũng là thời khắc linh thiêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Các Đại đức tiến hành nghi lễ truyền thống cầu quốc thái dân an, cầu một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. 
Du xuân chùa cổ Thành Đông ở Hải Dương - ảnh 1Chùa Động Ngọ tọa lạc tại thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiến, thành phố Hải Dương (trước thuộc huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương).

Chùa Động Ngọ tọa lạc tại thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiến, thành phố Hải Dương. Quốc sư Khuông Việt xây dựng chùa vào năm 971 theo lệnh của Vua Đinh Tiên Hoàng. Chùa thường được người địa phương gọi là chùa Cập Nhất theo tên của thôn nơi chùa tọa lạc, tên Nôm là chùa Phẩm. Ngôi chùa đã nhiều lần được trùng tu qua các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn và hiện nay đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Du xuân chùa cổ Thành Đông ở Hải Dương - ảnh 2òa Cửu phẩm Liên Hoa được dựng từ thời Lê do nhà sư Trân Nguyên người bản xứ thực hiện trong 4 năm- từ năm 1688 đến năm 1692.

Cửu Phẩm Liên Hoa hơn 320 năm tuổi là tác phẩm nghệ thuật giá trị và lâu đời nhất tại chùa Động Ngọ. Công trình này không chỉ là cối kinh Phật cứu nhân độ thế mà còn là tác phẩm nghệ thuật kiến trúc dân gian đạt đến trình độ hoàn hảo. Tại Việt Nam hiện chỉ tồn tại đúng ba tòa tháp Cửu phẩm liên hoa cổ bằng gỗ, hai tháp còn lại đặt tại chùa Giám (tỉnh Hải Dương) và chùa Bút Tháp (tỉnh Bắc Ninh).

Đại đức Thích Bảo Sơn, chùa Động Ngọ, cho biết: "Đặc biệt nhất của Động Ngọ là còn lưu giữ Tòa cửu phẩm liên hoa là sản phẩm tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam, được công nhận là bảo vật Quốc gia. Tòa cửu phẩm liên hoa cao hơn 5m, có 6 mặt đều nhau. Mỗi mặt có 3 pho tượng với tổng cộng 163 pho tượng. Tại chùa còn có 1 cây đại được trồng từ thế kỷ XIII và cây thị đã 300 năm tuổi."

Ngoài chứa đựng những hiện vật có giá trị tâm linh, chùa Động Ngọ còn được biết đến là một “bảo tàng” gồm những hiện vật bằng đá. Ngay khi bước qua cổng chùa, du khách bắt gặp một hồ sen nhỏ trang trí bằng những chiếc cối đá và tai cối, tạo cho hồ nước có một đường viền mềm mại và độc đáo. Chùa có hơn 600 cối đá đủ kích cỡ lớn nhỏ, tạo nên bộ sưu tầm đồ sộ về cối đá ở Việt Nam. Đặc biệt là tấm bản đồ Việt Nam dài 30m, rộng 10m được xếp bằng khoảng 300 cối đá trong khuôn viên chùa.

Nhà nghiên cứu lịch sử Tăng Bá Hoành, người có 30 năm dày công nghiên cứu lịch sử, văn hóa xứ Đông, cho biết: "Cùng với những cổ vật, chùa Động Ngọ còn có nhiều đồ gốm trong đó có bát hương làm vào năm 619. Vừa là bảo vật của chùa vừa xác định nghề làm gốm của Làng Cậy; 48 pho tượng phật và nhiều cổ vật có giá trị. Chùa Động Ngọ là ngôi chùa có niên đại tuyệt đối vào loại sớm, bảo lưu nhiều cổ vật và được xếp hạng di tích Quốc gia từ rất sớm. Ngay từ mùng 1 tháng Giêng, người làng đã tổ chức đi đánh chuông chùa để lấy may."

Du xuân chùa cổ Thành Đông ở Hải Dương - ảnh 3Cây đại sống hơn 7 thế kỷ là tài sản vô giá, tô đậm vẻ rêu phong, cổ kính của ngôi chùa cổ nhất Thành Đông xưa.

Khung cảnh chùa Động Ngọ thanh bình, đậm chất văn hóa làng quê đồng bằng Bắc Bộ... Các đại đức chùa Động Ngọ đã khéo léo trồng thêm vườn hoa, tiểu cảnh, tạo ra những nét đẹp thiên nhiên nhân tạo gắn với không gian kiến trúc Phật giáo, mang lại cảm giác thanh tịnh, bình yên cho người đi lễ chùa. "Ngay sau giao thừa thì gia đình tôi cũng hay đến chùa Động Ngọ để thắp hương, cầu bình an. Nơi đây di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia cũng là cách để gia đình tôi nói với nhau về truyền thống văn hóa của làng của quê hương mình. "Đầu năm mới nào gia đình tôi cũng đi chùa cầu may. Đây là lần đầu tiên tôi đến chùa Động Ngọ thấy khung cảnh rất thanh bình, cây cối trổ bông sai quả, có lộc. Mong là năm mới mọi việc bình an, dịch bệnh được đẩy lùi. Cuộc sống trở lại bình thường."

Chùa Động Ngọ từng là trung tâm Phật giáo lớn của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Đến vãn cảnh chùa Động Ngọ đầu Xuân, khách hành hương được chiêm ngưỡng vẻ đẹp ngôi chùa cổ kính, trải nghiệm không gian tĩnh mịch để tĩnh tâm di dưỡng tinh thần bắt tay thực hiện công việc của mỗi người.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác