Đê biển trong chiến lược phát triển quốc gia

(VOV5) - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác Trung ương gồm lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan vừa thực hiện chuyến công tác khảo sát thực tế tuyến đê biển thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và giao nhiệm vụ phát triển tuyến đê biển vùng đồng bằng sông Cửu Long cho các ban, ngành liên quan và các địa phương trong vùng. Phát triển tuyến đê biển vùng đồng bằng sông Cửu Long là việc tiếp theo trong chương trình xây dựng tuyến đê biển để chống biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế biển ở tất cả các tỉnh, thành ven biển của Việt Nam.

Đê biển trong chiến lược phát triển quốc gia - ảnh 1
Chủ tịch nước Trương Tân Sang thị sát kiểm tra đê biển


Việt Nam có trên 3.260 km chiều dài bờ biển. Trước những thách thức về nguy cơ nước biển dâng do biến đổi khí hậu toàn cầu, đồng thời nâng cao hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển các tỉnh, từ năm 2006, Chính phủ đã phê duyệt chương trình nâng cấp đê biển từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Quảng Nam. Sau 5 năm thực hiện, đến nay  13 tỉnh thành tham gia chương trình đã củng cố và nâng cấp được 272 km đê biển; cải tạo và xây mới 42 cống; trồng được 132 ha cây chắn sóng.


Chỉ riêng tỉnh Hà Tĩnh, địa phương tham gia chương trình nâng cấp đê biển đã củng cố được 100km đê biển. Ông Bùi Lê Bắc, Chi cục trưởng Chi cục quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh khẳng định kết quả này là tài sản vô giá vì vùng ven biển Hà Tĩnh có nhiều cửa sông, nhiều bão, triều dâng và chính tuyến đê biển này đã giúp bảo vệ ngư dân và phát triển kinh tế vùng ven biển rất hiệu quả. Ông cho biết: “Hệ thống đê biển của Hà Tĩnh có khoảng 200 km, trước đây chủ yếu đắp bằng phương pháp thủ công, nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cũng có củng cố hằng năm nhưng hiệu quả cũng không cao. Khi tuyến đê biển được nâng cấp từ năm 2006 đến nay theo chương trình 58 thì rõ ràng mang lại hiệu quả thiết thực. Theo tôi, khoảng 120 nghìn dân của các xã ven biển Hà Tĩnh cơ bản được bảo vệ. Hệ thống nuôi trồng thuỷ sản là một mũi nhọn kinh tế của Hà Tĩnh cũng được phát huy. Ngoài ra kinh tế du lịch cũng khởi sắc. Rõ ràng là hệ thống đê biển này mang lại nhiều lợi ích, trong đó đặc biệt là nâng cao đời sống nhân dân trong vùng bãi ngang và giải quyết đi lại, giao thông trong vùng”.

Đê biển trong chiến lược phát triển quốc gia - ảnh 2
Nhiều công trình đê biển được xây mới và kiên cố hóa trong chương trình xây dựng nông thôn mới (Ảnh: Interrnet)


Đối với các địa phương phía Nam có bờ biển, sau 3 năm triển khai chương trình xây dựng, nâng cấp đê biển thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu long, các tỉnh ven biển Tây Nam bộ gồm Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đã có nhiều sáng tạo, vượt qua những khó khăn về điều kiện tự nhiên không thuận lợi, hoàn thành nhiều công trình kiên cố vững chãi ven biển, trong đó có đê biển. Đến nay, các tỉnh đã hoàn thành 6 dự án đắp đê, làm kè, xây cống; đang thi công 7 dự án và chuẩn bị khởi công 13 dự án. Việc triển khai dự án, trong đó điển hình là đê biển Gò Công (Tiền Giang), Giồng Bàng (Trà Vinh); đê biển các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang… bước đầu đã mang lại hiệu quả trong việc ngăn chặn tác động xấu từ biển, từng bước bảo đảm an toàn dân sinh, ổn định sản xuất, phát triển nuôi trồng thuỷ sản của các địa phương trong vùng…


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong chuyến thị sát tuyến đê biển vùng đồng bằng sông Cửu long, ngày 7/4 vừa qua,  nhấn mạnh: “Trong thời gian qua, chúng ta đã có nhiều cố gắng giữ hệ sinh thái rừng ngập mặn bảo vệ tuyến đê biển. Chuyện nuôi trồng thuỷ sản để phát triển đời sống thì Trung ương rất hoan nghênh rồi và không có gì phải bàn. Nhưng phải hết sức bảo vệ, giữ cho được rừng ngập mặn ven biển vì đó là rừng phòng hộ, bảo vệ chu đáo cho tuyến đê biển mà trong tương lai không xa, chúng ta phải có để chúng ta giữ trọn vẹn vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như đồng bằng sông Hồng không bị mất đất do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.”

Đê biển trong chiến lược phát triển quốc gia - ảnh 3
Gia cố đê biển (Ảnh: Interrnet)


Trong chiến lược phát triển 5 tuyến giao thông quan trọng của VN gồm tuyến đường cao tốc Bắc Nam, tuyến quốc lộ 1A, tuyến đường tuần tra biên giới, tuyến đường ven biển và tuyến đê biển, thì tuyến đê biển có vai trò quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam là một trong các nước chịu tác động mạnh của nước biển dâng. Chính vì vậy, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong chuyến thị sát tuyến đê biển vùng đồng bằng sông Cửu Long cho rằng các bộ, ngành của VN cần tiếp tục nghiên cứu tìm ra những giải pháp phù hợp thực tế địa phương để phát triển tuyến đê biển nhằm hạn chế sự tác động từ biển, bảo vệ dân sinh, môi trường và tạo nên hệ thống giao thông liền mạch. Đây là một trong các giải pháp quan trọng cần thực hiện đồng bộ trong việc thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm: xây dựng kinh tế gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam./.

Phản hồi

Các tin/bài khác