Mường Phăng - địa danh lịch sử nổi tiếng ở tỉnh Điện Biên

(VOV5) - Mường Phăng là một địa danh lịch sử nổi tiếng ở tỉnh Điện Biên. Tại mảnh đất này, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo xây dựng cơ quan đầu não của quân đội - Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, để làm nên một chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.”
Mường Phăng - địa danh lịch sử nổi tiếng ở tỉnh Điện Biên - ảnh 1 Khu di tích Mường Phăng (Ảnh: internet)

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Cách thành phố Điện Biên chừng 40 km, khu di tích Mường Phăng nằm trong một khu rừng nguyên sinh cổ thụ. Trong những ngày này, dù lượng du khách đến đây rất đông, nhưng không vì thế mà không khí trang nghiêm trong khu di tích bị phá vỡ. Dường như ai cũng nhẹ bước chân hơn khi được đứng trên vùng di tích này, nơi từng là nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và Bộ chỉ huy chiến dịch năm xưa.

Ông Nguyễn Đức Lợi, một Cựu chiến binh thời kỳ chống Mỹ ở chiến trường Tây Nguyên, chia sẻ cảm xúc khi đến với Điện Biên, đến với Mường Phăng dịp này: "Thời gian đó anh em mình quá khổ mà phải chịu đựng nhiều. Cái đồi A1 đã cao, vũ khí của địch lại tối tân, mà các thế hệ ông cha mình rất quả cảm, có tinh thần yêu nước để giải phóng Điện Biên. Giai đoạn đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người anh cả của chúng tôi quá tài tình. Chỉ có lều tranh vách đá mà ý chí quá kiên cường, với sự lãnh đạo rất tuyệt vời của Đảng để giải phóng dân tộc. Các thế hệ trẻ Việt Nam đến thăm lại chiến trường xưa sẽ học tập thế hệ cha ông, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất của quê hương đất nước mà ông cha mình đã bỏ xương máu để giành lại độc lập tự do cho ngày hôm nay".

Theo lời cô hướng dẫn viên Lò Thị Thủy, tán rừng cổ thụ che chở những di tích lịch sử đến nay vẫn luôn được bảo vệ và gìn giữ do ý thức của người dân coi đây là chốn “rừng thiêng”, là mảnh “vườn nhà” phải chăm chút. Bà con thường gọi một cách trìu mến khu rừng này là “rừng Đại tướng”, gọi vị Tổng tư lệnh quân đội ta thuở ấy là “già bản Võ Nguyên Giáp”, gọi căn hầm của Đại tướng là “nhà của già bản Võ Nguyên Giáp”. Những tên gọi nay đã đi vào lịch sử và trở thành huyền thoại.

Nơi ở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái là một con đường hầm dài 320m, đào xuyên vào lòng một quả đồi để tránh bom và đạn đại pháo. Những bậc đá dẫn lên miệng hầm giờ đã phủ một lớp rêu xanh dày và mượt mà như trải thảm. Sinh thời, đã nhiều lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng đội của ông trở lại thăm khu sở chỉ huy này.

Con đường trải bê tông dẫn sâu vào nơi đóng quân của Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên đã đón hàng triệu lượt chân du khách, trong đó có rất nhiều các vị khách quốc tế đến để tìm hiểu về lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ từ cả hai phía. Ẩn mình dưới những tán rừng, vẫn còn đó trạm gác tiền tiêu, lán ngủ điện báo viên, hầm tổng đài điện thoại, lán làm việc của Ban Thông tin, nhà tác chiến - nơi giao ban hàng ngày của Bộ Chỉ huy, hội trường - nơi diễn ra các Hội nghị cán bộ do Đảng ủy và Bộ Chỉ huy triệu tập, bếp Hoàng Cầm... tất cả được chỉnh trang, tu sửa gọn gàng, sạch đẹp. Du khách nước ngoài đặc biệt thích thú với bếp Hoàng Cầm, loại bếp không khói giúp đảm bảo an toàn cho căn cứ.

Cùng với những giá trị văn hóa lịch sử, rừng Mường Phăng còn là một trong những khu bảo tồn tự nhiên với nhiều loại động thực vật quý hiếm của tỉnh Điện Biên. Ngoài ra, Mường Phăng còn hấp dẫn bởi chính đời sống sản xuất của đồng bào dân tộc Thái trong những ngôi nhà sàn thấp thoáng ẩn hiện. Nơi đây, sự sống vẫn lên xanh bên cạnh những ký ức hào hùng sống mãi.

Tin liên quan

Phản hồi

Phạm Quang Tuấn

Rất tuyệt vời và đáng khâm phục nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp Trong chiến dịch Điện... Xem thêm

Các tin/bài khác