Những thách thức ngoại giao chờ đón Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump

(VOV5) - Ngày 20/1, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên thệ nhậm chức, thay thế người tiền nhiệm Barack Obama trong cương vị ông chủ Nhà Trắng. Trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ cũng đồng nghĩa với việc ông Donald Trump phải đối phó với hàng loạt thách thức chính trị, kinh tế, trong đó bao gồm cả việc xử lý khéo léo các mối quan hệ đối ngoại để làm sao đem lại lợi ích lớn nhất cho nước Mỹ. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng.

 Những thách thức ngoại giao chờ đón Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump - ảnh 1
Ông Donald Trump trong các hoạt động bên thềm lễ nhậm chức (Ảnh minh họa. Nguồn: AFP/TTXVN)

Những thách thức đối ngoại mà giới phân tích nhận định sẽ gây khó cho Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ là xử lý mối quan hệ với Nga, Trung Quốc, liên minh châu Âu, vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, Syria, vấn đề thương mại tự do....

Xử lý các mối quan hệ với Nga, Trung Quốc, EU
Mối quan hệ với Nga là một trong những vấn đề sẽ khiến ông Donald Trump phải đau đầu. Quan hệ giữa Washington và Moscow liên tục ở trong tình trạng căng thẳng kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và Mỹ cáo buộc Nga hậu thuẫn cho lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine. Từ khi đắc cử Tổng thống, ông Donald Trump đã nhiều lần thể hiện mong muốn làm ấm lại mối quan hệ giữa Mỹ và Nga. Ông Trump đã lựa chọn Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu khí đa quốc gia của Mỹ ExxonMobil, ông Rex Tillerson, một doanh nhân có mối quan hệ mật thiết với Nga, làm Ngoại trưởng trong chính quyền mới. Điều này càng củng cố thêm thiện chí cải thiện mối quan hệ với Nga của chính quyền Donald Trump.

Trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa công bố các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào Nga liên quan tới các cáo buộc Moscow can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lại tuyên bố để ngỏ khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nếu Moscow hỗ trợ Washington trong cuộc chiến chống khủng bố và các mục tiêu quan trọng khác. Tuy nhiên không lâu sau bình luận trên, ông Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga, cho rằng Nga không nên quá nóng vội, mà cần hết sức thận trọng với đề nghị của ông Trump.

Đối với Trung Quốc, Tổng thống thứ 45 của Mỹ cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế, thương mại, các mối đe dọa an ninh mạng. Về vấn đề kinh tế, ông Trump từng chỉ trích Trung Quốc khiến các công ty Mỹ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh và áp thuế cao đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ vào nước này. Ông đe dọa sẽ áp thuế nhập khẩu 45% lên hàng hóa của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng. Theo ông Anatol Lieven Giáo sư Đại học Georgetown, thành viên Chương trình New America, ông Donald Trump sẽ không có lựa chọn nào khác là phải xây dựng mối quan hệ thương mại mới với Trung Quốc, bảo vệ quyền lợi của người lao động và các công ty Mỹ. Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại, việc này sẽ trở nên vô cùng khó khăn và chính quyền mới cần chấp nhận một số thỏa hiệp. Trong lĩnh vực chính trị, việc ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên điện đàm với một nhà lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) kể từ năm 1979 đã vấp phải sự phản đối từ phía Bắc Kinh. Ông Trump còn tỏ ý hoài nghi khi cho rằng Trung Quốc vẫn chưa hợp tác với Mỹ trong một số vấn đề như tiền tệ, CHDCND Triều Tiên hay những căng thẳng trên Biển Đông.

Mối quan hệ với EU cũng dự đoán sẽ không mấy êm ả đối với Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Vài ngày trước lễ nhậm chức, ông Donald Trump đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt khi bình luận rằng NATO đã lỗi thời, và rằng sau Anh sẽ có nhiều nước rời EU. Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định Châu Âu nắm giữ số phận của chính mình và bà sẽ tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy kinh tế, chống chủ nghĩa khủng bố trong EU. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini, cũng bác bỏ những bình luận của ông Trump về sự gắn kết của EU.

Vấn đề Syria, CHDCND Triều Tiên và các thỏa thuận hợp tác
Khi ông Donald Trump bước chân vào Nhà Trắng, cuộc xung đột tại Syria đã kéo dài sang năm thứ 6. Ông Trump từng đề cập đến khả năng sẽ cắt giảm sự hậu thuẫn đối với các nhóm đối lập tại Syria và thay vào đó sẽ tập trung tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Không chỉ vậy, Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ phải đưa ra quyết định về cách tiếp cận đối với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng ông Trump sẽ duy trì vai trò quân sự của Mỹ tại Syria như dưới thời Tổng thống Obama. Tuy nhiên có thể ông Trump sẽ can thiệp vào quá trình tái thiết Syria một cách miễn cưỡng. Ngoài ra, ông Donald Trump cần phải xử lý những quan ngại từ các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên trong bối cảnh nhiều chuyên gia cho rằng đây không phải là vấn đề mà ông Trump nắm rõ.

Với khẩu hiệu “nước Mỹ là trên hết”, ông Donald Trump tìm cách rút khỏi những thỏa thuận khu vực và toàn cầu mà Mỹ đã cam kết. Từ khi tiến hành chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nhiều lần tuyên bốphản đối các hiệp định thương mại tự do vì nó khiến người dân Mỹ mất việc làm. Trong khi ông Trump khẳng định Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì ông Wilbur Ross, người được chọn làm Bộ trưởng Thương mại, khẳng định Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cũng sẽ là một trong những ưu tiên xem xét đầu tiên của Chính phủ mới. Tuy nhiên những nhiệm vụ này cũng sẽ gây tác động tới kinh tế Mỹ.

Từng giành chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (tháng 11/2016), liệu ông Donald Trump có thành công trong xử lý các quan hệ đối ngoại của nhiệm kỳ 4 năm?. Rõ ràng đây là nhiệm vụ không dễ dàng với người lãnh đạo quốc gia có nền kinh tế số 1 thế giới. 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác