(VOV5) -Già Avẻ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian- Nghệ nhân ưu tú và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen.
Giẻ Triêng là dân tộc ít người ở vùng phía bắc Tây Nguyên, có bản sắc văn hóa khá đa dạng và còn bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa giá trị, trong đó nổi bật về âm nhạc dân gian. Người có công khôi phục lại âm nhạc truyền thống của người Giẻ Triêng là nghệ nhân ưu tú Avẻ. Già Avẻ luôn được bà con làng Đăck Răng, xã Đãck Dục yêu mến, nghe theo và ông thường được gọi là "Người giữ hồn văn hóa dân tộc"
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong không gian nhỏ ở triển lãm “Báu vật Đại ngàn” đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hà Nội, Già Avẻ, người dân tộc Giẻ Triêng say sưa thổi sáo, một mình biểu diễn các nhạc cụ truyền thống. Giữa sự ồn ào, tấp nập phố xá, bất chợt được nghe tiếng sáo rừng nhẹ nhàng bay bổng và vui tươi dễ làm lắng dịu tâm hồn của bất cứ ai ghé qua.
Già làng, nghệ nhân Avẻ, dân tộc Giẻ Triêng tại triển lãm Báu vật đại ngàn- Ảnh Hà Linh |
Chị Vilin, du khách Mexico tỏ ra thích thú nói: “Chúng tôi thấy vui khi được gặp những người như ông ấy ở đây. Ông ấy cười suốt làm chúng tôi vui lắm. Mà ông ấy rất giỏi khichơi được rất nhiều nhạc cụ nữa. Ông ấy thích thú với những gì mình đang làm. Tôi ngạc nhiên hơn khi biết ông ấy còn tự làm ra những nhạc cụ này.”
Già làng Avẻ có dáng người nhỏ nhắn, đôi mắt sáng, làn da nâu khỏe khoắn mang vẻ đẹp đặc trưng của người dân núi rừng Tây Nguyên đầy nắng gió và hương vị cafe. Nụ cười đôn hậu của Già Avẻ khiến ai cũng cảm thấy ấm áp, trìu mến. Nghệ nhân 75 tuổi này nói rất vui khi được ra thăm thủ đô và tự hào hơn khi được “khoe” những nét văn hóa đặc trưng của người Giẻ Triêng ở Kontum.
Trong số các dân tộc ở Tây Nguyên, người Giẻ Triêng có một đời sống âm nhạc vô cùng phong phú, với rất nhiều các loại nhạc cụ khác nhau. Hát múa cồng chiêng và nghệ thuật diễn xướng dân gian đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây. Bao năm nặng lòng với âm nhạc truyền thống dân tộc mình, Già Avẻ đã tự mày mò, tìm hiểu và cần mẫn chế tác được 12 nhạc cụ, với vật liệu chủ yếu từ cây tre, cây nứa.
Nụ cười đôn hậu của Già A-vẻ - Ảnh Hà Linh |
“Hồi xưa có ai dạy mình làm đâu. Hàng ngày nhìn mẹ cầm cây sáo thổi cho con cho vui. Một lần mẹ đi vắng, mình cũng bắt chước thử thấy thích luôn. Rồi cái mình suy nghĩ tự làm bắt chước. Bỏ bẵng 20 năm do đi chiến đấu rồi lấy vợ nuôi con. Năm 2003, Đảng Chính phủ khuyến khích khôi phuc văn hóa truyền thống, mình mới bắt đầu lại việc chế tác.“Làm sao âm thanh lại đạt chuẩn như thế a? Là do kinh nghiêm, đầu óc phải suy nghĩ thôi. Cứ làm rồi thổi thử, đánh thử rồilàm lại đến khi nghe chuẩn là được. Nếu không có đôi tay khéo léo và năng khiếu thì không làm được”. Già A-vẻ nói.
Nhanh nhẹn như con chim rừng, nụ cười đôn hậu thường trực, nghệ nhân Avẻhào hứng giới thiệunhững nhạc cụ do mình chế tác: “Đây là Talin, Talun, Đinhtút này, Ongengọt này, đàn m'bin, đơlđô, Khèn chế tác lâu và khó lắm, phải tháng mới xong. Cái này là mình mới làm tên là Gor được chơi khi phụ nữ, trai gái cùng đan lát, dệt thổ cẩm, thổi cho vui, vừa chơi, vừa tình yêu với nhau”.
Để “tiếp lửa” cho thế hệ trẻ tình yêu với âm nhạc truyền thống, Già Avẻ cùng với một số nghệ nhân lớn tuổi liên tục mở lớp để truyền dạy kỹ thuật chơi nhạc, thổi khèn, sáo, đánh cồng chiêng và đặc biệt là cách chế tác nhạc cụ cho các thanh niên trong làng.
Già Avẻ và cô Thu Hồng- người rất thích tìm hiểu về văn hóa Tây Nguyên- Ảnh Hà Linh |
Chị Thanh Ngọc, cán bộ Thư viện- Bảo tàng tỉnh Kontum cho biết, hầu hết người dân ở đây đều chơi được ít nhất một nhạc cụ hoặc biết hát múa. Đội nghệ nhân của làng ĐắckRăng, thường được tham gia biểu diễn ở nhiều chương trình lớn của huyện, tỉnh và Trung ương: “Nghệ nhân ưu tú Avẻ là người đã gìn giữ được những nét văn hóa cho người Giẻ Triêng, đặc biệt là cách chế tác nhạc cụ. Ông là người người duy nhất biết làm được 12 loại nhạc cụ và đã truyền nghề cho nhiều thanh niên trong làng và người con trai thứ 6 đã theo nghề ông.”
Ở tuổi “xưa nay hiếm” đáng ra được nghỉ ngơi nhưng Già làng Avẻ vẫn miệt mài cùng đoàn nghệ nhân làng ĐắckRăng biểu diễn khắp nơi. Có lẽ với ông, âm nhạc đã trở thành hơi thở, đã ngấm vào máu thịt rồi... Và, điều Già Avẻ mong muốn nhất chính là ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa cho người Giẻ Triêng.
Lễ hội cồng chiêng của người dân tộc Giẻ Triêng- Ảnh tư liệu |
Làng ĐắkRăng của Già Avẻ là một trong những Làng đạt danh hiệu “Làng văn hóa” đầu tiên ở tỉnh Kontum. Với những cống hiến trong công tác truyền dạy văn hóa nói riêng và bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc nói chung, Già Avẻ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian - Nghệ nhân ưu tú và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen.