Thúc đẩy hợp tác quốc tế vì hòa bình, ổn định của Biển Đông

(VOV5) - Cần thiết phải xây dựng những giải pháp toàn diện, lâu dài và bền vững, tháo gỡ khúc mắc, tranh chấp, xây dựng lòng tin và hợp tác để đưa Biển Đông, một vùng biển chiến lược, trở thành một vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển.

Đây là quan điểm được đưa ra tại Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 9 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”, vừa kết thúc ngày 29/11 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế vì hòa bình, ổn định của Biển Đông - ảnh 1Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: VOV

Thẳng thắn, khách quan, khoa học và cầu thị là phương châm xuyên suốt của chuỗi hội thảo này trong 9 năm qua kể lần tổ chức đầu tiên năm 2009. Tại Hội thảo năm nay, các đại biểu thảo luận tích cực để cùng tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khúc mắc, tranh chấp, xây dựng lòng tin và hợp tác để giữ gìn Biển Đông, một vùng biển của cơ hội phát triển và thịnh vượng với các quốc gia trong khu vực.

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn ở Biển Đông

Đa số các ý kiến tại Hội thảo đều cho rằng năm 2017, tình hình Biển Đông cơ bản không có nhiều bất ổn nghiêm trọng. Đáng chú ý, kể từ sau Phán quyết của Toà Trọng tài (PCA) về vụ kiện Philippines với Trung Quốc, tình hình Biển Đông đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tín hiệu lạc quan nhất là số vụ va chạm nghiêm trọng xảy ra trên biển trong năm qua đã giảm so với các năm trước.

Tuy nhiên, những khác biệt trong lập trường và nhận thức của các nước về lịch sử và tuân thủ luật pháp quốc tế vẫn là một trở ngại lớn, là nguy cơ tiềm ẩn đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn, ổn định ở Biển Đông. Cùng với đó là sự xuất hiện và phát triển của những thách thức an ninh phi truyền thống trong khu vực. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có mức tăng trưởng chi tiêu quốc phòng nhanh nhất thế giới, lên đến 450 tỉ USD trong năm 2016, tương đương với mức tăng 4,6% so với năm 2015. 

Theo nhận định của ông Lê Công Phụng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, đây là điều vô cùng quan ngại: “Sự tăng cường khả năng quốc phòng của các bên, tăng cường sự hợp tác với các đối tác của nhau, một mặt nó hỗ trợ lực lượng của các nước để giữ cho lợi ích của của mình, nhưng mặt khác cũng không loại trừ khả năng làm nóng lên việc cạnh tranh chiến lược nói chung, cạnh tranh về kinh tế và đặc biệt là cạnh tranh quân sự.”

Thúc đẩy hợp tác quốc tế vì hòa bình, ổn định của Biển Đông - ảnh 2Các đại biểu tham dự hội thảo. - Ảnh: VOV

Không ngừng củng cố lòng tin chiến lược

Làm sao để Biển Đông không bị trôi vào vòng xoáy vô trật tự và xung đột, từ đó đe doạ "hệ sinh thái an ninh" của toàn khu vực, các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh cần phải có những giải pháp toàn diện, lâu dài và bền vững, thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Đề cập việc giải quyết các xung đột nhằm duy trì hoà bình, ổn định tại Biển Đông, Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng việc mới đây, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đạt được Thỏa thuận khung về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đánh dấu một bước tiến đáng kể hướng tới giảm căng thẳng tại tuyến hàng hải chiến lược này. Tuy nhiên, để đảm bảo COC trở thành một công cụ pháp lý hiệu quả và thực chất thì còn cần thêm thời gian và quá trình này phụ thuộc phần lớn vào ý chí chính trị của các bên liên quan.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế vì hòa bình, ổn định của Biển Đông - ảnh 3 Giáo sư Carlyle A. Thayer đến từ Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia. - Ảnh: VOV

Đồng tình với Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Quang Minh, Giáo sư Carlyle A. Thayer đến từ Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia, một trong những chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu về Biển Đông, cho rằng các bên cần không ngừng củng cố lòng tin chiến lược, từ đó xây dựng nhận thức chung trong việc gìn giữ hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông: “Tôi mong là chúng ta sẽ tìm ra những giải pháp có tính chất pháp lý, ASEAN và Trung Quốc cần có những đàm phán về nguyên tắc ứng xử chung. Đây là một hành trình cho tương lai lâu dài, vậy nên cả ASEAN và Trung Quốc phải đối thoại về nguyên tắc ứng xử, thậm chí phải sử dụng nguyên tắc trên cơ sở xác định khu vực địa lý quốc gia.”

Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm trong ASEAN, đặc biệt là một quốc gia có lợi ích liên quan trực tiếp đến Biển Đông, từ trước tới nay Việt Nam luôn kiên trì đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, vừa hợp tác vừa đấu tranh, tìm kiếm sự ủng hộ nhiều hơn nữa từ cộng đồng quốc tế để giải quyết các vấn đề xung đột bằng con đường hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế. Điều này một lần nữa được thể hiện qua những đóng góp thông qua các ý kiến, tham luận tại Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần này. Tất cả đều hướng tới mục tiêu tháo gỡ khúc mắc, tranh chấp ở Biển Đông, hợp tác cùng phát triển.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác