Kinh tế Việt Nam năm 2015 tiếp tục tăng trưởng

(VOV5) - Nền kinh tế thế giới đang phục hồi trở lại, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro. Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và có triển vọng tích cực, cùng với đó là những thách thức tiềm ẩn. Ngày 20/07, Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2015 với những tín hiệu khả quan.

 

Kinh tế Việt Nam năm 2015 tiếp tục tăng trưởng - ảnh 1
ảnh minh họa theo:ansinh.vn


Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, trong nửa đầu năm nay, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi với mức tăng tổng sản phẩm quốc nội ước đạt 6,28%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua.

 

Kinh tế Việt Nam: phục hồi đi đôi với thách thức

 

Kinh tế Việt Nam có được sự phục hồi như hiện nay chủ yếu nhờ vào kết quả hoạt động tích cực trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cũng tăng mạnh. Bên cạnh đó, trong bối cảnh lạm phát thấp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành dần nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đồng thời điều chỉnh tỷ giá để đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế. Tiến sỹ Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng: “Cải cách ngân hàng đã có nhiều tiến triển, đặc biệt trong lĩnh vực mua bán và sát nhập. Nhiều vụ sát nhập và mua lại các ngân hàng nhỏ được thực hiện bởi các ngân hàng thương mại có quy mô lớn. Việt Nam cần tăng tỉ lệ sở hữu của khu vực tư nhân với cổ phẩn hóa doanh nghiệp nhà nước."

 

Bên cạnh những triển vọng tích cực trong trung hạn, kinh tế Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Nền kinh tế đang bước vào chu kỳ tăng trưởng trở lại, song những vấn đề về nợ công và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công vẫn là nút thắt lớn có thể cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Cán cân thương mại dự báo sẽ bị thu hẹp đáng kể trong năm nay do tăng trưởng xuất khẩu chậm lại trong khi nhập khẩu gia tăng nhằm đáp ứng các nhu cầu đầu tư và hoạt động kinh tế trong nước. Tiến sỹ Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khuyến nghị: "Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới, nếu tiếp tục đà hồi phục sẽ vượt 6% và lạm phát sẽ vẫn được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, cần theo dõi sát sao, đặc biệt, bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang khởi sắc. Việc mất cân đối cán cân thương mại sẽ ảnh hưởng đến cán cân vãng lại, nhưng do nguồn kiều hồi mạnh sẽ đảm bảo sẽ có thặng dư vào cuối năm. Nợ công vẫn có xu hướng tăng lên nhưng ở mức dưới 75% GDP. Do đó, một kế hoạch củng cố tài khóa đáng tin cậy trong trung hạn cùng với những biện pháp nghiêm túc nhằm củng cố tình hình tài chính của doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng sẽ đóng vai trò quan trọng giúp giảm áp lực lên tính bền vững của nợ công và gia tăng niềm tin của khu vực tư nhân."

 

Tiềm năng tăng trưởng kinh tế trong tương lai

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới dự báo ở mức 6-6,2% nhờ cầu trong nước tiếp tục phục hồi, đầu tư và tiêu dùng cá nhân tiếp tục cải thiện. Trong khi lạm phát được dự báo khoảng 2,5% và cán cân tài khoản vãng lai của Việt Nam sẽ vẫn ở mức dương, dự báo ở mức 0,5% GDP. Thâm hụt ngân sách dự kiến được điều chỉnh thông qua các nỗ lực cắt giảm chi tiêu để tránh gia tăng nợ công. Tiến sỹ Sebastian Eckardt cho biết thêm: Việt Nam là nước có thể tăng cường xuất khẩu đặc biệt là những ngành Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như các sản phẩm công nghiệp chế tạo, điện tử.

 

Đặc biệt, năm 2015 là một năm then chốt trong quá trình hội nhập của Việt Nam với một loạt các hiệp định thương mại được ký kết và đang trong quá trình đàm phán. Đây là dấu ấn rất quan trọng của Việt Nam trên con đường hội nhập sâu hơn với kinh tế thế giới. Khi tham gia Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới sẽ tạo động lực cho nền kinh tế Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp phát triển, bởi với hàng rào thuế quan cơ bản được cắt bỏ, các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận được thị trường có giá trị gia tăng cao. Từ đó, mở rộng thị trường xuất khẩu, có điều kiện lựa chọn máy móc thiết bị hiện đại, giảm chi phí sản xuất. Theo dự báo, xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng trên 20% trong những năm tới. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng: "Sự chủ động của doanh nghiệp gồm nhiều việc phải làm và phải bắt đầu ngay chứ không chờ khi các Hiệp định đó có hiệu lực. Sự chuẩn bị của doanh nghiệp trước hết là phải chủ động trong tiếp cận về thông tin. Thứ hai là phải phân tích được những tác động thuận lợi cũng như bất lợi đối với ngành hàng của mình và trên cơ sở đó đề ra chương trình hành động, phải chủ động tiếp cận bạn hàng và  hướng ngành hàng của mình vào những thị trường được ưu đãi thuế quan."

 

Với những kết quả mà kinh tế Việt Nam đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2015, Ngân hàng Thế giới cho rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là tích cực. Cùng với đó, dự báo tăng trưởng kinh tế tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản – các đối tác thương mại lớn của Việt Nam, sẽ lạc quan hơn trong năm 2015, điều này cũng có thể sẽ tạo thuận lợi hơn cho xuất khẩu của Việt Nam, góp phần đưa kinh tế Việt Nam duy trì mức tăng trưởng khả quan như hiện nay.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác