6 tháng xung đột Hamas – Israel

(VOV5) - Trong lúc này, cùng với sự bế tắc ngoại giao, nguy cơ xung đột leo thang và lan rộng vẫn hiện hữu.

Ngày 07/04, cuộc xung đột Hamas-Israel tại Gaza tròn 6 tháng. Sau 6 tháng bùng phát, thương vong của 2 bên ngày càng gia tăng trong khi các nỗ lực tìm giải pháp ngoại giao chấm dứt xung đột rơi vào bế tắc.

6 tháng xung đột Hamas – Israel - ảnh 1Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống thành phố Deir el-Balah, Dải Gaza, ngày 2/4/2024 - Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 07/10 năm ngoái, quân đội Israel mở chiến dịch quân sự tại dải Gaza nhằm trả đũa các cuộc tấn công của lực lượng Hamas vào lãnh thổ Israel trước đó, mở đầu cho cuộc xung đột nghiêm trọng nhất tại Trung Đông trong nhiều năm qua.

Khủng hoảng nhân đạo trầm trọng

6 tháng sau khi xung đột bùng phát, thiệt hại về sinh mạng và vật chất tại dải Gaza đã lên tới mức mà đa số cộng đồng quốc tế đều đánh giá là “không chấp nhận nổi”. Các số liệu được Liên hiệp quốc (LHQ) và Cơ quan y tế Palestine ở dải Gaza đưa ra cho thấy tính đến hết tháng 3, đã có gần 33.000 người Palestine thiệt mạng, trong đó đa số là thường dân. Đặc biệt, theo số liệu của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), hơn 13.000 trẻ em đã thiệt mạng vì các giao tranh tại Gaza trong 6 tháng qua, nhiều hơn tất cả các cuộc xung đột khác trên thế giới trong 1 thập kỷ qua. Bên cạnh đó, hơn 75.000 người bị thương và hơn 85% trong tổng số 2,3 triệu dân Gaza, tức khoảng 1,9 triệu người, đã phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Về phía Israel, hàng ngàn binh lính và dân thường cũng đã thiệt mạng, trong khi hàng trăm con tin vẫn đang bị lực lượng Hamas giam giữ.

Cùng với thiệt hại sinh mạng, cơ sở vật chất tại Gaza cũng bị phá hủy nặng nề. Báo cáo được LHQ và Ngân hàng thế giới (WB) công bố hôm 02/04 cho thấy 62% nhà cửa tại dải Gaza đã bị phá hủy, đẩy hơn 1 triệu người vào cảnh không nhà. 84% cơ sở y tế bị hư hại hoặc bị phá hủy. Hệ thống giáo dục tại Gaza sụp đổ hoàn toàn khi 56 trường học bị phá hủy, 219 trường bị hư hại, khiến khoảng 625.000 học sinh ở Gaza không thể đến trường. WB ước tính tổng thiệt hại cơ sở vật chất tại Gaza là khoảng 18,5 tỷ USD, tương đương 97% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của dải Gaza và Bờ Tây cộng lại trong năm 2022.  Sự xuống cấp và thiếu thốn trầm trọng các dịch vụ công (y tế, nước sạch, thực phẩm…) đẩy hàng triệu người dân tại Gaza vào cảnh khốn cùng sau 6 tháng xung đột.

Người phát ngôn của Cơ quan Nhân quyền LHQ (OHCHR), Jeremy Laurence, nhận định: “Tình hình hiện nay thực sự đau lòng, nhưng có thể được ngăn ngừa và phải chấm dứt. Như chúng tôi đã nói trước đây, những gì mà người dân ở dải Gaza phải chịu đựng là tận cùng lương tâm”.

Trong bối cảnh đó, các nỗ lực cứu trợ vẫn gặp nhiều khó khăn bởi mức độ khốc liệt của xung đột, cũng như sự cản trở từ nhiều phía. Theo Chương trình Lương thực LHQ (WFP), lượng thực phẩm đưa vào Gaza chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu của người dân. Nghiêm trọng hơn, các nhân viên cứu trợ và nhân viên các tổ chức quốc tế cũng đã trở thành nạn nhân. Hơn 190 nhân viên cứu trợ nhân đạo đã thiệt mạng tại Gaza trong 6 tháng qua, mới nhất là sự việc hôm 02/04, khi 7 nhân viên của tổ chức phi chính phủ “Bếp ăn thế giới” (WCK) thiệt mạng sau 1 vụ không kích của quân đội Israel.

6 tháng xung đột Hamas – Israel - ảnh 2Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric - Ảnh: IRNA/TTXVN

Người phát ngôn LHQ, Stephane Dujarric, cho biết: “Nhiều tháng qua, các nhân viên cứu trợ nhân đạo luôn phải đối mặt với rủi ro. Vụ việc với WCK là minh chứng rõ ràng nhất cho những thách thức chết người mà các nhân viên này phải đối mặt hàng ngày tại Gaza, dù họ là nhân viên quốc tế hay phần lớn là người Palestine”.

Ngoại giao bế tắc

Bất chấp tình trạng nhân đạo tại Gaza xấu đi hằng ngày, những nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế để đạt được 1 lệnh ngừng bắn lâu dài giữa Israel và lực lượng Hamas vẫn không mang lại kết quả. Vòng đàm phán mới nhất, do Qatar, Ai Cập và Mỹ bảo trợ, kết thúc hôm 03/04 tại thủ đô Cairo (Ai Cập) mà không đạt được bất cứ tiến triển nào. Trên phạm vi toàn cầu, các quốc gia vẫn chia rẽ sâu sắc vì cuộc xung đột tại Gaza. Sự chia rẽ này thể hiện rõ nhất tại thiết chế đa phương quan trọng nhất là LHQ, khi mất gần 6 tháng và sau nhiều lần thất bại Hội đồng bảo an (HĐBA) LHQ mới có thể thông qua được Nghị quyết đầu tiên hôm 25/03, yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza. Tuy nhiên, việc gây sức ép để các bên thực thi Nghị quyết này vẫn là một thách thức lớn.

Theo giới quan sát, dù 1 lệnh ngừng bắn lâu dài, đi kèm với việc thả tự do ngay lập tức cho các con tin, là tương đối khó đạt được trong thời gian ngắn trước mắt nhưng các sức ép hiện nay có thể giúp cải thiện tình trạng nhân đạo tại Gaza. Đặc biệt, việc chính quyền Mỹ gia tăng quan điểm cứng rắn với Israel có thể buộc Israel chấp nhận một số nhượng bộ.

Hôm 04/04, Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken đã phát đi cảnh báo rõ ràng đến chính phủ của Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu: “Liên quan đến chính sách của chúng tôi tại Gaza, tôi muốn nói thế này: nếu chúng tôi không nhận thấy những thay đổi mà chúng tôi muốn thấy, thì chúng tôi sẽ thay đổi chính sách của mình”.

Trong lúc này, cùng với sự bế tắc ngoại giao, nguy cơ xung đột leo thang và lan rộng vẫn hiện hữu. Từ cuối năm ngoái, lực lượng Houthi ở Yemen đã tiến hành các cuộc tấn công vào tàu thuyền quân sự phương Tây và tàu thương mại ở Biển Đỏ nhằm trả đũa chiến dịch quân sự của Israel, gây ra sự đứt gãy đối với dòng chảy thương mại toàn cầu. Tại biên giới giữa Israel và Lebanon, các xung đột giữa quân đội Israel với lực lượng Hezbollah vẫn tiếp diễn. Nghiêm trọng hơn, việc Israel không kích vào các mục tiêu của Iran gần đây tại Syria thổi bùng nguy cơ về một sự đối đầu trực diện hơn giữa 2 cường quốc quân sự tại khu vực Trung Đông.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác