Hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế biển

(VOV5) -  Đến nay, sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết, kinh tế biển đã có những chuyển biến rõ rệt, đóng góp quan trọng, tạo động lực phát triển đất nước và từng địa phương ven biển.

Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt mục tiêu đến năm 2030, sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, có thể tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế, khu vực về biển và đại dương.
Đến nay, sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết, kinh tế biển đã có những chuyển biến rõ rệt, đóng góp quan trọng, tạo động lực phát triển đất nước và từng địa phương ven biển.

Hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế biển - ảnh 1Tàu cá vươn khơi khai thác hải sản. Ảnh: TTXVN

Để triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW, Chính phủ ban hành Nghị quyết 26/NQ-CP, ngày 5/3/2020, về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, trong đó xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2025, kèm theo Danh mục 51 đề án, dự án, nhiệm vụ để các bộ, ngành, địa phương triển khai. Có 8 tỉnh, thành phố có biển thành lập Ban Chỉ đạo và 28 tỉnh, thành phố có biển ban hành Chương trình/Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị quyết số 26/NQ-CP.

Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế biển và các địa phương ven biển

Thực hiện các chủ trương, chính sách về Chiến lược phát triển kinh tế biển, tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam năm 2022 đạt  hơn 733 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2022 đạt 11 tỷ USD, là con số cao nhất từ trước đến nay. Các dự án khai thác điện gió, điện mặt trời phát triển  mạnh ở các tỉnh ven biển miền Trung và miền Nam, bao gồm Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh). Cả nước có 19 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng hơn 845.000 ha; 330 khu công nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên đạt gần 97.000 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 65.900 ha.Về điều này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết:  Quy hoạch phát triển của các tỉnh ven biển, về tầm và thế, được nâng lên rất nhiều. Nhiều khu kinh tế biển tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trở thành những cứ điểm kinh tế biển hết sức có ý nghĩa. Điển hình như Phú Quốc, Vân Phong, Vân Đồn, Hạ Long, có sự dịch chuyển hết sức mạnh mẽ. Điều này cho thấy tới đây, chúng ta sẽ có những bước phát triển bài bản, hệ thống.

Hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế biển - ảnh 2Cáp treo An Thới - Hòn Thơm phục vụ khách du lịch đến đảo Phú Quốc. Ảnh minh họa: Lê Huy Hải/TTXVN

Cùng với sự phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, tỷ lệ đô thị hóa của 28 tỉnh, thành phố ven biển đạt khoảng 39,5%, cao hơn bình quân cả nước 37,5%. Cả nước đã hình thành 4 vùng kinh tế ven biển, gồm: vùng biển và ven biển phía Bắc (Quảng Ninh đến Ninh Bình); vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ (Thanh Hóa-Bình Thuận); vùng biển và ven biển Đông Nam Bộ (Bà Rịa-Vũng Tàu-Thành phố Hồ Chí Minh); vùng biển và ven biển Tây Nam Bộ (Tiền Giang-Kiên Giang). Tính đến cuối năm 2022, tổng diện tích vùng biển, đảo đã được quy hoạch vào khu bảo tồn đạt 200.500 ha. Đến nay, 17/28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển đã ban hành Quyết định phê duyệt Danh mục hành lang bảo vệ bờ biển. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã ký kết và triển khai các thỏa thuận về chia sẻ thông tin, phối hợp giữa hải quân, cảnh sát biển Việt Nam với lực lượng chức năng của các nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Campuchia; thiết lập đường dây nóng giữa hải quân Việt Nam với hải quân Brunei, Campuchia, Thái Lan và các quốc gia ven biển khác thực hiện các hoạt động hỗ trợ ngư dân, bảo đảm trật tự an toàn hàng hải.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế biển

Để sớm đưa các mục tiêu của Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thành hiện thực, Ủy ban Quốc gia về thực hiện Chiến lược cho rằng cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển trong thời gian tới. Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết: Bền vững có rồi, nhưng chúng ta cũng phải đảm bảo phát triển nhanh. Và phải đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển gắn với bảo vệ môi trường, với bảo tồn phát triển bền vững đa dạng sinh học biển, phải dựa trên nền tảng đảm bảo ứng phó với biển đổi khí hậu với mực nước biển dâng, gắn bó giữa đời sống nhân dân, giữa phát triển kinh tế với xây dựng văn hóa biển. Đây đều là những chủ trương, yêu cầu trong Nghị quyết số 36. Đồng thời, trong quá trình thực hiện của chúng ta đòi hỏi phải tiếp tục có những phân tích làm rõ để có cơ chế, chính sách và giải pháp phù hợp.

Hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế biển - ảnh 3

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: TTXVN

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, các bộ, ngành, địa phương liên quan ở Việt Nam tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 bảo đảm tính liên kết vùng, giữa địa phương có biển và không có biển. Các bộ, ngành, địa phương cũng tập trung triển khai Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ, theo đó hoàn thiện Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Chương trình tăng cường năng lực và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển, hải đảo đến năm 2030 và bố trí nguồn lực đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra. Các địa phương có biển cũng sẽ tiếp tục thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW và phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường), để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế biển.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác