Huỳnh Thanh Hùng – Trở thành tỷ phú từ nuôi chồn ở Cà Mau

(VOV5) - Hiện, trang trại chăn nuôi của ông mỗi năm cho lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng (hơn 60.000 USD)/năm.

Đam mê với nông nghiệp, ông Huỳnh Thanh Hùng, 44 tuổi, ở xã Tân Thành, Thành phố Cà Mau, đã gắn bó với nghề nông từ nhỏ. Sau khi biết và tìm hiểu về mô hình nuôi chồn, ông đã mạnh dạn đầu tư. Hiện, trang trại chăn nuôi của ông mỗi năm cho lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng (hơn 60.000 USD)/năm.

Huỳnh Thanh Hùng – Trở thành tỷ phú từ nuôi chồn ở Cà Mau - ảnh 1Ông Huỳnh Thanh Hùng bắt đầu nuôi chồn từ 8 năm trước. Ảnh: VOV

Xuất thân trong gia đình thuần nông, ngày ngày gắn bó với ruộng đồng nhưng ông lại có niềm đam mê đặc biệt với nghề chăn nuôi. Sau khi lập gia đình, ông gom hết tiền dành dụm đầu tư nuôi cá chình, cá bống tượng và heo rừng… Tuy nhiên, do giá cả trồi sụt, đầu ra bấp bênh, thu nhập không ổn định và tốn nhiều công sức chăm sóc nên ông quyết định chuyển đổi vật nuôi. Năm 2016, sau khi tìm hiểu, nhận thấy chồn hương dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc và nhu cầu thị trường cao nên ông mua 10 cặp về nuôi thử nghiệm.

Tuy nhiên, do chưa vững kỹ thuật chăm sóc, lứa chồn đầu tiên của ông đã thất bại. Không nản lòng, ông Hùng bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn để tái đầu tư và những năm sau đó ông đã liên tục thành công. Ông Huỳnh Thanh Hùng chia sẻ: Nuôi con chồn cũng dễ thôi... Thứ nhất, mình nuôi khi bán thương phẩm rất dễ; còn khó cái việc cho chồn giao phối. Con chồn giao phối rất đặc biệt, làm sao biết thời điểm chúng giao phối xong thì phải tách riêng ra. Mình phải nắm được thời điểm chúng giao phối, từ đó chúng sẽ giúp tăng đàn, đem lại doanh thu, lợi nhuận cao hơn.

Huỳnh Thanh Hùng – Trở thành tỷ phú từ nuôi chồn ở Cà Mau - ảnh 2Gia đình ông Hùng duy trì khoảng 100 con chồn nái và xuất bán hàng trăm con chồn giống mỗi năm. Ảnh: VOV

Trại chồn của gia đình ông Huỳnh Thanh Hùng đang có khoảng 100 con chồn sinh sản và hàng trăm chồn con giống, chồn thịt đang chuẩn bị xuất bán. Mỗi năm ông cung ứng ra thị trường hàng trăm con chồn giống. Hiện giá chồn giống giao động 7–12 triệu đồng (300-600 USD)/con cái; giống con đực bằng 30% con cái. Giá chồn thương phẩm cũng ổn định ở mức từ 1,2 – 1,5 triệu đồng/kg. Do nhu cầu chồn giống trên thị trường hiện khá cao, nên trang trại chồn của gia đình ông Hùng luôn hết con giống.

Theo ông Hùng, nuôi chồn thuận lợi ở chỗ không tốn nhiều diện tích; thức ăn của chúng là chuối và cá, đều phổ biến ở địa phương. Việc chăm sóc chúng không tốn nhiều công sức. Chồn cái nuôi 8 - 10 tháng là có thể cho sinh sản. Chồn thịt nuôi khoảng 5 tháng đạt 2,5kg đủ trọng lượng bán, nuôi khoảng 7 tháng thì đạt trọng lượng từ 3,5 – 4kg, giúp tối ưu lợi nhuận:Nếu xảy ra bệnh thì mình phải liên hệ thú y. Chồn có 2 loại bệnh: thứ nhất là bệnh tiêu chảy, thứ 2 là phồng chân như tổ ong. Thực sự khi điều trị thì 50/50, có khả năng nguyên trại mất hết không còn con nào. Nếu may mắn là giữ lại được vài chục phần trăm.

Tại địa phương, nhiều hộ dân thấy gia đình ông Hùng nuôi chồn thành công cũng đến học hỏi kinh nghiệm và mua giống về nuôi. Chính quyền địa phương đánh giá cao hiệu quả từ mô hình nuôi chồn nên khi thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững cũng kết hợp với trại chồn của ông cung ứng giống cho người dân, đổi lại ông Hùng có trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi. Ông Hồ Quốc Trạng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành, cho biết: Chỗ anh Hùng cũng mạnh dạn liên kết với các đơn vị trên địa bàn Thành phố Cà Mau, như: Phường Tân Thành để hỗ trợ mô hình, phát triển sinh kế trong hộ nghèo. Từ đó, chia sẻ kỹ thuật, cũng như kinh nghiệm sản xuất của bản thân anh Hùng cho một số hộ trên địa bàn, cũng như một số đơn vị của TP Cà Mau. Qua đó, tạo điều kiện các hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Hiện, ông Hùng đã đăng ký độc quyền thương hiệu chồn hương Tân Thành Cà Mau. Do nhu cầu thị trường rất lớn nên thương lái đặt mua chồn giống trước 10 tháng mà trang trại của ông Hùng vẫn không đủ số lượng cung ứng. Từ việc dám nghĩ dám làm, dám đứng lên từ thất bại mà nhiều năm qua mô hình nuôi chồn luôn giúp gia đình ông Hùng có lợi nhuận giúp ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu bền vững tại địa phương. Thành công không giữ cho riêng mình, ông Hùng còn lập kênh YouTube để chia sẻ kinh nghiệm nuôi chồn.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác