Chăm lo Tết cho đối tượng yếu thế: Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước

(VOV5) - Chợ Tết nhân ái, Chợ Tết 0 đồng là 1 trong số nhiều trong phong trào Tết Nhân ái - Xuân 2025 do Hội Chữ Thập đỏ tổ chức.

Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, cả hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương cùng chung tay chăm lo Tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là hành động thiết thực nhằm triển khai chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam: “không để ai không có Tết”, “không có ai bị bỏ lại phía sau”, qua đó, góp phần mang đến cái Tết ấm áp, nghĩa tình cho những người kém may mắn, tạo động lực giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Chăm lo Tết cho đối tượng yếu thế: Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước - ảnh 1 Phong trào “Tết nhân ái” Xuân Ất Tỵ năm 2025 tại Đắk Lắk. Ảnh: VOV

Chăm lo Tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn là đạo lý nhân văn sâu sắc của dân tộc Việt Nam. Để đảm bảo mọi người dân đều được đón Tết, vui Xuân, Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm lo thiết thực. 

Mọi người, mọi nhà đều có Tết

Trước thềm Tết Nguyên đán, các phiên chợ Tết Nhân ái đã được Hội Chữ Thập đỏ các cấp, từ trung ương tới địa phương, triển khai với sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và toàn xã hội. Hàng trăm mặt hàng, nhu yếu phẩm phục vụ Tết, quà Tết, phiếu mua hàng 0 đồng… được trao tận tay những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế khác. Các phiên chợ đã giúp lan tỏa tinh thần cộng đồng, tương thân, tương ái, mang đến thêm niềm vui cho mọi người trong dịp Tết.         

Chợ Tết nhân ái, Chợ Tết 0 đồng là 1 trong số nhiều trong phong trào Tết Nhân ái - Xuân 2025 do Hội Chữ Thập đỏ tổ chức, nhằm chăm lo, hỗ trợ 1,2 triệu người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thưởng trong dịp Tết Nguyên đán Xuân Ất Tỵ 2025. Bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi thực hiện phương châm làm sao hỗ trợ được cho những người nghèo, người khó khăn với mong muốn những nhu cầu thực tế của họ. Phong trào Tết Nhân ái được tổ chức với rất nhiều hoạt động. Người dân không chỉ đến để nhận quà, mà điều quan trọng là tạo ra không khí Tết. Ở đó, những người khó khăn có thể cảm nhận được hương vị Tết đủ đầy cả về vật chất, tinh thần và sự chăm lo của xã hội.?

Cùng với Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, dịp Tết Nguyên đán, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động các cấp cũng tổ chức tổ chức chuỗi hoạt động chăm lo về vật chất và tinh thần cho đoàn viên, người lao động, nhất là những người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Năm nay, các hoạt động hướng tới chủ đề “Tết sum vầy – Xuân ơn Đảng”, với phương châm tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết, như: Chợ Tết công đoàn; Chương trình “Chuyến tàu Công đoàn - Xuân 2025”; Chương trình “Chuyến bay Công đoàn - Xuân 2025”…

Phát huy sức mạnh của cả hệ thống trong chăm lo Tết cho đối tượng yếu thế

Thực hiện tốt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, đồng bào các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, công nhân, người lao động, người bị mất việc làm... bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui xuân, đón Tết. Đây là nội đung dược đề cập đầu tiên trong Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025. Cùng với đó, trong các buổi thăm, tặng quà Tết tại các địa phương, lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn khẳng định chủ trương nhất quán: không để ai không có Tết và không có ai bị bỏ lại phía sau. Tới thăm, chúc Tết chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang, Chủ tịch nước  Lương Cường nhấn mạnh: “Tập trung quán triệt thực hiện tốt Chỉ thị 40, ngày 11/12/2024, của Ban Bí thư, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các ngành về chăm lo Tết Ất Tỵ 2025, đảm bảo nhà nhà có Tết, không ai bị bỏ lại phía sau. Cùng với đó, tổ chức tốt các hoạt động thăm hỏi, vui xuân, đón Tết chu đáo, an toàn, ý nghĩa thiết thực.”

Chăm lo Tết cho đối tượng yếu thế: Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước - ảnh 2Hoạt động “Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình” do Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Ảnh: VOV

Các chủ trương, chính sách về chăm lo Tết cho nhân dân đều cho thấy đối tượng yếu thế luôn là 1 trong những mối quan tâm và ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước. Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết: “Với đối tượng bảo trợ xã hội và người nghèo, phần lớn các địa phương có kế hoạch chăm lo Tết và mức quà trung bình 300.000 đồng/hộ (khoảng 11,8 USD); thành phố Hồ Chí Minh có mức 1,15 triệu đồng/hộ (hơn 45 USD) và nhiều tỉnh, thành phố thì cũng có mức cao hơn mức trung bình. Về gạo, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất cấp 7.500 tấn gạo để hỗ trợ cho khoảng gần 500.000 dân, những người gặp khó khăn do thiên tai, lũ lụt và đồng bào dân tộc hộ nghèo cận nghèo. Tổng mức chi cho bảo đảm an sinh xã hội dịp Tết ước tính hàng năm khoảng 10 nghìn tỷ đồng (hơn 393,8 triệu USD).”

Việc thăm hỏi, động viên, và những món quà nghĩa tình trước thềm năm mới được trao tận tay hộ nghèo, các gia đình chính sách, người có công, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không chỉ thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng mà còn thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Điều này cũng cho thấy các chủ trương, chính sách đảm bảo an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước đã và đang được thực hiện có hiệu quả, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo động lực giúp các hộ nghèo, gia đình chính sách từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác