Vị thế của phụ nữ trong hoạt động chính trị ngày càng được khẳng định

(VOV5) - Việt Nam phấn đấu trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021 - 2026), số nữ đại biểu Quốc hội được bầu đạt tỷ lệ 35% tổng số đại biểu Quốc hội.

Ngày 8/3 hàng năm là Ngày quốc tế Phụ nữ, ngày phụ nữ thế giới đấu tranh để tự giải phóng, thực hiện quyền nam nữ bình đẳng cũng như tôn vinh những đóng góp của nữ giới đối với gia đình, xã hội. Tại Việt Nam, mục tiêu bình đẳng giới luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm thực hiện bằng nhiều giải pháp và đạt được những kết quả khả quan trên mọi mặt. Trong đó, việc bảo đảm, phấn đấu tỷ lệ nữ tham gia ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là một yêu cầu quan trọng.

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 yêu cầu: Bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ.

Vị thế của phụ nữ trong hoạt động chính trị ngày càng được khẳng định - ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng (Chủ tịch Nhóm nữ Đại biểu Quốc hội Việt Nam), Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, tại buổi gặp mặt các nữ đại biểu Quốc hội dự kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Việt Nam đứng thứ 65/162 quốc gia về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội

Theo báo cáo về Phát triển con người năm 2020 của UNDP công bố ngày 4/2/2021, Việt Nam đứng thứ 65/162 và nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội. Nghiên cứu một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của nữ đại biểu Quốc hội trong sự phát triển của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2021. Quốc hội khóa XIV (2016-2021) là nhiệm kỳ đầu tiên Việt Nam có nữ Chủ tịch Quốc hội, và 26,7% đại biểu là nữ,  cao nhất trong 2 nhiệm kỳ Quốc hội trở lại đây, cao hơn tỉ lệ trung bình của thế giới (22,8%). Cũng lần đầu tiên, Việt Nam có 3 nữ đại biểu Quốc hội là Ủy viên Bộ Chính trị nhiệm kỳ 2016 – 2021, có 9 nữ Bí thư tỉnh ủy, người đứng đầu các địa phương gồm: Lai Châu, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Ninh, An Giang và Hà Nam.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhận xét: "Chúng ta đã thực hiện rất tốt Luật bình đẳng giới và chiến lược về bình đẳng giới. Điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm, cho thấy sự đánh giá cao vai trò của phụ nữ. Đồng thời khẳng định rằng chủ trương, quan điểm của Việt Nam thực hiện chính sách cán bộ nữ là rất tốt."

Các nữ đại biểu Quốc hội đã phát huy trí tuệ, kinh nghiệm công tác, tham gia tích cực và có trách nhiệm trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tại các phiên thảo luận kinh tế - xã hội, như ở Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2016) có 22,1% đại biểu nữ phát biểu, tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017) là 22,34% và Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018) là 23,86%. Nhiều đề xuất, sáng kiến của nữ đại biểu Quốc hội đã trở thành căn cứ thực tiễn để tiến hành sửa đổi quy định của pháp luật có liên quan. Đại biểu Quốc hội khóa XIV, đoàn Gia Lai, Ksor H'Bơ Khăp chia sẻ: "Áp lực một đại biểu Quốc hội phải trải qua đó chính là nói làm sao mà dân dễ nghe nhất, cán bộ cũng dễ hiểu nhất. Tiếp nhận thông tin đó từ người dân rồi nhưng làm sao để truyền đạt cho các cơ quan chức năng hiểu được đúng tâm tư nguyện vọng chính đáng đó của nhân dân".

Chính sách xuyên suốt 

Nâng cao vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng, nhằm bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế của đất nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Trong hơn 90 năm từ khi thành lập Đảng cộng sản Việt Nam đến nay, Đảng luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, được thể hiện xuyên suốt trong các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về công tác quần chúng, công tác vận động phụ nữ, công tác cán bộ nữ.

Đại biểu Trần Quốc Khánh, đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV của thành phố Hà Nội, cho rằng: "Ở bất kỳ thời kỳ nào, Đảng đều xác định phụ nữ có vị trí, vai trò quan trọng trong tất cả mọi lĩnh vực và đều đặt đúng vị trí phụ nữ ở trong các cơ quan nhà nước, phải có trách nhiệm đóng góp tham gia với nam giới. Phụ nữ luôn được Đảng và Nhà nước tạo thuận lợi để phát triển năng lực".

Việt Nam phấn đấu trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021 - 2026), số nữ đại biểu Quốc hội được bầu đạt tỷ lệ 35% tổng số đại biểu Quốc hội. Điều này không phải chỉ là để có cơ cấu nữ trong bộ máy lãnh đạo, mà chính là để khơi dậy, phát huy tiềm năng của phụ nữ trong sự phát triển của đất nước.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác