EU - Trung Quốc nỗ lực hợp tác thương mại cân bằng

(VOV5) - “Đối thoại Kinh tế và Thương mại Cấp cao” giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Trung Quốc, diễn ra hôm qua (25/9), tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Trong bối cảnh mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên đang gặp nhiều trắc trở, cuộc đối thoại nhằm định vị quan hệ đối tác chiến lược song phương, hạ nhiệt những căng thẳng thương mại thời gian gần đây và thúc đẩy mối quan hệ này trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (He Lifeng) và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis chủ trì cuộc đối thoại. Hai bên nhất trí cho rằng tăng cường đối thoại song phương là bước đi quan trọng để cải thiện quan hệ EU - Trung Quốc.  

EU - Trung Quốc nỗ lực hợp tác thương mại cân bằng - ảnh 1Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Ủy viên Thương mại của Liên minh châu Âu (EU) Valdis Dombrovskis và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong tại cuộc họp báo chung sau Đối thoại Kinh tế và Thương mại Cấp cao Trung Quốc-EU lần thứ 10. Ảnh: Reuters/Florence Lo

Gia tăng căng thẳng liên quan đến vấn đề xe điện

Quan hệ Trung Quốc-EU thời gian gần đây gặp nhiều khúc mắc trong nhiều vấn đề dẫn đến các quyết định trừng phạt qua lại lẫn nhau. Cuộc điều tra mới nhất của EU về làn sóng xe điện (EV) giá rẻ của Trung Quốc tại thị trường của khối này đã và đang châm ngòi cho những căng thẳng mới trong quan hệ thương mại giữa hai bên.

Ngày 13/9 vừa qua, Uỷ ban châu Âu (EC) đã mở một cuộc điều tra về việc xe điện do Trung Quốc sản xuất, đồng thời đang cân nhắc khả năng áp dụng thuế trừng phạt để bảo vệ các nhà sản xuất EU. Hành động của EU được cho là để đối phó với sự gia tăng nhanh chóng trong việc nhập khẩu ô tô điện Trung Quốc. Dù mới gia nhập thị trường, nhưng các thương hiệu Trung Quốc đã chiếm được 8% thị phần ở châu lục. Theo EC, giá xe điện của Trung Quốc thường thấp hơn 20% so với các mẫu xe do EU sản xuất. Bởi vậy, thị phần của xe điện Trung Quốc tại đây được dự báo có thể tăng gấp đôi trong vòng vài năm tới. Điều này đã dẫn tới nỗi lo doanh thu của các nhà sản xuất ô tô điện của châu Âu sớm bị sụt giảm.

Bộ Thương mại Trung Quốc ngay lập tức cảnh báo cuộc điều tra là một hành động bảo hộ, gây tác động tiêu cực đến quan hệ thương mại Trung Quốc - EU. Các nhà phân tích nhận định rằng bất kỳ mức thuế nào mà EU áp dụng đối với xe điện Trung Quốc đều có thể dẫn đến hành động trả đũa từ Bắc Kinh. Một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện Trung Quốc có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại giữa EU với Bắc Kinh.

Trong khi đó, quan hệ kinh tế EU-Trung Quốc đang có sự mất cân bằng khi kim ngạch thương mại song phương, dù đạt kỷ lục vào năm ngoái (hơn 923 tỷ USD), mức cao nhất từ trước tới nay, song EU ghi nhận thâm hụt thương mại gần 427 tỷ USD. Phía EU cho rằng con số thâm hụt thương mại này một phần là do các hạn chế của Trung Quốc đối với các công ty châu Âu. Các rào cản tiếp cận thị trường đã đẩy thâm hụt thương mại EU với Trung Quốc lên mức cao nhất trong lịch sử.

Xu hướng cùng hợp tác và mối quan hệ khó tách rời

Trong bối cảnh đó, nhu cầu ổn định mối quan hệ, thúc đẩy hợp tác thương mại cân bằng là thông điệp chính mà Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Ủy viên Thương mại EU, Valdis Dombrovskis, mang đến cuộc đối thoại tại Bắc Kinh trong chuyến công du tới Trung Quốc lần này. Ông Valdis Dombrovskis kêu gọi hai bên cần tạo ra một thị trường mở, thúc đẩy thương mại tự do và công bằng. Ngoài ra, Bắc Kinh và Brussels nên hợp tác để giải quyết các vấn đề toàn cầu như an ninh lương thực, biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh EU nên giảm thiểu sự phụ thuộc vào một số sản phẩm chiến lược được chọn lọc, đồng thời hành động một cách phù hợp và có mục tiêu để duy trì quyền tự chủ chiến lược của khối.

Các chuyên gia nhận định về tổng thể, dù còn nhiều bất đồng lớn nhưng giữa EU và Trung Quốc có nhiều không gian đối thoại và hợp tác. Cả hai phía cùng đều coi trọng quan hệ song phương hiện nay, đặc biệt là về mặt kinh tế. Châu Âu không muốn có thêm căng thẳng kinh tế - ngoại giao nữa với Trung Quốc khi khối này đang trong tình thế đối đầu toàn diện với Nga. Còn Trung Quốc cũng không mong muốn làm tổn hại một đối tác thương mại lớn hàng đầu như EU.

Thực tế cho thấy, bất chấp những khó khăn trong quan hệ chính trị, ngoại giao, hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu vẫn tiếp tục mở rộng. Giá trị hàng hóa đến châu Âu từ nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới là Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi từ năm 2018 đến năm 2022. Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất cho EU. Trong bối cảnh đó, tăng cường đối thoại song phương là bước đi quan trọng để hóa giải những khúc mắc giữa hai bên và “Đối thoại Kinh tế và Thương mại Cấp cao” giữa EU và Trung Quốc nhằm xoa dịu căng thẳng thương mại và tìm giải pháp ổn định quan hệ EU -Trung Quốc theo hướng cân bằng hơn trong thời gian tới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác