Tác động từ việc S&P hạ bậc tín nhiệm một loạt nước EU

Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) trải qua ngày thứ 6 đen tối khi hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) ngày 13/1 vừa qua cùng lúc đánh tụt hạng 9 nước thành viên. Việc S&P tiếp tục hạ bậc các nước EU chẳng khác gì gáo nước lạnh dội vào nỗ lực khôi phục lòng tin mà các nhà hoạch định chính sách châu Âu đang triển khai nhằm cứu vớt khu vực đồng Euro vốn đang bị khủng hoảng này.                                                                                                                                                                 

S&P hạ một điểm tín nhiệm của Pháp-nền kinh tế hàng đầu khu vực-từ AAA xuống AA+. Cùng với đó, Italia bị hạ 2 bậc xuống còn BBB+, và Tây Ban Nha bị hạ 2 bậc xuống mức A. S&P cũng đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm tín dụng dài hạn của Cộng hòa Síp, Bồ Đào Nha, Áo, Manta, Slovakia và Slovenia. Mức điểm của những nước khác được giữ nguyên, nhưng S&P đặt toàn bộ các quốc gia khối euro vào diện “triển vọng tiêu cực”, ngoại trừ Đức được xem là “có viễn cảnh ổn định”. Mặc dù Bộ trưởng Tài chính Pháp François Baroin đã cố giảm nhẹ mức độ ảnh hưởng của việc nước Pháp bị hạ điểm khi nói: “Điều này không phải là tin tốt lành, nhưng cũng không phải là thảm họa”. Song trên thực tế, việc hạ mức tín dụng tác động mạnh đến tâm lý đặc biệt trong bối cảnh các nền kinh tế châu Âu đặc biệt là Đức và Pháp đang nỗ lực khôi phục lòng tin của thị trường vào đồng Euro.

Ngay sau khi S&P hạ bậc tín nhiệm một loạt nước châu Âu, thị trường chứng khoán đồng loạt lao dốc. Tại Mỹ, ngày 13/1, Dow Jones giảm 1,1%, S&P 500 giảm 1,22% và Nasdaq giảm 1,06%. Tại châu Âu, Euro Stoxx giảm 1,26%, các chỉ số chứng khoán FTSE 100 của Anh giảm 1,2%, CAC 40 của Pháp giảm 1,12% và DAX của Đức giảm 1,5%. Tác động tai hại nhất là việc Pháp- nền kinh tế lớn thứ 2 trong khu vực đồng Euro- bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm, là biểu hiện rõ ràng của việc khủng hoảng nợ công tại khu vực này đang leo thang. Mất mức điểm AAA, mức điểm cao nhất mà nhờ đó cho tới nay, Pháp vẫn được vay tiền với lãi suất thấp trên các thị trường tài chính, có khả năng Pháp sẽ phải vay tiền với lãi suất cao hơn trong bối cảnh năm nay, Paris sẽ phát hành 178 tỷ euro trái phiếu. Các hoạt động tài chính của Chính phủ Pháp sẽ tốn kém hơn, kéo theo Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (FESF), cơ chế hỗ trợ các nước đang gặp khó khăn, trong những ngày tới cũng có nguy cơ bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm, khiến nhiệm vụ của quỹ này thêm phức tạp. Các quốc gia và các doanh nghiệp ở châu Âu có nguy cơ rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn do không còn nguồn tài chính và các gói cứu trợ của chính phủ. Trong khi đó, các ngân hàng Eurozone đang cần gấp 280 tỷ ơ-rô để đáo hạn các khoản nợ trong quý I-2012. Còn Hy Lạp, nếu không nhận được gói cứu trợ mới trị giá 130 tỷ ơ-rô từ EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để thanh toán một lượng trái phiếu lớn đã đáo hạn, cũng buộc phải tuyên bố vỡ nợ quốc gia vào tháng 3 tới.  Bên cạnh đó, việc Pháp bị hạ điểm đã phá vỡ thế cân bằng vốn mong manh giữa Pháp-Đức, mà nói như nhà kinh tế Pháp Jacques Delpla là: "Sẽ không còn là 'Merkozy' nữa. Sẽ là Angela Merkel và Giám đốc IMF Christine Lagarde quyết định chính sách ở châu Âu.

Ngay sau khi S&P công bố hạ mức xếp hạng tín nhiệm của nhiều nước châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cam kết đẩy mạnh cải cách khu vực đồng Euro và nhấn mạnh : "Chúng ta đang đứng trước thách thức phải nhanh chóng thực hiện Hiệp ước tài chính... và chúng ta phải làm một cách cương quyết chứ không phải chỉ cố gắng làm dịu bớt tình hình. Chúng ta cũng sẽ đặc biệt quan tâm tới việc đưa quỹ bình ổn tài chính thường trực đi vào hoạt động càng sớm càng tốt. Điều này rất quan trọng để giành được lòng tin của các nhà đầu tư". Trong bối cảnh các nước EU hầu hết đang lâm vào tình cảnh tăng trưởng bằng không. Gần như cả châu Âu, trong đó bao gồm cả các nước trong và ngoài Khu vực đồng Euro, phải đối mặt với sức ép cắt giảm chi tiêu hơn nữa để đáp ứng nghĩa vụ trả nợ. Và cho đến nay các nhà hoạch định chính sách EU vẫn chưa tìm được tiếng nói chung liên quan đến các đường hướng kinh tế nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ nần.

Việc S&P hạ mức xếp hạng tín dụng đối với một loạt quốc gia châu Âu chẳng phải là điều bất ngờ. Chỉ có điều hệ quả từ việc hạ mức xếp hạng này là sẽ khiến châu Âu có nguy cơ lún sâu thêm vào cuộc khủng hoảng nợ công vốn đã ngày càng trầm trọng, nếu như trong cuộc họp cuối tháng này các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn không đạt được thỏa hiệp cần thiết để thúc đẩy niềm tin./.

Đoàn Thị Trung

Phản hồi

Các tin/bài khác