Những tín hiệu hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

(VOV5) - Những chuyển động tích cực liên tiếp xuất hiện và mới nhất là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/3 cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng gặp mặt nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên.

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên những tháng đầu năm 2018 xoay chuyển 180 độ so với sự leo thang căng thẳng trong năm 2017. Những chuyển động tích cực liên tiếp xuất hiện và mới nhất là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/3 cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng gặp mặt nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên. Những diễn biến này là dấu hiệu tích cực cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên song vẫn còn không ít khó khăn ở phía trước để hiện thực hóa tuyên bố của các bên.

Những tín hiệu hòa bình trên bán đảo Triều Tiên - ảnh 1 Ảnh minh họa: Bản đồ bán đảo triều tiên - Nguồn: Google Map

Năm 2017, một năm căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Washington với “vòng luẩn quẩn” thử tên lửa – đe dọa chiến tranh – siết chặt trừng phạt. Đến năm 2018, trong thông điệp Năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bày tỏ thiện chí sẵn sàng đối thoại với Seoul. Và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chủ động nắm bắt mọi cơ hội dù mong manh nhất để cải thiện quan hệ liên Triều, qua đó tìm cách đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Bình Nhưỡng và Washington.

Những bước chuyển bất ngờ

Tiếp sau sự kiện hai phái đoàn cấp cao Triều Tiên tới Hàn Quốc tham dự lễ khai mạc và bế mạc Olympic mùa Đông Pyeong Chang 2018, việc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cử một đoàn cấp cao tới Triều Tiên hôm 5/3 đã trở thành những "cú hích" làm thay đổi cục diện. Một loạt thỏa thuận có sức nặng đã đạt được. Đáng chú ý là thông điệp tích cực về hòa giải và hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên được đích thân lãnh đạo hai nước đưa ra nhân dịp này. Lần đầu tiên nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và bày tỏ “ý chí vững chắc thúc đẩy mạnh mẽ” quan hệ với Hàn Quốc và “viết nên trang sử mới thống nhất hai miền”. Hai bên ấn định thời gian tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba. CHDCDN Triều Tiên còn tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa nếu như an ninh được bảo đảm. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng cam kết sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí thông thường tấn công Hàn Quốc. Bình Nhưỡng cũng bày tỏ sẵn sàng tiến hành các cuộc đối thoại "thẳng thắn" với Mỹ về các biện pháp phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên cũng như bình thường hóa quan hệ song phương. Đây là sự thay đổi quan điểm rõ rệt của nhà lãnh đạo Kim Jong-un sau khi Bình Nhưỡng nhiều lần cương quyết rằng chương trình hạt nhân sẽ không thể là chủ đề của bất cứ cuộc đàm phán nào.

Bên cạnh đó, việc Tổng thống Mỹ chấp nhận đối thoại trực tiếp với ông Kim Jong-un, yếu tố bất ngờ đối với dư luận quốc tế, có thể được xem là một bước ngoặt lớn sau một năm hai nhà lãnh đạo liên tục sa vào các cuộc "khẩu chiến nảy lửa”, biến bán đảo Triều Tiên thành một “thùng thuốc súng” trực nổ tung. Đây sẽ là cuộc gặp được chào đón, hy vọng cơ hội được tạo ra như một phép màu này sẽ được tận dụng để thúc đẩy hòa bình và hòa giải trên bán đảo Triều Tiên.

Còn đó những do dự  

Mặc dù tin tức đã được lan truyền và dư luận hoan nghênh về những bước tiến trên bán đảo Triều Tiên, song CHDCDN Triều Tiên dường như cần nhiều thời gian hơn và vẫn thận trọng trong việc thông tin về các cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến với Hàn Quốc và Mỹ. Bằng chứng là truyền thông chính thức của Triều Tiên chưa đăng tải bất kỳ thông tin nào về sự kiện này. Ngày 10/3, tờ Chosun Sinbo, một tờ báo ủng hộ CHDCDN Triều Tiên ở Nhật Bản, tuy có đăng tin về cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều song đã xóa nội dung này sau đó 1 ngày. Chính phủ Hàn Quốc cũng có thể phải từ chối đề nghị tới thăm khu công nghiệp chung Kaesong của các doanh nghiệp nước này vốn bị đóng cửa từ tháng 2/2016, vì CHDCND Triều Tiên vẫn chưa đưa ra hồi đáp.

Đáng chú ý, tờ Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên – lại đăng bài viết mạnh khả năng răn đe hạt nhân của Triều Tiên là cần thiết để tự bảo vệ “chống lại các mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ”, và nói rằng đây không phải là một vấn đề để mang ra tranh cãi.

Tiếp đó là những tuyên bố mang tính điều kiện của chính quyền Mỹ khi nhấn mạnh rằng Tổng thống D.Trump chỉ tham dự cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều với điều kiện Bình Nhưỡng có những hành động chắc chắn và xác thực hướng tới mục tiêu từ bỏ tham vọng hạt nhân. Các cuộc tập trận của quân đội Mỹ xung quanh bán đảo Triều Tiên sẽ tiếp tục trong quá trình dẫn đến cuộc đàm phán.

Nhìn tổng thể, những gì đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên là những chuyển động xoay chiều nhanh chóng và tích cực nếu so sánh với vài tháng trước, khi bán đảo này liên tục trong tình trạng cận kề "miệng hố chiến tranh". Dù vậy, lịch sử tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên nhiều năm qua cho thấy vẫn còn quá sớm để hy vọng căng thẳng cố hữu trên bán đảo này sẽ nhanh chóng được giải quyết.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác