Tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp: Cần các giải pháp công bằng, hiệu quả

(VOV5) - Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, bên cạnh ưu tiên tháo gỡ khó khăn về vốn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, Chính phủ Việt Nam cũng đang triển khai các biện pháp về miễn, giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp. Các giải pháp về thuế này nên được triển khai như thế nào và sẽ hỗ trợ doanh nghiệp ra sao là nội dung chính mà các đại biểu quốc hội đã thảo luận trong ngày làm việc thứ 18 của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 13, diễn ra ngày 12/6.

Tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp: Cần các giải pháp công bằng, hiệu quả - ảnh 1


Chưa bao giờ, các doanh nghiệp Việt Nam lại đứng trước những khó khăn như hiện nay. Chỉ trong quý 1-2012, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm hơn 10%, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, phá sản tăng đột biến, lên tới gần 15%. Doanh số của 15/21 ngành kinh tế chủ chốt, đặc biệt là ngành thương mại, bán buôn, bán lẻ, xây dựng, sản xuất và dịch vụ đều sụt giảm với tỷ trọng lớn. Vì vậy, việc ban hành nghị quyết về một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ổn định đời sống cho người lao động – theo ý kiến của hầu hết đại biểu Quốc hội - trong lúc này là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để chính sách đó thực sự phát huy hiệu quả, để các doanh nghiệp được tiếp sức vượt qua khó khăn hiện nay, các giải pháp đó phải đồng bộ, mang tính ổn định, lâu dài và đặc biệt phải xác định được đúng đối tượng cần hỗ trợ.  


Theo nội dung Nghị định, Chính phủ sẽ miễn giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 cho một số đối tượng bao gồm doanh nghiệp thuộc Tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội, doanh nghiệp nhỏ và vừa giải quyết nhiều lao động, tuy nhiên không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh trong các lĩnh vực xổ số, bất động sản, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Gia hạn 9 tháng thời hạn nộp thuế đối với thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2011 trở về trước mà chưa nộp vào ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, miễn thuế môn bài năm 2012 đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối. 
 

Tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp: Cần các giải pháp công bằng, hiệu quả - ảnh 2
Các giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ổn định đời sống cho người lao động là hết sức cần thiết


Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều đại biểu, phạm vi đối tượng doanh nghiệp được áp dụng chính sách cần được mở rộng hơn. Ông Đỗ Văn Vẻ, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, kiến nghị: “Nếu giải pháp giảm như vậy thì phạm vi quá hẹp, chưa đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp, giữa các ngành, nghề khác nhau. Vì hiện tại thực tế một số doanh nghiệp nằm ở lĩnh vực, ngành, nghề khác cũng đang gặp khó khăn, cần sự trợ giúp của Chính phủ. Nên theo quan điểm của chúng tôi thì Chính phủ nên mở rộng phạm vi hỗ trợ đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa từ nhiều ngành, nghề khác nữa”.


Cùng quan điểm, ông Huỳnh Văn Tính, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cho rằng số lượng doanh nghiệp được giảm thuế 30% mới chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, trong khi còn khoảng 40% doanh nghiệp khác có tiềm năng phát triển và đóng góp tốt nhưng gặp khó khăn nhất thời vì điều kiện khách quan cũng cần phải được hỗ trợ. Ông Tính nói: “Tôi cũng đồng tình với ý kiến giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhưng theo hướng mở rộng hơn cho những đối tượng doanh nghiệp khác cũng đang cần và những doanh nghiệp có sử dụng lao động nhiều, kinh doanh có hiệu quả. Ngoài việc hỗ trợ về thuế đối với doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh, cần bổ sung thêm miễn thuế thu nhập cá nhân”.


Về cách thức phân loại doanh nghiệp được miễn giảm thuế lần này, các đại biểu kiến nghị cũng cần phải tính toán kỹ để làm sao đến được đúng đối tượng cần hỗ trợ. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nêu ý kiến: “Tiêu chí để xác định đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ dựa trên 2 yếu tố là quy mô tổng tài sản và tổng số vốn, số lao động bình quân trong năm, trong đó, vốn là tiêu chí ưu tiên. Nghị định lần này thay vì quy định lấy vốn điều lệ hoặc vốn của chủ sở hữu làm tiêu chí xét duyệt thì lại lấy giá trị tổng tài sản, tức là vốn của chủ sở hữu, vốn vay, huy động từ các nguồn khác luôn thay đổi theo hoạt động của doanh nghiệp để làm cơ sở. Chính vì vậy, liệu doanh nghiệp có được xét duyệt, miễn giảm thuế hay không còn phụ thuộc vào khả năng thương lượng và sau đó có thể phát sinh cơ chế xin – cho”.

 

Tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp: Cần các giải pháp công bằng, hiệu quả - ảnh 3


Các đại biểu cũng lo ngại mức giãn, giảm thuế 30% cho doanh nghiệp vừa và nhỏ như đề xuất của Chính phủ là chưa đủ "liều" và cần giảm thêm nữa để phát huy tác dụng khi hơn 50% doanh nghiệp hoạt động không có lãi, thua lỗ. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, một trong những nguyên tắc của lần hỗ trợ doanh nghiệp này là phải đặt trong bối cảnh Chính phủ đang kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Bộ trưởng Bộ tài chính Vương Đình Huệ khẳng định: “Tại thời điểm hiện nay chúng tôi cho rằng liều lượng của các giải pháp về tài khóa và tiền tệ như vậy là tương đối phù hợp. Tuy nhiên cần tiếp tục cập nhật tình hình. Trong trường hợp tốt lên thì rất tốt nhưng nếu trường hợp doanh nghiệp còn khó khăn, phát sinh những khó khăn mới hoặc thậm chí có dấu hiệu suy giảm thì trên cơ sở cập nhật tình hình, Bộ tài chính cũng sẽ có những nghiên cứu để đề xuất với chính phủ những giải pháp bổ sung, tùy thuộc vào tình hình diễn biến thực hiện gói giải pháp này”.


Theo báo cáo Chính phủ, dự kiến năm 2012, thu ngân sách sẽ giảm khoảng 9.000 tỷ đồng. Miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ đến nguồn thu ngân sách nhưng sẽ góp phần quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang gặp nhiều bất lợi từ tác động kinh tế thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp về thuế, Chính phủ cũng đang xem xét toàn diện hệ thống chính sách vĩ mô, kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, chú trọng hơn đến giải pháp tiền tệ, tín dụng, giảm mạnh lãi suất cho vay, kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường nhằm tăng sức mua, tạo điều kiện để doanh nghiệp thu hồi vốn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới./.

Phản hồi

Các tin/bài khác