Triển khai các giải pháp hỗ trợ và ổn đinh thị trường lao động trong đại dịch

(VOV5) - Cần sớm ban hành, triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, trong đó chú trọng đến giải pháp về tạo việc làm.

Triển khai giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch” là chủ đề của tọa đàm trực tuyến diễn ra sáng 17/11, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức. 

  Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến hết quý III/2021, cả nước có hơn 28 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm do dịch COVID-19. Quy định giãn cách xã hội kéo dài trong 3 tháng đã ảnh hưởng tới ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi ở quý III lên mức cao nhất trong 10 năm qua.

Triển khai các giải pháp hỗ trợ và ổn đinh thị trường lao động trong đại dịch - ảnh 1Tọa đàm do Báo Nhân Dân phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức.
Ảnh: Báo Nhân Dân

Thời gian vừa qua, để giúp cho việc phục hồi thị trường lao động, Chính phủ và bộ, ban, ngành đã ban hành nhiều chính sách thiết thực hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động. Hiện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo chương trình phục hồi và phát triển với những cơ chế chính sách đề xuất về hỗ trợ trực tiếp cho người lao động; hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cung lao động; hỗ trợ kết nối cung cầu lao động… 

Triển khai các giải pháp hỗ trợ và ổn đinh thị trường lao động trong đại dịch - ảnh 2Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Báo Nhân Dân

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết: "Trước hết, chúng ta cần triển khai có hiệu quả các giải pháp kiểm soát dịch, cùng với đó, thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đã ban hành.

Bên cạnh đó, cần có các chính sách về tín dụng, tài khóa như giảm, giãn thuế, phí, cơ cấu lại khoản vay, giảm lãi suất ngân hàng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đồng thời cũng cần sớm ban hành, triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, trong đó chú trọng đến giải pháp về tạo việc làm chất lượng cao, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nền kinh tế số và nâng cao các hoạt động cân đối việc làm.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác