Châu Âu năm 2013: Kinh tế dần phục hồi, chính trị chưa ổn định

(VOV5) - Không thể phủ nhận năm 2013 châu Âu đã nỗ lực để vượt qua những khó khăn do khủng hoảng kinh tế gây ra. Về tổng thể, nhận thức quan trọng nhất mà nhiều nước châu Âu đạt được trong năm 2013 đó là chính sách thắt lưng buộc bụng không còn được xem lối thoát duy nhất. Nhiều nước đã bắt đầu chấp nhận rủi ro về ngân sách để đi tìm lại đà tăng trưởng, mở ra những hướng đi mới trong việc chống lại khủng hoảng. Tuy nhiên, những nỗ lực này là chưa đủ và đã ảnh hưởng không nhỏ tới những quyết sách của nhiều nước trong khu vực cũng như tác động tiêu cực tới chính sách đối ngoại của Liên minh này.

Châu Âu năm 2013: Kinh tế dần phục hồi, chính trị chưa ổn định - ảnh 1
Dư luận đang kỳ vọng vào sự bứt phá của nền kinh tế EU trong năm 2014. Ảnh: Internet


Theo thống kê, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn liên minh châu Âu  tăng khoảng 1,1% (quý II-2013) so với cùng kỳ năm 2012. Niềm tin của người tiêu dùng và các doanh nghiệp ở 17 quốc gia khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng từ mức (-17,4 điểm) tháng 8-2013 lên (-5,6 điểm). Đức và Pháp, hai nền kinh tế lớn nhất EU đang dẫn đầu về mức tăng trưởng.

Thực hiện nhiều cải cách lớn trong lĩnh vực kinh tế

Năm 2013 chưa phải là năm mà khu vực châu Âu thoát được ra khỏi khủng hoảng nhưng đây là năm mà châu Âu thực hiện nhiều cải cách lớn , những biện pháp quyết liệt như đẩy mạnh  thành lập liên minh ngân hàng, nỗ lực chống trốn thuế, tập trung tạo việc làm cho lao động trẻ… Hiệu quả của những chính sách này chưa thể nhìn thấy ngay lập tức nhưng theo nhiều chuyên gia, chúng sẽ có tác động kể từ năm 2014.

Nếu nhìn vào các con số tăng trưởng thì có thể thấy là năm 2013, mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng đã chững lại. Hai nền kinh tế đầu tàu là Đức và Pháp vẫn trụ vững, nhất là kinh tế Đức. Các nền kinh tế từng rất lao đao như Tây Ban Nha, Italy, Hy Lạp.. cũng được cho là đã qua thời điểm nguy kịch nhất. Tất nhiên, mọi việc vẫn còn rất khó khăn, nhất là cuộc chiến chống thất nghiệp. Về tổng thể, nhận thức quan trọng nhất mà nhiều nước châu Âu đạt được trong năm 2013đó là thắt lưng buộc bụng không còn được xem lối thoát duy nhất. Nhiều nước đã bắt đầu chấp nhận rủi ro về ngân sách để đi tìm lại đà tăng trưởng, mở ra những hướng đi mới trong việc chống lại khủng hoảng.

Chính sách đối ngoại, sự ổn định chính trị bị ảnh hưởng

Khủng hoảng kinh tế đã tác động tiêu cực đến các chính sách đối ngoại chung của EU trong năm 2013. Vì khủng hoảng, các quốc gia phải tập trung mọi nguồn lực lo cho vấn đề kinh tế, không còn đủ sức bao quát mọi vấn đề lớn. Vì khủng hoảng, xu hướng dân tộc chủ nghĩa trong các quốc gia trỗi dậy, ở một số nước, như Pháp là sự thăng tiến của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia vốn có chính sách bài châu Âu, ở Đức là những tranh cãi về trách nhiệm của nước Đức trong việc giúp đỡ các thành viên khác đang khủng hoảng… Nói chung, kinh tế yếu kém khiến sự đoàn kết của EU bị ảnh hưởng và bản thân sức hút của EU cũng bị ảnh hưởng. Điều này được thấy rõ nhất trong thất bại của Hội nghị ở Vilnius vừa diễn ra cách đây không lâu, trong đó các nước Đông Âu mà EU có ý định thu hút, đặc biệt là Ukraine, đã từ chối ký thỏa thuận gia nhập khối. Cho đến thời điểm này, những diễn biến ở Ukraina cho thấy các bước đi của EU về phía Đông không được thuận lợi khi nước Nga kiên quyết không từ bỏ vùng ảnh hưởng của mình. Nói chung là EU đang thiếu tiềm lực về kinh tế và hiện đang bế tắc trong chính sách này.

Không chỉ vậy, chính sách thắt lưng buộc bụng đã khiến châu Âu rơi vào một cuộc suy thoái mới. Theo thống kê, hiện có 27 triệu công nhân thất nghiệp và các quốc gia như Tây Ban Nha, Hy Lạp phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp là 27% (bằng với tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong thời kỳ Đại suy thoái). Các nền kinh tế châu Âu rơi vào một vòng luẩn quẩn. Chính sách thắt lưng buộc bụnglàm cho tiêu chuẩn sống của khu vực bị sụt giảm, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao và gây ra những cuộc biểu tình phản đối của quần chúng.

Tiếp tục ưu tiên khôi phục kinh tế trong 2 năm tới

Theo các dự báo lạc quan nhất của IMF hay ECB, sự phục hồi đồng loạt của các nền kinh tế châu Âu có thể đến từ cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015. Tất nhiên đó chỉ là dự báo, để thành hiện thực thì các nước EU vẫn còn vô vàn khó khăn phải vượt qua.  Nền tảng thành công của EU là sự thành công trong liên kết kinh tế nên nếu kinh tế không khởi sắc, nguy cơ tan vỡ các thành quả mất mấy thập kỷ qua mới tạo dựng được là điều có thể đến. Đơn cử, nếu kinh tế vẫn khủng hoảng liên miên thì các chính phủ sẽ đổ vỡ, các đảng cực hữu, dân túy sẽ lên nắm quyền và chuyện một vài nước thành viên tuyên bố rời EU, rời eurozone là nguy cơ hiện hữu. Vì thế, muốn làm gì thì làm, với EU, việc tiếp tục cải cách để tìm lại tăng trưởng kinh tế là ưu tiên sống còn. Dư luận sẽ sớm được chứng kiến những thay đổi lớn của EU ngay từ đầu năm 2014 khi tháng 5/2014, 390 triệu cử tri châu Âu sẽ đi bỏ phiếu bầu Nghị viện châu Âu mới. Cuộc bầu cử này sẽ quyết định đến diện mạo và tương lai của Liên minh châu Âu.

Cùng với thực thi chính sách tăng trưởng kinh tế, năm 2014 Châu Âu cũng cần củng cố lại niềm tin của người dân. Những nỗ lực này sẽ mất khá nhiều thời gian bởi các quốc gia trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang phải cố gắng để có được những đồng thuận về chính trị và tài chính./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác