Sự tiến bộ về đảm bảo quyền con người ở Việt Nam là không thể phủ nhận

(VOV5) -  Kể từ năm 2019, GDP trên đầu người tại Việt Nam đã tăng 25%, tỷ lệ hộ dân nghèo giảm 1,5% mỗi năm.

Báo cáo Quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc sẽ chính thức được Việt Nam trình bày tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào tháng 5 tới. Đây chính là diễn đàn để Việt Nam tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán về bảo đảm quyền con người của Việt Nam, phản bác lại những ý kiến lạc lõng, thiếu thiện chí về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Cơ chế UPR là một trong những cơ chế quan trọng nhất của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, với nhiệm vụ rà soát tình hình nhân quyền tại tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc, qua đó thúc đẩy các nước thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, cam kết về quyền con người với nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch.

Sự tiến bộ về đảm bảo quyền con người ở Việt Nam là không thể phủ nhận - ảnh 1

Do đó, Việt Nam luôn nghiêm túc tham gia vào các chu kỳ UPR trong suốt 18 năm kể từ khi Cơ chế UPR được thành lập vào năm 2006 cho đến nay và thực hiện đầy đủ các khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận.

UPR, cơ chế quan trọng đối với Việt Nam

Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam coi trọng cơ chế UPR và luôn nghiêm túc xây dựng các Báo cáo quốc gia cũng như triển khai các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận tại các chu kỳ.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh: "Tính đến tháng 1/2024, trong số 241 khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận tại chu kỳ III, Việt Nam đã hoàn thành thực hiện có kết quả 209 khuyến nghị (chiếm 86,7%). Từ năm 2019 đến hết tháng 11/2023, Việt Nam đã tiếp tục các nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền với 44 luật được thông qua, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Việt Nam cũng đã và đang tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung một số Luật phù hợp với các cam kết quốc tế. Việt Nam cũng đã tiếp tục rà soát, gia nhập các công ước quốc tế về quyền con người cũng như triển khai các điều ước một cách nghiêm túc. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 7/9 điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người, 25 Công ước quốc tế về quyền lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)."

Việt Nam đã hợp tác với tất cả các nước, làm rõ tất cả những khuyến nghị mà các nước đưa ra trên tinh thần xây dựng. Trong 5 năm qua, kể từ phiên Rà soát chu kỳ III vào tháng 5/2019, bất chấp một số khó khăn, thách thức, như: đại dịch COVID-19, xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu, Việt Nam đã luôn nỗ lực tăng cường việc thụ hưởng các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị, theo đúng chuẩn mực quốc tế.

Báo cáo UPR của Việt Nam được thực hiện công khai, minh bạch 

Trên thực tế, kể từ năm 2019, GDP trên đầu người tại Việt Nam đã tăng 25%, tỷ lệ hộ dân nghèo giảm 1,5% mỗi năm. Mạng lưới y tế dự phòng được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc gắn chặt với y tế cơ sở, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 81,7% năm 2016 lên 92% vào năm 2022; 85% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng... Sau 26 năm kết nối internet, tính đến tháng 9/2023, Việt Nam có hơn 78 triệu người sử dụng internet (xếp thứ 13 thế giới về số lượng người dùng, tăng 21% so với năm 2019). Đây là những minh chứng rõ ràng về những tiến bộ không thể phủ nhận trong việc đảm bảo quyền con người ở Việt Nam.

Báo cáo quốc gia về Cơ chế UPR chu kỳ IV đã được xây dựng công khai, minh bạch, khẳng định những thành tựu đã đạt được, xác định rõ những thuận lợi, khó khăn, từ đó đề ra các hướng ưu tiên và nhu cầu hợp tác của Việt Nam trong thời gian tới, như: Tăng cường nguồn lực cho phát triển bền vững, bao trùm; nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công, tăng cường các nỗ lực cải cách hành chính, thực hiện hiệu quả chiến lược chuyển đổi xanh, chuyển đổi số quốc gia; thực hiện đầy đủ các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), mở rộng hệ thống an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu vùng xa; nâng cao nhận thức về quyền con người.

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định: "Tiến trình xây dựng Báo cáo quốc gia về Cơ chế UPR của Việt Nam được thực hiện công khai, minh bạch với sự tham gia đông đủ của các bên liên quan, không chỉ là các cơ quan Chính phủ mà còn là các cơ quan, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức quần chúng và trực tiếp người dân, cũng như các đối tác quốc tế. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng như một số bộ, ngành đã tổ chức 6 hội thảo và các cuộc tham vấn lấy ý kiến của các bên liên quan về nội dung trong báo cáo.

Tại mỗi hội thảo có khoảng 30-40 đại diện các tổ chức tham dự và có sự tham dự của đông đảo các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ của nước ngoài tại Việt Nam đóng góp nội dung cho báo cáo này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân thông qua email và chúng tôi đã nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp phù hợp của các tổ chức, cá nhân đó."

UPR và việc xây dựng báo cáo quốc gia cũng như việc thực hiện các kiến nghị UPR đó là nghĩa vụ của tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Việc triển khai xây dựng báo cáo đúng vào thời điểm tham gia và là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam tiếp tục thể hiện sự gương mẫu, trách nhiệm của một nước thành viên Hội đồng Nhân quyền trong sự nghiệp bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người trên toàn thế giới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác