Sáu ngày làm vợ, trọn đời thủy chung

“Em thương yêu! Mọi lá thư đến với em là nguồn động viên em khi xa anh. Song lá thư này đến tay em là nỗi buồn nhất và có lẽ là nỗi buồn đầu tiên trong cuộc đời của em. Em ạ! Chúng ta sống với nhau chẳng được là bao thì chiến tranh đã cướp đi của em bao nhiêu tình yêu thương trìu mến. Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều, song đối với em không những chẳng được cái diễm phúc ấy mà đã sớm phải xa rồi. Thật là vừa gặp nhau đã phải mãi mãi xa nhau”. Đây là những dòng thư ngắn ngủi cuối cùng mà liệt sỹ Lê Văn Huỳnh ở xã lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình viết cho vợ, bà Đặng Thị Xơ trước khi hy sinh. Bà đã ở vậy thờ chồng và thực hiện tâm nguyện cuối cùng đó là tìm, rồi đưa di cốt người chồng về quê nhà.

Sáu ngày làm vợ, trọn đời thủy chung - ảnh 1
Bà Đặng Thị Xơ trước bàn thờ chồng - Ảnh: Lan Anh


Chiến tranh đã lùi xa 37 năm, những lời dặn dò, hình ảnh của người chồng không thể xóa nhòa trong cuộc sống của bà Đặng Thị Xơ. Câu chuyện tình cảm động của bà với chồng là liệt sỹ Lê Văn Huỳnh đã vượt ra khỏi làng quê yên bình, khiến bao trái tim phải rung lên vì xúc động. Dù đã đi quá nửa đời người nhưng mỗi khi nhắc đến chồng, bà lại ngăn được nước mắt: "Yêu nhau thì đã lâu rồi nhưng ngày đó không như lớp trẻ bây giờ, ngày đó hơi khắt khe với tình yêu.  Yêu hơn 3 năm mới cưới. Thực tế là như vậy nhưng anh Huỳnh đi học, hè thì lại lên Yên Bái làm thêm lấy tiền đóng học nên chỉ tranh thủ về nhà thôi. Năm về đôi lần, ngày tết về 3 ngày."


Nói về chồng, ánh mặt người đàn bà bước sang tuổi 63 như được trở về cái thuở đôi mươi. Ngày ấy người con gái có dáng người thanh mảnh, nụ cười hiền hậu, đặc biệt đôi mắt biết nói, biết cười của bà cũng khiến bao chàng trai xao xuyến. Nhưng tình yêu của chị đã gửi trọn cho anh Lê Văn Huỳnh, chàng trai cùng quê, lúc đó là sinh viên Khoa xây dựng, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Tình yêu đó cũng được đơm hoa kết trái bằng một đám cưới giản dị, mộc mạc nhưng hết sức éo le. Bà kể: "Hai đứa chúng tôi hứa để anh học hết đại học rồi cưới vì có gia đình ảnh hưởng đến học tập. Cuối năm 1972 gia đình muốn chúng tôi tổ chức. Tranh thủ 3 ngày tết dương lịch, anh Huỳnh về nghỉ, ở nhà chuẩn bị rồi, anh về hôm trước hôm sau thì tổ chức.Nhưng anh đang học kỳ hai, tôi khuyên anh lên học cho bằng bạn chứ không thua thiệt. 3 ngày ở nhà, sau tết âm ở 3 ngày nữa, anh đi luôn, không về nữa.

Khi biết tin anh hy sinh, mọi người đã khuyên bà đi bước nữa vì thương bà phải chịu cảnh  góa bụa khi tuổi còn rất trẻ. Bà Xơ vẫn sắt son, ở vậy thờ chồng, dù được làm vợ vỏn vẹn chỉ 6 ngày và chưa kịp có con. Gần 40 năm qua, nỗi buồn của một người phụ nữ không có niềm hạnh phúc làm mẹ còn hằn in lên khuôn mặt, dáng vóc và nhất là đôi mắt buồn thăm thẳm. Đưa tay lau nước mắt, bà kể, những lời tâm sự trước lúc lên đường của chồng khiến cho bà không lỡ rời xa anh, dù chỉ là ôm hình ảnh để sống: "Cái tết trước khi anh đi anh có nói: nếu chẳng may anh bị thương cụt chân, cụt tay, thương tật thì về đừng hắt hủi anh. Tôi nói với anh là cứ yên tâm, vì tôi không có lương tâm đấy. Em đã yêu anh thì yêu đến trọn đời. Anh cứ yên tâm đi chiến đấu còn việc nhà anh không phải lo lắng."

Nói đến đây bà nghẹn ngào "anh bị thương, cụt chân, cụt tay cũng được, chỉ cần anh trở về đúng là chồng mình. Nhưng muốn thế  đâu có được, kỷ vật hiện chỉ còn lá thư anh viết trước khi hy sinh và tấm di ảnh trên bàn thờ.  Lúc cưới chúng tôi cũng chẳng có tấm ảnh nào. Về tết bảo chụp để lúc nào nhớ có tấm hình của anh nhưng anh cũng không chụp. Đến lúc trên đường đi anh thư về nói rằng hay tách tấm hình của anh chụp cùng các bạn lớp 10, gửi ảnh đó về nên giờ có ảnh thờ này"

Sáu ngày làm vợ, trọn đời thủy chung - ảnh 2
Mỗi lần nhớ chồng, bà Xơ lại đem bức thư ra đọc - Ảnh: Lan Anh


Mỗi lần nhớ chồng, bà Xơ lại trải chiếc chiếu ngồi trước bàn thờ chồng rồi đem bức thư ra đọc. Không biết bao lần bà thức trắng đêm, khóc vì nhớ thương. Cũng không biết bao lần bà ngồi như hóa đá khi đọc những dòng chữ của chồng. Nhất là thời gian chưa tìm được mộ chồng, bà không sao thấy yên lòng. Lời bà hứa với anh dù thế nào cũng phải thực hiện cho bằng được: "Trước kia đã hẹn và hứa với anh ở trọn đời. Qua bức thư anh dặn là đưa hài cốt anh về. Đó là nguyện vọng của anh. Lúc nào mình cũng nghĩ như vậy nên không thể đang tâm đi bước nữa. Giả sử nếu không tìm thấy đi chăng nữa thì mình cũng đã quyết rồi vì ngay từ thời 25, 26 tuổi, đã xác định ở vậy không đi bước nữa. Suốt ngày đêm, lúc nào cũng nghĩ đến chuyện đó. Mấy chục năm lúc nào cũng nghe thấy câu nói đưa anh về văng vẳng bên tai. Bây giờ thanh thản lắm, vì mình đưa anh về trọn vẹn"


Bức thư của chồng như sức mạnh vô hình giúp bà vượt qua mất mát, đau thương và những khó khăn của cuộc sống đời thường, để trọn lòng thủy chung. Gần 40 năm kể từ khi anh Huỳnh hy sinh, bà cần mẫn với công việc đồng áng và làm việc ở Hợp tác xã Chạm bạc Phú Lợi…


Đi gần hết cuộc đời, bà không mưu cầu điều gì cho bản thân. Ước nguyện cuối cùng là đưa chồng về quê nhà, nay cũng đã thực hiện xong. Bức thư, kỷ vật quý giá, thiêng liêng nhất cũng tặng cho Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị, bà chỉ giữ cho riêng mình bản photo, ép plastic. Bà quan niệm: “Chồng mình hy sinh, đó là nỗi đau lớn nhưng đó là sự hy sinh góp phần cho độc lập tự do của Tổ quốc. Vậy mình tâm niệm sẽ sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của anh, để linh hồn anh được thanh thản”./.

Phản hồi

Các tin/bài khác