Thông điệp, tầm nhìn của Việt Nam về đổi mới sáng tạo

(VOV5) - Thông điệp của Thủ tướng tại phiên đối thoại chính sách góp phần lan tỏa tầm nhìn và triển vọng phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới tới cộng đồng quốc tế.

Tại Phiên Đối thoại chính sách đặc biệt trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới Davos lần thứ 55, đang diễn ra tại Thụy Sỹ, chiều 21/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã truyền tải mạnh mẽ thông điệp, quan điểm của Việt Nam về đổi mới sáng tạo. Thủ tướng nhận định kỷ nguyên thông minh phải đi đôi với phát triển trí tuệ thông minh, cơ sở dữ liệu. Sự thành công của phiên đối thoại góp phần lan tỏa tầm nhìn và triển vọng phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Thông điệp, tầm nhìn của Việt Nam về đổi mới sáng tạo - ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu, đối thoại tại Phiên Đối thoại chính sách đặc biệt “Bứt phá tới tương lai: Tầm nhìn của Việt Nam về đổi mới sáng tạo và vai trò toàn cầu” trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới Davos năm 2025 - Ảnh: VOV

Tại Phiên Đối thoại chính sách đặc biệt trong khuôn khổ WEF 55, Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực phát triển hạ tầng thông minh, dự kiến hoàn thành xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia trong tháng 6 năm nay.

Kỷ nguyên thông minh phải đi đôi với phát triển trí tuệ thông minh

Theo Thủ tướng, Việt Nam sẽ nắm bắt cơ hội trong kỷ nguyên thông minh để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trở thành nguồn lực, đưa kinh tế Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.

Thủ tướng cho rằng kỷ nguyên thông minh là một kỷ nguyên mà chính trị ổn định, không có chiến tranh; kinh tế phát triển nhanh nhưng phải bền vững, môi trường phải được bảo đảm và không ai bị bỏ lại phía sau. Đặc biệt, kỷ nguyên thông minh phải đi đôi với phát triển trí tuệ thông minh, cơ sở dữ liệu.

Để chuẩn bị cho kỷ nguyên thông minh, Thủ tướng cho biết Việt Nam chủ trương thúc đẩy hoàn thiện thể chế, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể phát triển bình đẳng trong nền kinh tế nhiều thành phần, xác định phát triển trí tuệ nhân tạo Việt Nam phải dựa trên cơ sở dữ liệu của Việt Nam.

Theo đó, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (ban hành ngày 22/12/2024) sẽ tạo cú hích mạnh mẽ cho đầu tư vào nghiên cứu phát triển của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng chú trọng đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ nhằm tạo khuôn khổ pháp lý bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ.

Thông điệp, tầm nhìn của Việt Nam về đổi mới sáng tạo - ảnh 2Ảnh minh họa

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực thúc đẩy đầu tư, huy động nguồn lực xã hội, doanh nghiệp cho phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng thông minh, dự kiến hoàn thành xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia trong tháng 6 năm nay.

Việt Nam cũng xác định sẽ phát triển trí tuệ nhân tạo dựa trên cơ sở dữ liệu trong nước, từ đó nỗ lực thúc đẩy đầu tư và huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng. 

Mặc dù là đất nước có xuất phát điểm thấp, có nền kinh tế đang chuyển đổi nhưng Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết với nhiều nỗ lực, Việt Nam đã trở thành đối tác quan trọng về hợp tác nghiên cứu và phát triển, là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu, như: Samsung, NVIDIA…

Góp phần giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã thể hiện cho các nhà kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp thế giới thấy những đóng góp đáng kể của Việt Nam trong việc giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu. Thủ tướng nhấn mạnh là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, Việt Nam cam kết mạnh mẽ đưa phát thải ròng về 0 và nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi xanh, sản xuất xanh. Thủ tướng dẫn chứng một số ví dụ cụ thể, có ý nghĩa lan tỏa như việc phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp để vừa đóng góp bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, vừa thúc đẩy tăng trưởng xanh. Riêng về lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đang tăng tốc, nỗ lực hoàn thiện thể chế nhằm khơi thông nguồn lực cho phát triển năng lượng tái tạo, bắt đầu khởi động dự án điện hạt nhân để bảo đảm nguồn cung năng lượng sạch cho phát triển đất nước. Những thông điệp của Thủ tướng tại đối thoại là minh chứng cho lời khẳng định của Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Minh Hằng trước thềm chuyến công tác rằng: "Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng đinh vai trò là một đối tác tin cậy, một thành viên tích cực, có trách nhiệm và đầy tiềm năng của cộng đồng quốc tế trong kỷ nguyên thông minh, hướng tới một tương lai thịnh vượng và bền vững cho nhân loại".

Thông điệp của Thủ tướng tại phiên đối thoại chính sách góp phần lan tỏa tầm nhìn và triển vọng phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới tới cộng đồng quốc tế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác