(VOV5) - Sự thành công của Diễn đàn đã góp phần khẳng định những đóng góp của Việt Nam trong phát triển nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hôm qua (21/01), Diễn đàn Nghị viện Hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức tại thành phố Cần Thơ đã ra Tuyên bố Cần Thơ.
Tuyên bố thể hiện sự quyết tâm, đồng thuận cao và cam kết mạnh mẽ của các nghị sĩ cộng đồng Pháp ngữ, trong đó có Việt Nam, trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và chung tay giải quyết các vấn đề, thách thức toàn cầu.
Quang cảnh phiên bế mạc Diễn đàn nghị viện với chủ đề Hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu. Ảnh: quochoi.vn |
Sự thành công của Diễn đàn đã góp phần khẳng định những đóng góp của Việt Nam trong phát triển nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu trong khối các quốc gia Pháp ngữ.
Diễn đàn Nghị viện Hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu do Việt Nam đăng cai tổ chức nhằm triển khai cụ thể cam kết của Việt Nam về thúc đẩy chủ nghĩa đa phương để giải quyết các vấn đề mang tầm khu vực và toàn cầu, tăng cường hợp tác kinh tế và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gắn với bảo vệ môi trường của các quốc gia trong cộng đồng Pháp ngữ.
Những thành tựu đáng ghi nhận
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ghi nhận mức kỷ lục 786 tỷ USD, trong đó có hơn 62 tỷ USD từ ngành nông nghiệp. Tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Vai trò, vị thế của nông nghiệp ngày càng được khẳng định. Đảng, Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của ngành nông nghiệp trong thành tích chung của cả nước."
Trong năm 2024, Việt Nam đã triển khai đề án “phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030". Đây là Đề án đầu tiên trên thế giới về sản xuất 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp ở quy mô cấp Chính phủ, nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đối tác quốc tế. Thời gian vừa qua, Chính phủ, các Bộ ngành đã nỗ lực cùng 12 địa phương vùng ĐBSCL triển khai thực hiện Đề án và đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, 1 trong những địa phương triển khai Đề án, cho biết: "Đề án này không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho người nông dân trồng lúa mà còn đóng góp vào mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính và nâng cao giá trị chuỗi cung ứng bền vững. Chúng tôi đề ra mục tiêu đến năm 2025 triển khai thực hiện Đề án trên qui mô diện tích 128.000ha tập trung vào vùng diện tích đã triển khai Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững (VnSAT)."
Trong khi đó, về ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia trên thế giới cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam đang theo đuổi chiến lược tăng trưởng xanh. Chính phủ đã đưa ra những chính sách và chiến lược rõ ràng. Theo kết quả khảo sát mới đây của Gallup, công ty phân tích và tư vấn hàng đầu của Mỹ, Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới về khả năng sẵn sàng ứng phó với thiên tai. Theo đó, tỷ lệ hộ gia đình sẵn sàng ứng phó thiên tai của Việt Nam đạt 83%, cao hơn nhiều so với chỉ số trung bình trên thế giới là 35%. Theo Gallup, sự sẵn sàng này đến từ việc Việt Nam trong khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, có mức độ phục hồi cao và đầu tư vào việc quản lý rủi ro thiên tai. Vì vậy, Việt Nam có thể trở thành hình mẫu cho các quốc gia chịu rủi ro trước biến đổi khí hậu.
Việt Nam khẳng định các cam kết về phát triển bền vững
Nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu vấn đề thời sự nóng và là những thách thức toàn cầu. Đây cũng là mối quan tâm hàng đầu của Cộng đồng Pháp ngữ cũng như các quốc gia thành viên của Cộng đồng, trong đó có Việt Nam.
Tiếp nối những thành công của các hoạt động đa phương liên nghị viện cấp cao do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức gần đây, Diễn đàn Nghị viện Hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu lần này cho thấy sự ưu tiên, quan tâm và tham gia của Việt Nam đối với các vấn đề chung của khu vực và toàn cầu; sự đoàn kết, đồng hành vì sự phát triển của Cộng đồng Pháp ngữ và các quốc gia thành viên.
Tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác Pháp ngữ thông qua khuyến khích, ủng hộ các hoạt động hợp tác về khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy kinh tế số, khởi nghiệp, thúc đẩy đối tác công - tư; quảng bá tiếng Pháp, thúc đẩy đa dạng văn hóa; và nhấn mạnh quyết tâm của các nước Pháp ngữ trong việc thực hiện phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa giữa nỗ lực tăng trưởng, xóa đói nghèo và bảo vệ môi trường: "Trên tinh thần đó, Quốc hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn này nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa các nước trong cộng đồng Pháp ngữ để xây dựng nền nông nghiệp bền vững, đảm bảo sinh kế cho mỗi hộ gia đình và an ninh lương thực cho mỗi quốc gia, đi đôi với việc ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Với chức năng và vai trò từ vị thế của cơ quan lập pháp, các nghị viện và cá nhân các nghị sĩ đóng vai trò hết sức quan trọng để thúc đẩy và giám sát việc thực hiện các mục tiêu này."
Diễn đàn cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác Pháp ngữ về các vấn đề quan trọng liên quan tới phát triển bền vững, bao gồm đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.