Việt Nam luôn coi trọng và nỗ lực vì quyền của người lao động

(VOV5) - Con người, trong đó có giai cấp công nhân và người lao động, được xác định là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và động lực phát triển.

Tháng công nhân 2024 sẽ kết thúc vào ngày 31/5. Đây là sự kiện được tổ chức hằng năm để các cấp chính quyền, người sử dụng lao động và toàn xã hội đẩy mạnh việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động. Tại Việt Nam, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động luôn là ưu tiên hàng đầu trong mọi chính sách phát triển.

Việt Nam hiện có trên 52 triệu người lao động. Quyền của người lao động là một bộ phận của hệ thống quyền con người mà Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và thực hiện thông qua các chủ trương, chính sách lớn.

Bảo đảm quyền của người lao động được ghi nhận trong các chủ trương lớn

Vấn đề quyền con người ở Việt Nam được ghi nhận trong các bản Hiến pháp từ năm 1946 đến nay. Con người, trong đó có giai cấp công nhân và người lao động, được xác định là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và động lực phát triển.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021) xác định rõ chủ trương quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội; không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trên cơ sở đó, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động đã đề ra nhiều biện pháp, giải pháp đồng bộ để các cấp, các ngành, các địa phương tập trung vào công tác này.

Kể từ năm 2016, với sáng kiến của Công đoàn Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã 7 lần trực tiếp đối thoại với công nhân, viên chức, người lao động ở nhiều tỉnh thành, khu vực, loại hình ngành nghề. Rất nhiều tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị và đề xuất liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm của công nhân lao động được người đứng đầu Chính phủ lắng nghe, thấu hiểu, chỉ đạo giải quyết. 

Hơn 10 năm trở lại đây, hệ thống chính sách, pháp luật về lao động đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng cũng như cập nhật với các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và phản ánh khách quan thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việt Nam cũng đã nỗ lực cam kết và thực hiện các công ước quốc tế về quan hệ lao động, nhằm thúc đẩy và bảo đảm tiêu chuẩn lao động cơ bản cho người lao động ở Việt Nam theo đúng các chuẩn mực quốc tế về quyền của người lao động.

Đáng chú ý, kể từ khi Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế phát động Chương trình nghị sự về việc làm thỏa đáng trên toàn cầu thì Việt Nam và ILO đã cùng nhau xây dựng và ký kết thực hiện 3 chu kỳ hợp tác cho các giai đoạn (2006- 2010; 2012-2016 và 2017-2021). Về chu kỳ hợp tác lần thứ 4, giai đoạn 2022 - 2026, ông Lưu Quang Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động, thương binh và xã hội, cho biết: “Trong chu kỳ hợp tác lần thứ 4 này, chúng ta tiếp tục đặt trọng tâm vào vấn đề việc làm, phát triển nguồn nhân lực và an sinh xã hội, đảm bảo hài hòa quyền của người lao động và quyền của doanh nghiệp gắn với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với chiến lược phát triển bền vững quốc gia cũng như Chương trình nghị sự về phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Chương trình Hợp Việt Nam và ILO về việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022- 2026 thúc đẩy mục tiêu việc làm thỏa đáng và bền vững tại Việt Nam”.

Những thành quả không thể phủ nhận  

Hiệu quả từ những chính sách đảm bảo quyền của người lao động đã thu được những kết quả tích cực trên thực tế. Theo công bố của Tổng cục thống kê (Bộ kế hoạch và đầu tư), những tháng đầu năm nay, cơ cấu lao động của Việt Nam chuyển dịch tích cực. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I năm 2024 là 52,4 triệu người, tăng gần 176 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động đã quay trở lại theo xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch Covid-19.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động tiếp tục được cải thiện. Quý I năm nay là 7,6 triệu đồng, tăng hơn 300 nghìn đồng so với quý trước và tăng 549 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động tăng lên ở hầu hết các ngành kinh tế so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị tiếp tục duy trì dưới mức 3% kể từ quý I năm 2022.

Để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người lao động, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 đã yêu cầu đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; tập trung triển khai nhanh, hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021-2030’, năm 2024 nỗ lực phấn đấu hoàn thành khoảng 130 nghìn căn hộ. 

Nhìn chung, mặc dù còn một số tác động không mong muốn, nhưng những chính sách lao động (bao gồm cả chính sách an sinh xã hội cho người lao động) đã đem lại nhiều hiệu ứng tích cực. Điều này cho thấy thành quả từ những nỗ lực của Việt Nam trong việc coi trọng và hiện thực hóa quyền của người lao động.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác