(VOV5) - Trường Trung học cơ sở Dân tộc nội trú huyện Chư Păh đã được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia.
Trường Trung học cơ sở Dân tộc nội trú huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, thành lập cách đây 25 năm, ngày 20/11/1999. Trường dành cho học sinh dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn này đã trở thành một trong những điểm sáng của ngành giáo dục tỉnh Gia Lai.
Cổng trường Trung học cơ sở Dân tộc nội trú huyện Chư Păh. Ảnh: Ngọc Anh/VOV5 |
Trường có 20 giáo viên, 150 học sinh, chia làm 4 lớp tương đương với 4 khối (lớp 6,7,8,9, mỗi khối có 1 lớp). Trường có cơ sở vật chất khá đầy đủ. Khuôn viên trường rộng rãi, ký túc xá khang trang, có khu vực vui chơi thể thao cho các em rèn luyện sức khỏe, thư viện với các đầu sách phong phú… và Ban giám hiệu trường đang tính có thể xây dựng bể bơi. Thầy giáo Nguyễn Trọng Vinh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Dân tộc nội trú huyện Chư Păh, cho biết: “Học sinh trong Trường có 6 dân tộc, trong đó chủ yếu là dân tộc Jrai và dân tộc Bana. Điều kiện ăn ở học tập của các em rất tốt. Buổi sáng các em học chính khóa, buổi chiều thì học phụ đạo, tối có thể học thêm trên lớp. Đối với các em học sinh tuyển đầu cấp lớp 6, các em được trang bị đồ dùng, dụng cụ tư trang, như: sách vở, quần áo, chăn chiếu, màn… Điều kiện để đảm bảo cho học sinh học nội trú cơ bản nhà trường đáp ứng được. Hằng tuần, vào tối thứ Bảy, trường tổ chức sinh hoạt nội trú để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các em kỹ năng sống. Ngoài ra, Trường cũng hướng dẫn các em đan lát, thêu thùa, khâu vá....”
Để tăng chất dinh dưỡng, thay đổi khẩu vị cho học sinh, nhà trường thường thay đổi món ăn, bổ sung thêm món ăn vào các bữa trưa thứ Năm và Chủ nhật, chẳng hạn có thêm món bún và mì Quảng. Học sinh được giáo viên quan tâm hướng dẫn kỹ năng sống, ứng xử, giúp các em trưởng thành hơn. Em Rơ Châm Tra, dân tộc Jrai, học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Dân tộc nội trú huyện Chư Păh, cho biết: “Việc học tập, sinh hoạt cũng như ăn ở của chúng em ở trường rất thuận lợi. Nhà trường có các thiết bị dạy học đầy đủ, các thiết bị phục vụ cho các bài tập thực hành. Mỗi lớp được cấp 1 ti vi thông minh, chúng em có thể tra hỏi những thông tin và tìm kiếm những thông tin bổ ích. Cở sở vật chất đầy đủ nên chúng em có thể tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe.”
Đã 24 năm công tác gắn bó với Trường, cô giáo Đỗ Thị Phượng, giáo viên chủ nhiệm lớp 7, Trường Trung học cơ sở Dân tộc nội trú huyện Chư Păh, cho biết: “Các em lớp 6 mới vào trường thì còn bỡ ngỡ, các cô giáo hướng dẫn các em từng cách ăn ở, sinh hoạt tự lập. Giáo viên chúng tôi như người mẹ thứ 2 của các em chăm sóc cho các em từng li, từng tí. Vì các em đa phần là người dân tộc thiểu số cho nên giáo viên dạy phải giảng dạy cụ thể, tỉ mỉ hơn để các em dễ hiểu, nắm được tốt kiến thức.”
Phòng thư viện của trường. Ảnh: Ngọc Anh/VOV5 |
Đời sống tinh thần của các em cũng được nhà trường chú trọng. Thư viện của Trường đã được cấp Chứng nhận danh hiệu thư viện đạt chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cô giáo Vũ Thị Thu Hường, phụ trách Thư viện Trường Trung học cơ sở Dân tộc nội trú huyện Chư Păh, cho biết: “Về sách, truyện, tài liệu, báo chí các em được nhà trường đầu tư tối đa cho việc học và giải trí. Sách tham khảo bổ trợ làm bài tập, có nghĩa là các bài tập nâng cao, bổ trợ việc học tập, các dạng bài toán nâng cao, văn để các em tìm hiểu, bổ trợ cho việc học chính cho các em. Còn có sách thiếu nhi, báo, tạp chí, các đề thi hằng năm trường lưu lại để các em tìm hiểu thêm, tự học.”
Ngoài học tập, học sinh trong Trường được học các môn thể dục, thể thao đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số và duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình. Khi huyện Chư Păh tổ chức các sự kiện văn hóa, cơ quan đoàn thể các cấp cũng mời đội văn nghệ trường tham gia biểu diễn. Vào chiều thứ Bảy hằng tuần, các em được sinh hoạt cồng chiêng, múa xoang.
Học sinh trường sinh hoạt đánh cồng chiêng. Ảnh: Ngọc Anh/VOV5 |
Em A Jăk, dân tộc Jrai, học sinh lớp 9, Trường Trung học cơ sở Dân tộc nội trú huyện Chư Păh, cho biết: “Trường mời những nghệ nhân dạy cồng chiêng, múa xoang đến dạy chúng em tại trường. Bây giờ chúng em đã biết đánh cồng chiêng và các bạn nữ biết múa xoang và đã biết tầm quan trọng của việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình. Thông qua việc học văn hóa đó thì giúp cho chúng trân trọng bản sắc văn hóa dân tộc mình và chúng em sẽ phát huy văn hóa dân tộc mình quảng bá với người dân trong nước và bạn bè quốc tế.”
Trường Trung học cơ sở Dân tộc nội trú huyện Chư Păh đã được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia. Từ ngôi trường này, nhiều học sinh đã trưởng thành, và có những đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.