(VOV5) - Hiện tại, ngoài phần di tích cũ trên tầng 3 ngôi nhà, một khu trưng bày “Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Châu” rộng 240m2 đã được thiết kế ở tầng 1, trưng bày 154 hiện vật.
Khoảng 1 năm sau khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc) sau 13 năm bôn ba đi tìm đường cứu nước, những lớp huấn luyện cán bộ đầu tiên đã được tổ chức tại đây vào năm 1925. Tròn 100 năm trước, những lớp học này đã khai mở tri thức cho các học viên tham gia huấn luyện, tạo tiền đề cho sự thành lập của Đảng Cộng sản Việt Nam. Phóng sự của Bích Thuận, phóng viên Đài TNVN thường trú tại Bắc Kinh:
Nghe âm thanh tại đây:
“Trước hết phải có đảng cách mệnh, Đảng có vững cách mệnh mới thành công...” Những dòng chữ chạy trên tấm bảng đen tại lớp học, cũng là một trong những nội dung trong cuốn Đường Kách mệnh, như đưa thế hệ hôm nay về lại 100 năm trước.
Cuối năm 1925, trên tầng 3 ngôi nhà số 13 (nay là nhà số 248-250) đường Văn Minh – một khu phố thương mại sầm uất ở Quảng Châu, trong một căn phòng chật hẹp, những dãy bàn ghế được kê ngay ngắn. Đây là lớp học chính trị đầu tiên truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin. Cạnh đó là căn phòng nhỏ kết hợp làm việc và nghỉ ngơi của Nguyễn Ái Quốc, phòng in Báo Thanh Niên và phòng ở của các học viên. Tất cả chỉ vài mét vuông. Căn phòng của Nguyễn Ái Quốc chỉ đủ để 1 chiếc giường đơn, 1 giá sách nhỏ, 1 bộ bàn ghế giản dị cùng 1 chiếc máy chữ và vài cuốn sách.
Căn phòng nhỏ của Nguyễn Ái Quốc |
Chị Hoàng Gia Viên, thuyết minh viên khu di tích, say sưa kể từng câu chuyện qua các hiện vật: “Căn phòng này lúc đó là phòng ngủ của đồng chí Hồ Chí Minh. Ban ngày, Người làm phiên dịch cho cố vấn Borodin. Đêm đến, Người thường ở lại đây để hoàn thành tác phẩm Đường Kách mệnh và một số giáo trình cho Lớp bồi dưỡng chính trị thanh niên Việt Nam. Những gì chúng ta đang thấy là phòng ở của học viên vào thời điểm đó, tối đa chỉ ở được 15 người. Như chúng ta thấy, điều kiện khi đó rất sơ sài. Chỉ có gối, chăn và một tấm chiếu cói. Nhưng ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn như vậy cũng không thể ngăn cản được lòng nhiệt thành yêu nước của thanh niên Việt Nam.”
Bàn làm việc của Người |
Các lớp học được tổ chức khoảng một năm sau khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu. Đây là một bước đi quan trọng trong kế hoạch trở về Tổ quốc của Người, mở ra một bước ngoặt mới trong quá trình tập hợp, xây dựng lực lượng cách mạng, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng và công cuộc cứu nước, giải phóng dân tộc. Những học viên ưu tú như Trần Phú, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng… đã tham gia lớp học và trở thành các nhà lãnh đạo nòng cốt của cách mạng Việt Nam sau này.
Trong giai đoạn 1925-1927, vượt qua mọi khó khăn, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã mở được 10 lớp huấn luyện, mỗi lớp học tập một tháng rưỡi, cho khoảng 250-300 học viên. Đích thân lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng một số cán bộ chủ chốt của hội và cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc trực tiếp tham gia giảng dạy, huấn luyện.
Các học viên tham gia chương trình đã được khai mở tri thức về lịch sử cách mạng thế giới, lý luận Marx-Lenin, quan điểm cách mạng của Quốc tế Cộng sản và của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; được trang bị kiến thức lý luận đi đôi với phương pháp tư duy và phương thức hoạt động cách mạng... từ đó hình thành thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng đúng đắn.
Ông Dịch Tây Bình, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Quảng Đông |
Theo ông Dịch Tây Bình, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Quảng Đông, thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng Châu, không chỉ tác động trực tiếp đến phong trào cách mạng Việt Nam, mà còn góp phần quan trọng vào phong trào cách mạng Trung Quốc cũng như Quốc tế Cộng sản: “Trong thời kỳ này, Người và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kết giao tình bạn và tình đồng chí cách mạng vô cùng sâu sắc. Cùng thời điểm, Người còn được Quốc tế Cộng sản và Quốc tế Nông dân cử làm phiên dịch cho cố vấn Borodin. Do thông thạo nhiều thứ tiếng, trong quá trình tìm hiểu về cách mạng Trung Quốc, Người đã viết thư cho Quốc tế Cộng sản và Quốc tế Nông dân, kể về những điều chứng kiến ở Quảng Châu và Trung Quốc, giúp Quốc tế Cộng sản và Quốc tế Nông dân hiểu hơn tình hình cách mạng ở Trung Quốc, giúp thúc đẩy cách mạng Trung Quốc phát triển tốt hơn.”
Khu trưng bày “Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Châu” |
Nhiều năm trước di tích của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Quảng Châu chỉ mở cửa cho khách Việt Nam theo lịch hẹn. Tuy nhiên, từ ngày 26/3/2024, nơi đây đã chính thức mở cửa đón công chúng, nhằm giúp người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Trung Quốc hiểu hơn về lãnh tụ của Việt Nam, về tình hữu nghị giữa hai Đảng, hai nước và những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Trung Quốc. Đến nay, khoảng 50.000 lượt khách đã đến tham quan. Hiện tại, ngoài phần di tích cũ trên tầng 3 ngôi nhà, một khu trưng bày “Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Châu” rộng 240m2 đã được thiết kế ở tầng 1, trưng bày 154 hiện vật.
Để khu di tích thêm phần sống động, chị Vương Quyên, giám tuyển khu trưng bày, cho biết nhiều yếu tố công nghệ đã được kết hợp bố trí tại đây: “Để tái hiện tốt hơn quang cảnh nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và thanh niên Việt Nam sống và hoạt động vào thời điểm đó, ngoài trưng bày tĩnh thông thường, chúng tôi còn bổ sung thêm các hình thức như trình chiếu, hiệu ứng âm thanh, tiếng động để làm phong phú hơn khu trưng bày, giúp người xem có thêm nhiều trải nghiệm. Chẳng hạn, ở lớp học, chúng tôi đã sử dụng máy chiếu để hiển thị bài giảng bằng phấn viết, thể hiện nội dung của tác phẩm Đường Kách mệnh. Một máy chiếu ẩn và máy chữ cũng được sử dụng trong phòng ngủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tái hiện tiếng đánh máy của Người bằng cách ghi lại âm thanh thật cùng thời.”
Đúng 100 năm trước, chính nhờ những lớp học đầu tiên này, phong trào cách mạng Việt Nam đã bước sang một trang mới, một bước phát triển cả về chất và lượng, được trang bị về vũ khí tư tưởng-lý luận và về xây dựng đội ngũ, công tác tổ chức-cán bộ, tiền đề hết sức quan trọng tiến tới việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa Xuân năm 1930. Giờ đây, lớp học đầu tiên thời dựng Đảng năm xưa đã trở thành địa chỉ đỏ và minh chứng sống động cho những năm tháng hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trước khi về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam.