Lê Minh Đức - Cậu học trò đam mê chế tạo robot

(VOV5) - Mỗi kỳ thi với Đức đều là cơ hội để tích luỹ cho những những kinh nghiệm và cả kỹ năng, giúp em sắp xếp công việc, cân bằng giữa việc học và nuôi dưỡng đam mê.

Lê Minh Đức, học sinh lớp 12 chuyên toán, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, là 1 trong 14 ứng cử viên được Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu cho danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu thành phố Hồ Chí Minh năm 2023. Với thành tích đáng nể không chỉ trong học tập ở trường, Lê Minh Đức còn còn gây ấn tượng với những sáng kiến trong nghiên cứu khoa học và chế tạo robot, với nhiều giải thưởng danh giá.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
 
Hành trình đến với niềm đam mê nghiên cứu và khám phá khoa học của Minh Đức từ rất sớm. Từ khi còn học cấp 1, em thường xem những video về khoa học chế tạo trên Youtube, để rồi tự sáng chế ra những máy bay cắt dán bằng xốp và gắn động cơ. Lớn lên một chút, Đức đã mạnh dạn xin gia đình đi học thêm và từ đó, niềm đam mê nghiên cứu robot ngấm dần trong Đức.
Lê Minh Đức - Cậu học trò đam mê chế tạo robot - ảnh 1Lê Minh Đức (đeo kính) tại buổi thuyết trình đề tài nghiên cứu khoa học của mình tại Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế 2023 - REGENERON ISEF 2023. Ảnh: NVCC

Năm 2016, Minh Đức, khi đó chỉ mới 10 tuổi, là một trong những thí sinh nhỏ tuổi tham gia kỳ thi Robotics dành cho học sinh toàn thế giới, tổ chức tại Hàn Quốc. Đề tài của Đức là thư viện tự lấy sách đưa cho người khuyết tật, người già, trẻ em, giúp họ lấy sách trên cao. Ngoài ra, từ kiến thức đọc được trên báo, Đức cũng đã nghiên cứu và thiết kế mô hình kiểm soát chất lượng dây chuyền nước thải và đạt giải nhất kỳ thi robot trẻ của Đông Nam Á ở thời điểm đó. Minh Đức chia sẻ: "Từ những trải nghiệm đó, em hiểu được việc robot có thể giúp được đời sống con người tốt như thế nào. Do đó, em đam mê nghiên cứu cho đến bây giờ".

Năm 2023 cũng là năm mà Đức gặt hái được nhiều giải thưởng, trong đó có giải thưởng liên quan đến robot do Cơ quan phát triển Mỹ (USAID) trao tặng cho dự án khoa học kỹ thuật "Mô hình robot bốn chân hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ người trong vùng bị sạt lở", với thiết kế bàn chân vịt đầu tiên trên thế giới. Thiết kế này do Minh Đức thực hiện cùng người bạn của mình là Nguyễn Lê Trung Kiên.

Lê Minh Đức - Cậu học trò đam mê chế tạo robot - ảnh 2Minh Đức (áo trắng) và Trung Kiên trong qua trình nghiên cứu dự án "Mô hình robot bốn chân hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ người trong vùng bị sạt lở". Ảnh: NVCC

Nghiên cứu xuất phát từ câu chuyện về những người chiến sĩ hy sinh trong vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 vào năm 2020. Cậu học trò cảm nhận nỗi đau mất mát cũng như khó khăn của lực lượng cứu nạn, cứu hộ. Đó chính là động lực thôi thúc em lựa chọn hướng nghiên cứu robot hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn và hoàn thiện sản phẩm. Đề tài này cũng đồng thời đạt giải Nhất hội thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia (VISEF) 2023, lĩnh vực Robot và máy thông minh. Đây cũng là dự án khiến cho Đức thay đổi rất nhiều, từ việc thiết kế một con robot hoàn chỉnh đến việc xác định rõ con đường mà mình muốn theo đuổi sau này.

Khi tham gia cuộc thi quốc tế tại Mỹ, Minh Đức được trò chuyện với những người bạn cùng trang lứa ở khắp nơi trên thế giới, được chứng kiến những sản phẩm, sáng kiến ở tầm vĩ mô. Đức nhận ra rằng, học sinh Việt Nam cũng không thua kém bạn bè quốc tế trong nghiên cứu khoa học. Điều đó thôi thúc Đức mong muốn đóng góp nhiều hơn. "Khi em đi thi quốc tế như vậy, em nhìn thấy các bạn thế giới họ làm được những công trình nghiên cứu rất hay. Em nhìn ra được định hướng phát triển về mặt kỹ thuật trong lĩnh vực này, điều đó làm cho em muốn lan toả những kỹ năng đó, lan toả được đến nhiều hơn các bạn được cho học sinh của trường em và trong tương lai có thể cho học sinh thành phố" - Minh Đức nói.

Lê Minh Đức - Cậu học trò đam mê chế tạo robot - ảnh 3Minh Đức và các bạn trong CLB LHP Maker- CLB Khoa học Sáng tạo trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Ảnh NVCC

Thầy Lê Thịnh, giáo viên trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cũng là người tham gia hướng dẫn Đức trong đề tài “Mô hình robot bốn chân hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ người trong vùng bị sạt lở", cho biết Đức là một hoc sinh ngay từ đầu đã thể hiện được niềm đam mê với robot. Những dự án STEM tích hợp rất nhiều lĩnh vực và đòi hỏi người tham gia nghiên cứu cũng phải tham khảo, học hỏi và tự học rất nhiều khía cạnh khác nhau. Đức có tinh thần học hỏi và luôn thể hiện được sự đam mê trong nghiên cứu về lĩnh vực điện điện tử và tự động hoá.

Thầy Lê Thịnh chia sẻ: "Các thầy chỉ phụ trách mảng hướng dẫn, còn xử lý một con robot hoàn chỉnh thì chỉ có người nghiên cứu tự làm mới hiểu để điều chỉnh hoặc hư hỏng có thể tự sửa. Đó là điều mà tôi đánh giá rất cao ở Đức".

Ngoài lĩnh vực robot, Minh Đức cũng tham gia và đoạt nhiều giải thưởng từ các cuộc thi Olympic trong nước và quốc tế như Toán, Tiếng Anh, Cờ vua. Mỗi kỳ thi với Đức đều là cơ hội để tích luỹ cho những những kinh nghiệm và cả kỹ năng, giúp em sắp xếp công việc, cân bằng giữa việc học và nuôi dưỡng đam mê. Với môn Toán giúp em hiểu được kiến thức kỹ thuật, phát triển được công thức riêng để áp dụng vào con Robot của riêng mình. Còn tiếng Anh chính là khả năng tranh biện, đọc và tìm hiểu các tài liệu nước ngoài. Bởi thế mà ở trường, Minh Đức không chỉ luôn đạt thành tích cao trong học tập với điểm số trung bình lớp 10 là 9.3/10, lớp 11 là 9.8/10, mà Đức còn đang quản lý nhóm khoảng 30 học sinh là những người có niềm đam mê với Robot như mình.

Minh Đức cho biết: "Em xác định rất rõ việc học bây giờ là quan trọng nên dành thời gian cho nó nhiều nhất. Còn việc nghiên cứu khoa học và hoạt động với các bạn em sẽ bố trí thời gian phù hợp nhất. Có buổi trưa khoảng 1 -2 tiếng không ngủ nhưng em giúp được các bạn học được nhiều thứ. Việc cân bằng của em xuất phát từ mong muốn là em sẽ làm và em muốn làm như vậy cho không chỉ riêng em và nhiều người khác nữa".

Với mục tiêu “Mang khoa học đến với mọi người”, Lê Minh Đức đang từng bước chắp cánh cho những dự án nghiên cứu, tạo nên những sản phẩm đi vào thực tiễn.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác