Nông nghiệp, thương mại và giáo dục: Hợp tác trụ cột Việt Nam và Newzeland

(VOV5) - Việt Nam và Newzeland đang ở một thế vững chắc để thúc đẩy mối quan hệ này phát triển xa hơn thế nữa.

Trong khuôn khổ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ giữa song phương và hướng đến nâng quan hệ lên tầm cao mới (Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược), Việt Nam và New Zealand vừa ký kết 4 thỏa thuận hợp tác mới trong các lĩnh vực thương mại, giáo dục, nông nghiệp và tài chính. Điều này cho thấy đây tiếp tục là các trụ cột chính trong quan hệ hai nước thời gian tới. Các sự kiện diễn ra trước hội đàm trực tuyến giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng New Zealand Jacinda Arden ngày 22/07.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Tăng cường giao thương các sản phẩm nông lâm nghiệp, thủy sản và thực phẩm đóng vai trò cốt yếu mà Việt Nam và New Zealand luôn xác định, nhằm đảm bảo hợp tác thương mại và kinh tế giữa New Zealand và Việt Nam ngày một lớn mạnh. Để đánh dấu một bước tiến mới, trong hợp tác thương mại và nông nghiệp song phương nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ, Việt Nam và New Zealand ngày 21/07 đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm thành lập hệ thống chứng nhận điện tử song phương đầu tiên dành cho các sản phẩm thực phẩm và nông - lâm nghiệp thông quan.

Nông nghiệp, thương mại và giáo dục: Hợp tác trụ cột Việt Nam và Newzeland - ảnh 1  Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm thành lập hệ thống chứng nhận điện tử song phương đầu tiên dành cho các sản phẩm thực phẩm và nông - lâm nghiệp thông quan. 

Theo thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh, việc trực tiếp trao đổi các dữ liệu chứng nhận điện tử giúp đơn giản hóa các quy trình xuất-nhập khẩu các mặt hàng nông lâm nghiệp, thủy sản và thực phẩm, đẩy nhanh quá trình thông quan, giảm giá thành, tăng tính minh bạch, đồng thời giảm tối đa khả năng gian lận trong giao thương hàng hóa: “Việc triển khai hợp tác trong lĩnh vực chứng nhận điện tử cùng New Zealand là một bước đệm quan trọng giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại toàn cầu; đồng thời tạo ra lộ trình thuận lợi để Việt Nam tiếp cận các thị trường tiềm năng khác.”

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng thương mại toàn cầut diễn biến ngày phức tạp, đặc biệt dưới sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, bộc lộ rõ tầm quan trọng của việc thiết lập một hệ thống trao đổi thông tin nhanh, an toàn và đáng tin cậy thông qua các giải pháp trực tuyến có tính bảo mật cao. Đánh giá về sáng kiến hợp tác mới trong bối cảnh mới này, đại sứ New Zealand tại Việt Nam Wendy Matthews khẳng định, phát triển nông nghiệp chất lượng cao sẽ luôn là trọng tâm mà New Zealand có thể hỗ trợ Việt Nam một cách thực tiễn nhất: “Để hiểu một cách đơn giản, thỏa thuận này sẽ giúp cho việc trao đổi thương mại nhanh hơn, an toàn và rẻ hơn giữa hai nước. Chúng tôi tự hào được phối hợp cùng Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để thắt chặt hơn nữa hợp tác thương mại song phương. New Zealand tự hào vì có những công ty kỹ thuật cao đang có chương trình hợp tác với Việt Nam để làm tăng chuỗi giá trị cho thực phẩ và nông sản chất lượng cao của Việt Nam".

Nông nghiệp, thương mại và giáo dục: Hợp tác trụ cột Việt Nam và Newzeland - ảnh 2 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc và bà Wendy Matthews, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam ký kết về hợp tác giáo dục 2020-2030. Ảnh HL

Bên cạnh thế mạnh về hợp tác nông nghiệp, lĩnh vực giáo dục là điểm nhấn quan trọng trong quan hệ hai nước nhiều năm qua. Việc tái ký kết bản Kế hoạch Hợp tác Chiến lược về Giáo dục giai đoạn 2020 – 2023 đánh dấu một bước tiến mới, thúc đẩy mạnh mẽ giao lưu nhân dân, giao lưu tri thức, trao đổi sinh viên cũng như phát triển các kỹ năng tương lai thông qua nhiều sáng kiến giáo dục.

Ông Grant McPherson, Tổng Giám đốc Điều hành, Cơ quan Giáo dục New cho rằng, đây là cơ hội then chốt để thúc đẩy mối quan hệ đối tác giáo dục lâu dài giữa New Zealand và Việt Nam: Chúng tôi đánh giá cao sự năng động và đa dạng mà học sinh, sinh viên Việt Nam mang đến cho các trường New Zealand cũng như  đất nước của chúng tôi., Việc ký mới kế hoạch hợp tác chiến lược về giáo dục là một nền tảng quan hệ tuyệt vời mang lại nhiều lợi ích song phương về xã hội, thương mại và kinh tế.”

Nông nghiệp, thương mại và giáo dục: Hợp tác trụ cột Việt Nam và Newzeland - ảnh 3Lễ ký kết thỏa thuận giữa Việt Nam và New Zealand về hợp tác giáo dục nghề nghiệp. Lễ ký các thỏa thuận hợp tác song phương trên các lĩnh vực tài chính, giáo dục, thương mại, nông nghiệp diễn ra ngay  trước cuộc hội đàm trực tuyến giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Jacinda Arden nhằm nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược ngày 22/07/2020

New Zealand đứng đầu trong khối các quốc gia nói tiếng Anh và đứng thứ 3 thế giới về hệ thống giáo dục chuẩn bị kỹ năng cho tương lai, theo bảng Xếp hạng Chỉ số Giáo dục cho Tương lai 2019. Tính đến năm 2018, có hơn 2.700 học sinh, sinh viên Việt Nam đang theo học tại New Zealand cũng có Học bổng của Thủ tướng dành cho sinh viên trao đổi ở khu vực Châu Á được khởi động từ năm 2013. Tính đến nay có 143 sinh viên New Zealand chọn Việt Nam làm điểm đến để thực tập và nghiên cứu.

Trong thỏa thuận Hợp tác giáo dục nghề nghiệp mới được ký kết, Newzeland sẽ góp phần vào các nỗ lực nâng cao chất lượng của lực lượng lao động Viêt Nam. Với hệ thống giáo dục chất lượng cao, kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo nghề, New Zealand luôn sẵn sàng triển khai các sáng kiến hợp tác nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu cao về nguồn nhân lực toàn cầu trong bối cảnh kinh tế số, kinh tế trí thức, cách mạng Công nghiệp 4.0 và xu thế dịch chuyển nhân lực trên thị trường quốc tế.

Đại sứ New Zealand Wendy Mathews bày tỏ tin tưởng rằng, đại dịch Covid-19 mang đến nhiều thách thức nhưng Việt Nam và New Zeland đang ở một thế vững chắc để thúc đẩy mối quan hệ này phát triển xa hơn thế nữa.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác