Nước Anh tìm kiếm các thỏa thuận thương mại sau Brexit

(VOV5) - Việc Anh bền bỉ thúc đẩy đàm phán với nhiều nước trong hơn 2 năm qua để có các thỏa thuận thương mại sẽ giúp trao đổi thương mại giữa Anh và các đối tác không bị gián đoạn.

Bất chấp những rối ren, bất đồng đang xảy ra trong nội bộ về vấn đề rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) có thỏa thuận hay không có thỏa thuận, London vẫn âm thầm đẩy mạnh việc đàm phán các thỏa thuận thương mại với nhiều quốc gia để bảo vệ quyền lợi kinh tế. Đến nay tiến trình này thu được những kết quả khả quan khiến Thủ tướng Anh Boris Johnson tự tin rằng Anh sẽ rời EU đúng thời hạn bất chấp các điều kiện chia tay sau hơn 40 năm trong mái nhà chung.

Nước Anh tìm kiếm các thỏa thuận thương mại sau Brexit - ảnh 1

Ảnh minh họa. - Nguồn: TTXVN

6 tuần trước ngày mà trên nguyên tắc Anh sẽ chia tay EU, Anh đã ký khoảng 13 thỏa thuận thương mại và đang đàm phán với hơn 30 nền kinh tế khác, thỏa thuận gần nhất là với Liên minh thuế quan miền Nam châu Phi. Tuy nhiên những văn bản này chỉ có hiệu lực sau Brexit.

Âm thầm triển khai đàm phán

Thực tế việc rời EU về bản chất chỉ là thay đổi một số điều kiện thương mại chứ không xóa bỏ quan hệ thương mại. Nên cho dù Anh có ra khỏi EU thì Anh vẫn là bạn hàng của liên minh châu Âu và ngược lại. Theo giới phân tích, ở đây không nói tới việc lấp đầy hay không lấp đầy chỗ trống thương mại sau khi Anh rời EU, có chăng về pháp lý, EU ký hơn 40 hiệp định tự do tự thương mại với 70 nước. Và với tư cách là thành viên, nước Anh có trách nhiệm thực thi các hiệp định này. Câu hỏi đặt ra là sau khi rời EU thì với 70 nước này, Anh sẽ thực thi thỏa thuận thương mại theo kiểu gì ?. Để làm được việc đó, Anh đã cử các đoàn đàm phán đi các nước từ khoảng 2 năm trước. Và đến nay đã ký được 13 thỏa thuận về tiếp nối các hoạt động thương mại với 38 nước. Các nước này không thay hoàn toàn cho Liên minh châu Âu nhưng là nước có vai trò quan trọng với xuất khẩu của Anh, trong đó có cả Ailen, Thụy Sỹ. Ngoài ra là châu Phi, Mỹ la tinh, Hàn Quốc… Và một điều thú bị khác là Anh có khoảng 16 hiệp đinh tương tự với các nước trong đó có cả ASEAN về cơ bản đã hoàn tất, chỉ chờ Anh chính thức rời khỏi EU là ký kết và có hiệu lực.

Cái gật đầu từ nhiều đối tác

Thỏa thuận thương mại mới nhất mà Anh vừa ký tắt là với Liên minh thuế quan miền Nam châu Phi (SACU), gồm 6 quốc gia là Nam Phi, Botswana, Lesotho, Namibia, Swaziland, và Mozambique. Thỏa thuận sẽ đảm bảo tính liên tục của các điều kiện thương mại sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit. Trong một tuyên bố ngày 11/9, Bộ trưởng Ngoại thương Anh Liz Truss cho biết thỏa thuận này sẽ cho phép các doanh nghiệp duy trì việc giao thương trong thời  hậu Brexit mà không gặp phải bất cứ hàng rào bổ sung nào. Trong năm 2018, kim ngạch thương mại giữa Anh với 6 quốc gia châu Phi nói trên đạt 9,7 tỷ bảng Anh (tương đương 12 tỷ USD).

Trước đó không lâu, Anh đã có những bước đàm phán tích cực về thương mại với Mỹ. Trên thực tế Mỹ là đồng minh số 1 và thị trường thu lợi số 1 của Anh. Theo thống kê, Anh xuất sang Mỹ khoảng 112 tỷ bảng/năm và nhập khẩu lượng hàng hóa có giá trị khoảng 70 tỷ bảng. Trong khi trong quan hệ với EU, Anh thường xuyên bị thâm hụt khoảng 60 - 100 tỷ bảng/năm. Theo Tổng thống Mỹ Donal Trump, quan hệ thương mại song phương Mỹ - Anh trước đây bị cản trở bởi tư cách thành viên EU của London, vì theo quy định của EU, các quốc gia thành viên không được đàm phán các thỏa thuận thương mại tự do riêng. Do vậy, Tổng thống Trump kỳ vọng, sau khi Anh chính thức rời EU, kim ngạch thương mại giữa Anh và Mỹ sẽ đạt bước đột phá. Trong khi đó, Thủ tướng Boris Johnson hy vọng, thỏa thuận thương mại lớn với Mỹ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Anh, nhất là trong ngành dịch vụ, tiến vào thị trường nhiều tiềm năng tại "xứ cờ hoa". Dự kiến, nếu thỏa thuận được ký thì trao đổi thương mại song phương sẽ tăng gấp rưỡi trong 4 năm.

Sau Mỹ, Trung Quốc là thị trường không thể bỏ qua đối với Anh. Với Trung Quốc, hiện 2 nước đã đàm phán cơ bản, và cùng nhất trí về hiệp định sẽ được ký sau khi Anh rời EU. Hiện Trung Quốc xuất siêu vào Anh rất lớn, mỗi năm kim ngạch xuất siêu của Trung Quốc vào Anh chiếm đến 50% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Anh. Nên tiến độ đàm phán các nội dung chi tiết trong thỏa thuận thương mại song phương trong thời gian tới sẽ không có quá nhiều khó khăn.

Trong khi đó, đại diện Thương mại Nga tại Anh Boris Abramov ngỏ ý Moscow muốn hoàn tất một thỏa thuận thương mại mới với London sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Theo quan chức này, bất chấp việc liệu Anh rời khỏi EU có hay không có thỏa thuận, Moscow và London sẽ tiếp tục, chí ít, giao dịch theo các chính sách do Tổ chức Thương mại Thế giới đề ra.

Việc Anh bền bỉ thúc đẩy đàm phán với nhiều nước trong hơn 2 năm qua để có các thỏa thuận thương mại sẽ giúp trao đổi thương mại giữa Anh và các đối tác không bị gián đoạn sau khi Anh chính thức rời liên minh châu Âu. Điều này góp phần giữ cho nền kinh tế của Anh ổn định, không bị xáo trộn, yếu tố cần thiết trong bối cảnh nội bộ nước Anh có những mâu thuẫn, chia rẽ vì quá trình Brexit.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác