Bầu cử nghị viện châu Âu: những thách thức hiện hữu

(VOV5) - Dư luận hy vọng trong cuộc bầu cử lần này, cử tri châu Âu sẽ tích cực đi bầu, lựa chọn những ứng cử viên xứng đáng, cùng xốc lại đoàn kết trong EU.

Ngày mai, (23/5), liên minh châu Âu bước vào kỳ bầu cử quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của khối trong 5 năm tới, đó là bầu cử nghị viện châu Âu. Cử tri EU đang đứng trước một sự lựa chọn vô cùng quan trọng để xử lý hàng loạt thách thức từ vấn đề di cư cho tới thương mại nhằm bảo vệ sự thịnh vượng của khối này.

Bầu cử nghị viện châu Âu:  những thách thức hiện hữu - ảnh 1

Kết quả cuộc bầu cử EP sẽ có tác động rất quyết định tới bước phát triển tới đây của EU - Nguồn: Getty

Nghị viện Châu Âu (EP) là một trong những thể chế chính trị quan trọng của EU, được công dân EU bầu cử trực tiếp 5 năm một lần. Do được bầu cử theo chế độ phổ thông đầu phiếu, Nghị viện Châu Âu trở thành Nghị viện “siêu quốc gia” duy nhất trên thế giới được bầu cử trực tiếp bởi người dân.

Kỳ bầu cử nghị viện châu Âu năm 2019 diễn ra từ 23 - 26/5, tại các quốc gia thành viên. Người dân sẽ lựa chọn ra 751 đại biểu. Sau bầu cử, Nghị viện châu Âu mới sẽ bầu ra Chủ tịch Ủy ban châu Âu và bỏ phiếu về vấn đề ngân sách cho hoạt động của EU trong 5 năm tới. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh số lượng người dân đi bầu cử giảm dần qua từng mùa kể từ cuộc bầu cử đầu tiên năm 1979.

Thách thức chất chồng

Có thể nói chưa bao giờ bầu cử nghị viện Châu Âu lại diễn ra trong bối cảnh nhiều thách thức lớn đang bủa vây châu Âu như hiện nay: việc nước Anh sẽ chính thức rời khỏi EU; chủ nghĩa dân túy đang lên ngôi; sự rạn nứt ngày càng sâu sắc trong quan hệ với Mỹ; làn sóng di cư vẫn tiếp tục đổ vào Châu Âu; chủ nghĩa khủng bố vẫn đang rình dập...Trong đó, đáng chú ý nhất là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy. Thậm chí có thể khẳng định chưa bao giờ sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy lại đang đặt ra những thách thức lớn đối với sự gắn kết nội khối ở châu Âu như thời điểm hiện tại. Trong cuộc thăm dò trước bầu cử, gần 50% số người được hỏi bày tỏ lo ngại về sự trỗi dậy của xu hướng này. Điều này dựa trên thực tế là trong cuộc chạy đua năm nay, những thành phần dân túy phản đối sự hội nhập sâu rộng hơn của EU tiến hành các cuộc vận động rầm rộ. Các thành phần dân tộc chủ nghĩa, dân túy cánh hữu, bảo thủ và hoài nghi châu Âu đang mong muốn phá vỡ sự đoàn kết của Brussels. Vì vậy cho nên dù vẫn là những khối cử tri lớn nhất, song các nhóm trung hữu và trung tả thống trị chính trường liên Âu những năm gần đây dường như đang mất đi vị thế của mình. Trong khi đó, nếu các đảng phái cánh hữu, cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa trong Nghị viện châu Âu hợp sức thành liên minh mới, sẽ tác động tới định hướng lập pháp và hoạt động chung, và nguy cơ đối đầu ngay từ bên trong EU. Do đó, việc tìm ra những ứng cử viên cho các chức vụ hàng đầu EU có thể truyền cảm hứng khắp châu lục có quá nhiều quốc gia và nhóm ngôn ngữ này, đặc biệt trong bối cảnh sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân túy và hoài nghi châu Âu, là một vấn đề khó khăn và đầy thách thức mà châu Âu đang đối mặt.

Kêu gọi vì tương lai chung của châu Âu

Vì vậy, vài ngày trước khi 400 triệu cử tri tiềm năng của châu Âu được kêu gọi đi bỏ phiếu, các lãnh đạo của EU hy vọng sẽ thay đổi được số lượng cử tri vốn luôn ít ỏi đi bầu để tránh mở ra cánh cửa cho những thế lực hoài nghi châu Âu. Các nhà lãnh đạo 21 quốc gia thành viên EU ký Tuyên bố chung kêu gọi người dân tích cực tham gia cuộc bầu cử EP để thể hiện sự ủng hộ tiến trình tiếp tục hội nhập nhằm xây dựng một EU cường thịnh. Tuyên bố chung nhấn mạnh, hội nhập Châu Âu đã từng hiện thực hóa giấc mơ hòa bình hàng thế kỷ ở châu lục này sau khi chủ nghĩa dân tộc và các hệ tư tưởng cực đoan khác đã từng dẫn tới sự tàn phá và chết chóc trong hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ 20.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker thì nhận định rằng, EU hiện đang đứng trước những thách thức chưa từng có mà mức độ nghiêm trọng ngày một lớn. Để Châu Âu phát triển mạnh, các quốc gia thành viên của EU phải cùng nhau hành động. Trong bối cảnh đó chỉ có sự thống nhất mới có thể giúp EU tìm thấy sức mạnh cần thiết để bảo tồn, củng cố và phát huy ảnh hưởng trên toàn cầu.

Ở góc độ quốc gia, 3 ngày trước bầu cử, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của một Liên minh châu Âu (EU) mạnh mẽ và thống nhất. Ông kêu gọi người dân Đức tham gia cuộc bầu cử EP nhằm tăng cường và củng cố sức mạnh cho các lực lượng dân chủ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì khẳng định quyết tâm vận động bầu cử để bảo vệ sự tồn tại và tiến trình cải tổ EU. Tại Hà Lan, hưởng ứng lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo châu Âu, hai nghiệp đoàn giới chủ hàng đầu của nước này là VNO-NCW và MKB Nederland phát động chiến dịch thuyết phục cử tri đi bầu trong cuộc bầu cử EP với thông điệp người dân Hà Lan cần suy nghĩ và hành động nhằm hướng về một Châu Âu hội nhập sâu hơn.

Nghị viện Châu Âu (EP) là một trong những thể chế chính trị quan trọng của EU. Cùng với Hội đồng Bộ trưởng và Ủy ban Châu Âu, Nghị viện châu Âu tham gia vào quá trình lập pháp của Liên minh, quyết định nhiều định hướng phát triển quan trọng của khối. Dư luận hy vọng trong cuộc bầu cử lần này, cử tri châu Âu sẽ tích cực đi bầu, lựa chọn những ứng cử viên xứng đáng, cùng xốc lại đoàn kết trong EU.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác