Cách mạng tháng Tám và bài học trong thời kỳ hội nhập

(VOV5) - Bài học về nắm bắt thời cơ của Cách mạng Tháng Tám luôn được vận dụng trong từng chặng đường hội nhập của Việt Nam.

Thành công của cách mạng tháng Tám cách đây 75 năm (19/08/1945 -19/08/2020) không chỉ đưa dân tộc Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước mà còn để lại nhiều bài học ý nghĩa cho quá trình xây dựng, phát triển đất nước sau này, nhất là bài học nắm bắt thời cơ trong thời kỳ hội nhập.

Cách mạng tháng Tám và bài học trong thời kỳ hội  nhập - ảnh 1Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. -  Ảnh tư liệu 

Thắng lợi to lớn của Cách mạng tháng Tám năm 1945 để lại cho các thế hệ sau nhiều bài học quý, trong đó bài học về nắm và tận dụng thời cơ cách mạng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhân tố quyết định để giành thắng lợi.

Nắm thời cơ để nâng cao vị thế quốc tế

Theo ông Vũ Quang Vinh, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong cách mạng tháng Tám, Đảng cộng sản Việt Nam đã chủ động tạo ra thời cơ và nắm bắt thời cơ kịp thời, lãnh đạo toàn dân nổi dậy tổng khởi nghĩa tháng Tám, giành chính quyền. Trong quá trình thực hiện luôn phải theo dõi quan sát tình hình chung trong nước và thế giới. Nếu diễn ra trong điều kiện và thời cơ chưa đến thì cũng không thể giành chiến thắng.

Vận dụng bài học về nắm và tận dụng thời cơ Cách mạng tháng Tám trong điều kiện hiện nay, Đảng cộng sản Việt Nam đã nghiên cứu, phân tích và nhận định, vấn đề hội nhập, toàn cầu hóa là một xu thế phát triển tất yếu của thế giới, là thời cơ tốt nhất để đưa đất nước phát triển toàn diện theo hướng hiện đại.

Trên tinh thần đó, Việt Nam đã xác lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả 5 quốc gia thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ). Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ ngoại giao gần 200 quốc gia với nhiều cấp độ khác nhau. Việt Nam đã đảm nhiệm thành công cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và là Chủ tịch ASEAN năm 2010, là địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm đồng thời 2 vai trò Uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm  kỳ 2020 - 2021 và Chủ tịch ASEAN 2020. Đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam thể hiện vị thế của mình trên trường quốc tế.

Đại sứ Ngô Quang Xuân, Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc nhiệm kỳ 1993 - 1999 và các tổ chức quốc tế tại Geneva từ năm 2002 - 2008 cho rằng: “Chúng ta đang thực hiện sự nghiệp đổi mới một cách thành công và có thể nói là chúng ta cũng đang thể hiện vai trò không chỉ là tham gia bình thường mà chủ động và dẫn dắt như nhiều Nghị quyết của Trung ương Đảng CSVN đã đề cập, Quốc hội cũng đề cập, Bộ Ngoại giao càng nhấn mạnh. Do đó, chúng ta thấy rằng, vinh dự rất lớn mà khu vực ASEAN và cộng đồng quốc tế là LHQ đã trao cho chúng ta. Tôi nghĩ rằng việc chúng ta làm một vai trò kép trong năm 2020 đã nâng tầm vóc, nâng uy thế của Việt Nam, nâng độ tin cậy của khu vực và quốc tế đối với Việt Nam.”

Nắm thời cơ để thúc đẩy hội nhập kinh tế

Tận dụng cơ hội của nền chính trị ổn định, quan hệ đối ngoại rộng mở, Việt Nam không ngừng đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Hiện, Việt Nam đã tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tham gia thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng ASEAN... Cùng với đó, Việt Nam đã tạo mối quan hệ thương mại rộng rãi với nhiều tổ chức quốc tế.  Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng góp phần đưa Việt Nam trở thành một “mắt xích” quan trọng trong mạng lưới các liên kết kinh tế với các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Đặc biệt 2 năm gần đây, Việt Nam đã gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) (2018) và mới đây nhất là ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA; 2020).

Cách mạng tháng Tám và bài học trong thời kỳ hội  nhập - ảnh 2: Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng. Nguồn: moit.gov.vn 

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhận định: “Hiệp định sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các đối tác, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, tiên quyết vẫn phải là nội lực doanh nghiệp và quyết tâm đổi mới doanh nghiệp. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy tiếp cận toàn cầu, nỗ lực chủ động nâng cao năng lực sản xuất nội tại và khả năng tham gia thương mại quốc tế để tận dụng những lợi thế mà Hiệp định đem lại phát triển trên thị trường.”

Trong chặng đường phát triển trước mắt, Việt Nam có cả thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen. Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đang diễn ra là một thí dụ cụ thể. Nhưng người dân Việt Nam vẫn tin rằng, bài học về nắm bắt thời cơ của Cách mạng Tháng Tám luôn được vận dụng trong từng chặng đường hội nhập của Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác