Du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số Lai Châu

(VOV5) - Với lợi thế về thiên nhiên, nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc, Lai Châu là địa điểm lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với nghỉ dưỡng.

Mô hình du lịch cộng đồng tại Lai Châu đang tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh. Mô hình vừa giúp nâng cao thu nhập của đồng bào vừa góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa quý giá của các dân tộc bản địa. Bản làng ở Lai Châu cũng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.

Du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số Lai Châu - ảnh 1Các bản du lịch cộng đồng ở Lai Châu thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm. Ảnh: VOV

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

 Nằm ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, địa điểm lý tưởng để du khách thưởng ngoạn, ngắm cảnh núi rừng hùng vĩ và tìm hiểu văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao. Hiện bản có 15 hộ dân làm homestay và có thể đón tiếp từ 300 đến 400 du khách lưu trú qua đêm. Ông Lù A Nghi, Trưởng bản Sì Thâu Chải, cho biết bà con thường xuyên nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ khách, như: ăn uống, tắm lá thuốc người Dao, 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm bản đón khoảng 10 nghìn lượt khách. Lượng khách lưu trú ngày càng nhiều, đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trong bản, với mức thu nhập từ vài chục triệu đồng lên tới hơn 100 triệu đồng (4.000 USD)/năm: “Mùa đón khách du lịch của bà con thường là dịp cuối năm, đầu xuân năm mới, nên chúng tôi thường xuyên cho bà con triển khai vệ sinh làng bản và chỉnh trang hoa cảnh. Đối với những hộ làm homestay, các gia đình sắp xếp nhà cửa, cơ sở vật chất để đón khách, tập trung cải thiện dịch vụ ăn ương, tắm thuốc người Dao đỏ.”

Cũng ở huyện Tam Đường, bản Lao Chải, xã Khun Há, có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Nhờ khai thác tốt lợi thế tiềm năng về cảnh quan bản làng đẹp, khí hậu mát mẻ, mỗi năm đón trến 13.000 lượt khách đến tham quan. Anh Cứ A Ly, hộ dân làm du lịch cộng đồng ở bản Lao Chải, cho biết bản được công nhận là sản phẩm du lịch theo Chương trình mỗi xã/phường 1 sản phẩm (OCOP) 3 sao của tỉnh. Hiện trong bản có 7 hộ gia đình làm dịch vụ homestay. Từ khi phát triển du lịch cộng đồng, thu nhập của các hộ dân trong bản ngày càng được cải thiện. Dịch vụ homestay của gia đình anh hiện có 5 phòng nghỉ lưu trú, cộng thêm các dịch vụ ăn uống, mỗi năm cho thu nhập hơn 150 triệu đồng (6.000 USD): “Gia đình tôi đã đầu tư và tu sửa nhà cửa và bắt đầu đón khách từ năm 2021. Cho đến bây giờ gia đình tôi luôn hướng đến các dịch vụ tốt nhất đến khách hàng và chúng tôi cung cấp đến du khách dịch vụ như ăn uống, ngủ nghỉ. Ngoài ra gia đình tôi cũng có những nhạc cụ cũng như những trang phục truyền thống của người Mông để cung cấp cho du khách khi đến bản có nhu cầu.”

Du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số Lai Châu - ảnh 2Nhờ làm du lịch cộng đồng, mỗi năm gia đình anh Cứ A Ly, ở bản Lao Chải, xã Khun Há có thu nhập ổn định khoảng 150 triệu đồng/năm. Ảnh: VOV

Với lợi thế về thiên nhiên, nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc, Lai Châu là địa điểm lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với nghỉ dưỡng. Đến nay, toàn tỉnh có 13 bản được công nhận điểm du lịch cộng đồng cấp tỉnh. Năm ngoái, Lai Châu đã đón gần 1,4 triệu lượt khách, doanh thu tăng gần 40% so với năm 2023; trong đó thị phần du khách khám phá bản du lịch văn hóa cộng đồng chiếm khoảng 50%. Ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu, cho biết: “Trong thời gian tới tỉnh sẽ quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia cùng với chính quyền để xây dựng, phát huy các giá trị của du lịch cộng đồng ở địa phương. Từ đó tỉnh sẽ tăng cường, huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất. Và đặc biệt hơn nữa là tỉnh sẽ hỗ trợ cho người dân trong việc đào tạo, bồi dưỡng cho các lực lượng làm du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng.”

Trong tổng số 20 dân tộc sinh sống trên địa bàn, dân tộc Thái và Mông chiếm đa số, 5 dân tộc rất ít người là Lự, Cống, Mảng, La Hủ và Si La... Các dân tộc có văn hóa phong phú và đa dạng. Lợi thế đó đã và đang làm lên những bản làng du lịch cộng đồng ở Lai Châu và trở thành một hướng đi mới trong phát triển kinh tế bền vững, giúp người dân cải thiện đời sống.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác