Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo tạo hành lang pháp lý khi đi vào cuộc sống

(VOV5) - Theo chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo sẽ được thảo luận trong các phiên họp sắp tới. Đây là Luật mới, có phạm vi điều chỉnh rộng và liên quan đến nhiều Luật khác. Khi được thông qua, Luật sẽ trở thành công cụ quan trọng, tạo hành lang pháp lý khi đi vào cuộc sống.

 

Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo tạo hành lang pháp lý khi đi vào cuộc sống - ảnh 1
Ảnh:petrotimes.vn

Hiện nay công tác quản lý Nhà nước về biển và hải đảo được giao cho nhiều bộ, ngành, căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ của từng cơ quan, như Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… Như vậy dễ dẫn đến chồng chéo, kém hiệu quả. Khi Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được ban hành thì Bộ Nông nghiệp vẫn quản lý Nhà nước về hải sản, theo Luật thủy sản; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn quản lý Nhà nước về du lịch biển, theo Luật du lịch; Bộ Giao thông Vận tải vẫn quản lý Nhà nước về cảng biển, dịch vụ hàng hải, theo Luật hàng hải. Riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường không trực tiếp quản lý Nhà nước về từng lĩnh vực trên, nhưng sẽ là cơ quan quản lý tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ là cơ quan đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành liên quan quản lý Nhà nước về biển và hải đảo.

 

Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo góp phần phát triển kinh tế biển

 

Việt Nam có lợi thế để phát triển kinh tế biển với bờ biển dài hơn 3.260 km, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng hơn 1 triệu km2, lớn gấp 3 lần diện tích đất liền, trong lòng đại dương giàu tiềm năng tài nguyên khoáng sản, thủy hải sản, đa dạng sinh học. Do đó, công tác quản lý Nhà nước về phát triển kinh tế biển luôn là nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Trong những năm qua, kinh tế biển có vai trò rất quan trọng với sự phát triển kinh tế của đất nước. Kinh tế biển đóng góp gần 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Thời gian tới, dự báo kinh tế biển còn đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế đất nước. Để phát triển kinh tế biển bền vững, bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng: Tôi cho rằng phải đánh giá lại tiềm năng kinh tế biển, tổng trữ lượng tài nguyên biển. Phải đánh giá trữ lượng tài nguyên của tất cả các loại hình từ hải sản, khoáng sản đến dầu khí. Từ đánh giá trữ lượng ấy thì mới có quy hoạch tài nguyên biển. Từ quy hoạch đó thì mới phân cấp quản lý như thế nào, khai thác tài nguyên biển ra sao cho hiệu quả. Chỉ có làm đồng bộ như vậy mới phát triển kinh tế biển đúng tầm của nó.

 

Với phương châm “không làm thay luật chuyên ngành, không chồng chéo với các luật chuyên ngành”, Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo không quy định quản lý, khai thác, sử dụng một loại tài nguyên cụ thể đã được các luật chuyên ngành quy định mà chỉ quy định các cơ chế công cụ điều phối, phối hợp giữa các ngành, các cấp bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng bền vững, lợi ích giữa các bên liên quan được hài hòa, môi trường biển được bảo vệ.

 

Luật gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc

 

Biển đảo Việt Nam không chỉ chứa đựng tiềm năng kinh tế to lớn, cửa ngõ mở rộng quan thệ giao thương với quốc tế mà còn đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh, quốc phòng, đồng thời là địa bàn chiến lược trọng yếu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Biển đảo Việt Nam là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời khỏi Tổ quốc. Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam là trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam đối với lịch sử dân tộc. Ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cho biết: Xây dựng một luật riêng về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tôi rất hoan nghênh. Tôi muốn nhấn mạnh ngoài vấn đề tài nguyên, Luật này có ý nghĩa sống còn của dân tộc Việt Nam. Luật sẽ mang lại lợi thế cho chúng ta không những trong quá trình phát triển xây dựng đất nước mà còn trong mối tương quan với các quốc gia khác cũng như trong việc thực hiện những cam kết của Việt Nam với tư cách là một quốc gia biển có trách nhiệm.

 

Các quy định của Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo tập trung vào việc xây dựng quy hoạch tổng thể, khai thác, sử dụng tài nguyên môi trường biển và hải đảo, phân công, phân cấp trong quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường biển và hải đảo; bảo vệ di sản văn hóa liên quan đến biển. Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo không chỉ nghiên cứu, kế thừa các luật chuyên ngành đã được ban hành, mà còn chắt lọc, xâu chuỗi, kết nối với các luật thành một “hệ thống luật” quốc gia về biển, hải đảo. Luật hướng tới hành lang pháp lý cho một phương thức quản lý mới về khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, biển, đảo theo phương thức quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất; đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác