(VOV5) - Năm 2024, lần đầu tiên hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam xếp hạng thứ 56 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu.
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia. Thời gian qua, tại nhiều địa phương, tinh thần này đã lan tỏa mạnh mẽ, từ đó tạo nên những điểm sáng tiêu biểu, có nhiều đóng góp về xây dưng hệ sinh thái, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Với quan điểm khởi nghiệp là khởi đầu của nghề nghiệp, thời gian qua, Đồng Tháp chú trọng đơn giản hóa quy trình khởi nghiệp để người dân, đặc biệt là nông dân, có thể dễ dàng tiếp cận. Tinh thần khởi nghiệp được phổ biến rộng rãi, mọi người từ nông dân lớn tuổi đến những bạn trẻ đam mê đổi mới đều có cơ hội tham gia và hiện thực hóa ý tưởng. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất mà tỉnh Đồng Tháp phải đối mặt là tâm lý tiểu nông e ngại chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp. Song để giải quyết vấn đề này, tỉnh đã thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, ưu tiên phải thay đổi tư duy lớn nhất, mạnh dạn phát huy từ nguồn tài nguyên bản địa.
Tinh thần khởi nghiệp đã lan tỏa mạnh mẽ tại nhiều địa phương tạo nên những điểm sáng tiêu biểu - Ảnh: Nguyễn Hằng/VOV |
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, cho biết: "Để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, tỉnh Đồng Tháp đã sáng lập những tổ chức hỗ trợ đặc biệt, điển hình như mô hình Hội quán nông dân và Café doanh nghiệp... Đây là nơi kết nối những cá nhân, tổ chức có ý tưởng sáng tạo, giúp họ gặp gỡ, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp. Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức nhiều cuộc thi khởi nghiệp, tạo sân chơi và cơ hội để người dân trình bày ý tưởng và hiện thực hóa chúng. Trong 4 năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã có 620 sản phẩm OCOP (Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm), đứng thứ 3 trong cả nước".
Việt Nam đang sở hữu một hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu hút sự tham gia đông đảo của các trường đại học, viện nghiên cứu, quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ quốc tế… Tinh thần khởi nghiệp đã lan tỏa mạnh mẽ tại nhiều địa phương. Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết: "Phấn đấu và phát triển đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ hội nhập đối với những đổi mới trong hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng. Từ thực tế địa phương, từ kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở cấp tỉnh, thành, khu vực trong nước cho tới các hoạt động hợp tác quốc tế, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ vươn tầm từ địa phương ra thế giới…".
Hiện nước ta đang sở hữu một hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động - Ảnh: Nguyễn Hằng/VOV |
Hệ sinh thái khởi nghiệp hoạt động hiệu quả cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trước tiên, đó là sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, thể hiện ở việc ban hành chính sách, kiến tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển. Tiếp đến là yếu tố con người trong các thành tố cấu thành (các bên tham gia) hệ sinh thái khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, như: tổ chức hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, các tổ chức cung cấp vốn, các trường đại học, tổ chức đào tạo, dạy nghề, các công ty tư vấn, các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp công nghệ…. Ngoài ra, các hoạt động, sự kiện để đánh giá khả năng hợp tác, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực (diễn đàn, hội thảo, phát động cuộc thi khởi nghiệp/ươm tạo ý tưởng/kết nối đầu tư/thương mại hóa sản phẩm thông qua sự kiện Demo Day) cũng là cần thiết.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ), nhấn mạnh: "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là tiền đề và dấu mốc quan trọng để góp phần hình thành, thúc đẩy nhân rộng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Bộ Khoa học và Công nghệ ủng hộ và kỳ vọng hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sẽ từng bước phát triển ra quy mô vùng, khu vực và kết nối chặt chẽ với hệ sinh thái quốc gia và quốc tế".
Năm 2024, lần đầu tiên hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam xếp hạng thứ 56 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu (Startup Blink). Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lọt vào top 200, thành phố Đà Nẵng lọt top 1000 thành phố khởi nghiệp toàn cầu.