Tiếp tục khẳng định hình ảnh và vai trò của Việt Nam trong ASEAN

(VOV5) - Sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính đóng góp vào kết quả thực chất của Hội nghị và khẳng định hình ảnh và vai trò của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39 và các Hội nghị cấp cao liên quan, hoạt động đối ngoại đa phương chính thức có quy mô nhất trong năm 2021 vừa kết thúc. Kết quả của các Hội nghị lần này khẳng định sự đồng thuận của ASEAN trong việc xử lý các thách thức nội khối, tiếp tục phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế hợp tác song phương và đa phương. 

Tiếp tục khẳng định hình ảnh và vai trò của Việt Nam trong ASEAN - ảnh 1Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 38, ngày 26/10. Ảnh: Nguyễn Hồng

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39 và các Hội nghị cấp cao liên quan được tổ chức trong bối cảnh ASEAN đang đối diện với rất nhiều khó khăn cả trong lẫn ngoài. Tại các nước ASEAN, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tình hình các nước thành viên có những bất ổn. Bên ngoài, cạnh tranh nước lớn diễn ra sâu rộng, phức tạp và trực tiếp ảnh hưởng tới vai trò, hình ảnh và các hoạt động của ASEAN. Việc ASEAN tổ chức được các hội nghị lần này với sự tham gia của tất cả lãnh đạo các nước đối tác là câu trả lời của Hiệp hội với những thách thức đó, cũng là lời khẳng định tinh thần và giá trị của ASEAN, lấy đối thoại và hợp tác làm công cụ hướng tới hòa bình và ổn định.

Đẩy mạnh hợp tác nội khối, phát huy vai trò trung tâm

Những vấn đề hiện đang đặt ra cho ASEAN như hợp tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, thúc đẩy phục hồi bền vững, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới là nội dung chính của chương trình nghị sự lần này. Cùng với đó, các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có Biển Đông, là những nội dung ASEAN và các nước đối tác đang hết sức quan tâm, thảo luận chủ động, tích cực và có trách nhiệm.

Hội nghị đạt được những kết quả nổi bật. Đó là, ASEAN đoàn kết, nhất trí hướng tới xây dựng Cộng đồng. Đóng góp cho hòa bình, ổn định trong khu vực tiếp tục là mục tiêu chung của ASEAN nói chung và từng nước thành viên nói riêng. Bên cạnh đó, các đối tác bên ngoài vẫn đặc biệt coi trọng ASEAN, cam kết cùng ASEAN hợp tác kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, hợp tác ứng phó với các thách thức đang nổi lên, trong đó có biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, đồng thời cũng cho thấy phục hồi bền vững vẫn là nội dung được hầu hết các nước đặt ưu tiên, phấn đấu đạt được trong thời gian tới.

Đặc biệt, những nội dung ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực như vấn đề Biển Đông, Myanmar,Triều Tiên, thu hẹp khoảng cách phát triển tiếp tục được đề cập sâu rộng và trao đổi sâu tại các hội nghị. Tất cả các nước đều đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN, sẵn sàng chia sẻ minh bạch về các bước đi của mình với khu vực và khẳng định hòa bình, ổn định là mục tiêu chung, thượng tôn pháp luật, đối thoại thẳng thắn, hợp tác hiệu quả là những công cụ chủ yếu để đạt tới mục tiêu này. Bên cạnh đó, các nước đề cao tinh thần trách nhiệm, ứng xử minh bạch, quan hệ hài hòa là cơ sở cho quan hệ giữa các nước trong và ngoài khu vực.

Đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam

Trên tinh thần đoàn kết, hợp tác, sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã tham gia trao đổi, chia sẻ trên tất cả các nội dung của các hội nghị. Nhiều ý kiến của Việt Nam được các nước ghi nhận, ủng hộ và hướng ứng.Việt Nam đã đóng góp hết sức trách nhiệm vào việc xây dựng khoảng 100 văn kiện đệ trình lên các nhà Lãnh đạo thông qua, ghi nhận tại Hội nghị lần này.

Tiếp tục khẳng định hình ảnh và vai trò của Việt Nam trong ASEAN - ảnh 2Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 38, ngày 26/10. Ảnh: Nguyễn Hồng

Liên quan đến dịch bệnh COVID-19, những phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về chiến lược mới với cách tiếp cận toàn dân để thích ứng an toàn, ứng phó linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19, song song với đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như người dân và doanh nghiệp vừa là trung tâm vừa là chủ thể trong nỗ lực ứng phó dịch bệnh và cả trong phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế-xã hội đã được các nước hoan nghênh, hưởng ứng. Những đề xuất của Việt Nam liên quan tới phục hồi bền vững nhận được sự quan tâm và chia sẻ của các nước tại các hội nghị. Cách tiếp cận thẳng thắn, chân thành, minh bạch của Việt Nam về các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông, thúc đẩy phát triển tiểu vùng gắn với tổng thể phát triển chung của ASEAN, đẩy mạnh liên kết khu vực, đã được phản ánh đầy đủ trong văn kiện của các hội nghị.

Bên cạnh những thành công chung của các hội nghị, đóng góp của Việt Nam  tiếp tục khẳng định hình ảnh và vai trò của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Phản hồi

Các tin/bài khác