Gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên

(VOV5) - Ngày 25/3 tới, Tổng thống Mỹ Barak Obama sẽ tới thăm khu phi quân sự (DMZ) giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên, trước khi tham dự Hội nghị cấp cao về hạt nhân ở Seoul. Chuyến thăm nhằm khẳng định sự ủng hộ của Mý đối với đồng minh thân cận ở Đông Bắc Á tuy nhiên động thái này cũng chứa đựng những hậu quả khó lường, nhất là trong bối cảnh căng thẳng đang dâng cao trên bán đảo Triều Tiên những ngày qua.


Gia tăng căng thẳng trên bán đảo  Triều Tiên - ảnh 1


Lính Hàn Quốc tuần tra dọc một hàng rào dây thép gai ở Imjinkak gần khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên ở Paju, ngày 18/7/2003.
Ảnh:  Reuters


Hơn ai hết, chính giới Mỹ và Hàn Quốc hoàn toàn hiểu chuyến thăm khu phi quân sự của Tổng thống Mỹ diễn ra vào thời điểm hết sức nhạy cảm khi thông tin chính thức về chuyến thăm được loan báo chỉ vài ngày sau khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ phóng vệ tinh Kwangmyongsong - 3 trong tháng 4 tới nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Hơn nữa chuyến thăm diễn ra trong khi cộng đồng quốc tế đã bày tỏ quan ngại trước quyết tâm của Bình Nhưỡng và đang tìm những giải pháp thích hợp để tránh việc phóng vệ tinh này ảnh hưởng đến những bước đi tích cực nhằm nối lại các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Đó là chưa kể đến việc CHDCND Triều Tiên cũng đang phản ứng dữ dội việc Mỹ và Hàn Quốc vừa tiến hành tập trận chung những ngày qua. Cuộc tập trận được Bình Nhưỡng gọi là hành động "khiêu khích nghiêm trọng", đi ngược lại mong muốn và ước nguyện của người dân CHDCND Triều Tiên cũng như thế giới về sự ổn định và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Chính vì lẽ đó, chuyến thăm lần đầu tiên đến khu phi quân sự giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Barak Obama khiến giới quan sát quan ngại. Điều này là có cơ sở khi ngay trong lời phát biểu của ông Ben Rhodes, trợ lý cố vấn an ninh cấp cao của Tổng thống Obama, về mục đích chuyến thăm này. Theo đó, qua chuyến thăm khu phi quân sự, ông Obama muốn vinh danh hơn 28 nghìn binh sĩ Mỹ đang phục vụ tại Hàn Quốc. Ngoài việc vinh danh, Trợ lý cố vấn an ninh cấp cao Ben Rhodes còn khẳng định rõ chuyến thăm khu phi quân sự của Tổng thống Obama là dịp để Mỹ thắt chặt mối quan hệ đồng minh với Hàn Quốc cũng như tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Washington đối với vấn đề an ninh của Hàn Quốc. Điều này  được minh chứng khi giới chức Mỹ tuy không tiết lộ liệu ông chủ Nhà trắng có ý định gửi thông điệp nào đến CHDCND Triều Tiên khi đến thăm khu phi quân sự hay không nhưng lại cho biết Tổng thống Mỹ sẽ tái khẳng định lời kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ các quy định về vấn đề hạt nhân quốc tế. Với những tuyên bố trên, giới chức Mỹ một lần nữa đã gửi đi thông điệp rất rõ ràng về quan điểm của Hoa Kỳ luôn sát cánh cùng đồng minh Hàn Quốc ở Đông Bắc Á. Không chỉ vậy, sự hiện diện của ông Obama tại Hàn Quốc lần này còn là dịp tái khẳng định sự chuyển đổi định hướng ngoại giao của Hoa Kỳ sang khu vực châu Á, khu vực năng động có ý nghĩa quan trọng với an ninh và thịnh vượng của Mỹ trong tương lai. Mặc dù cho đến thời điểm này, phía CHDCND Triều Tiên chưa đưa ra phản ứng chính thức về chuyến thăm của Tổng thống Obama tới khu phi quân sự nhưng theo nhiều nhà quan sát diễn biến này sẽ không có lợi cho việc thúc đẩy đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.


Gia tăng căng thẳng trên bán đảo  Triều Tiên - ảnh 2

Làng đình chiến Gijungdong được chụp từ trạm quan sát Dora
của Hàn Quốc ở Paju, ngày 27/5/2009. Ảnh:  Reuters


Vài tuần trước,  khi Mỹ và CHDCND Triều Tiên thông báo Bình Nhưỡng đồng ý thực hiện thoả thuận ngừng thử tên lửa tầm xa, thử hạt nhân và các hoạt động làm giàu uranium tại cơ sở Yongbyon, dư luận tưởng chừng đã có bước đột phá trong mối quan hệ 3 bên, giữa CHDCND Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc cũng như là tín hiệu mừng cho việc thúc đẩy đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, với những diễn biến gần đây, đặc biệt là việc Tổng thống Mỹ Barak Obama quyết định đi thăm khu phi quân sự giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên vào ngày 25/3 tới, cho thấy viễn cảnh không sáng sủa của mối quan hệ 3 bên đang quay trở lại. Xa hơn, điều này cũng hoàn toàn không có lợi cho việc thúc đẩy đàm phán hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trong tương lai./.

Phản hồi

Các tin/bài khác