Việt Nam – Bến đỗ lâu dài của các nhà đầu tư nước ngoài

(VOV5) - Nhiều nhà đầu tư cũng cam kết đầu tư hàng chục tỷ USD vào Việt Nam. 

Tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022 vừa diễn ra cách đây 2 ngày, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính, hàng chục dự án đã được trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư với trị giá lớn hàng trăm triệu USD. Điều này khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam tiếp tục tăng lên, phản ánh đúng xu hướng chung của sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Việt Nam – Bến đỗ lâu dài của các nhà đầu tư nước ngoài - ảnh 1Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn

Tổng cục Thống kê dẫn số liệu, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới 5 tháng đầu năm 2022 giảm so với cùng kỳ năm 2021, nhưng vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần vẫn tăng mạnh. Dòng vốn đầu tư đang hướng vào chất lượng hơn là số lượng. Công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, công nghệ thông tin… là những lĩnh vực đang đón dòng vốn dịch chuyển quốc tế vào Việt Nam.

Thu hút nhiều nguồn vốn vào các lĩnh vực

Đà Nẵng, thành phố miền Trung Việt Nam, sở hữu nhiều điều kiện tốt về công nghệ thông tin và công nghiệp công nghệ cao, lực lượng lao động trẻ và dồi dào, có trình độ, vị trí đắc địa và hạ tầng đô thị đồng bộ. 2 năm qua, Đà Nẵng liên tục đoạt giải về thành phố thông minh. Thành phố hiện có 44 ngàn nhân lực công nghệ thông tin, gần một nửa trong đó là lập trình viên của 24 ngàn doanh nghiệp số. Theo Chủ tịch Tập đoàn công nghệ FPT Trương Gia Bình, Đà Nẵng đang ngày càng trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư công nghệ thế giới và một trong các mũi nhọn chiến lược là Đà Nẵng phải trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm thử nghiệm các công nghệ mới, trung tâm phát triển game nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số: "Cơ sở hạ tầng của Đà Nẵng cũng đã thay đổi rất nhiều. các chuyên gia quốc tế rất hài lòng khi đến Đà Nẵng. Doanh số xuất khẩu phần mềm của Đà Nẵng đạt 100 triệu USD và tăng trưởng liên tục với 2 chữ số. Doanh nghiệp Công nghệ thông tin của Đà Nẵng đã chiếm 8,2% GRDP".

Hiện, nhiều tập đoàn lớn đã hiện diện tại Đà Nẵng như Sumitomo Corporation của Nhật Bản, Tập đoàn Adani Ports & SEV của Ấn Độ và tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng vừa diễn ra, Chủ tịch Tập đoàn này, ông Sandeep Mehta, cho biết dự kiến sẽ đầu tư 10 tỷ USD tại Việt Nam trong lĩnh vực cảng biển, hạ tầng.

Trong khi đó, dòng vốn FDI cũng chảy mạnh vào các tỉnh thành phía Nam những tháng đầu năm 2022, chiếm 88% tổng vốn đăng ký. Có thể kể đến khoản đầu tư trị giá 1,3 tỷ USD của tập đoàn Lego tại Bình Dương, Coca-Cola trị giá 136 triệu USD tại Long An… Ngoài ra, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng dẫn đầu cả nước về tổng vốn đăng ký mới các dự án nhà máy chế biến, chế tạo. Cụ thể, thành phố Tây Ninh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho công ty Libra International Investment (trụ sở Singapore) với dự án chế tạo vải cao cấp tại khu công nghiệp Thành Công, trị giá 210 triệu USD. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng thu về 85 triệu USD từ tổng công ty Shinkong Synethetic Fibers, một doanh nghiệp hoạt động chính trong việc sản xuất sơ xợi, dệt vải và các lĩnh vực khác.

Trong khi đó, tuy không ghi nhận đáng kể các dự án đăng ký mới trong ba tháng đầu năm, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc đã bổ sung lượng lớn vốn điều chỉnh từ các dự án đang triển khai trong thị trường. Tiêu biểu là dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP được Singapore điều chỉnh gia tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD. Bên cạnh đó, Hongkong (Trung Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 306 triệu USD tại nhà máy Goertek Vina để thúc đẩy quá trình sản xuất thiết bị tiện tử, phương tiện thiết bị mạng. Hàn Quốc cũng gia tăng thêm 920 triệu USD về nguồn vốn đầu tư cho dự án Samsung Electro-Mechanics tại thành phố Thái Nguyên.

Cam kết mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam

Thời gian gần đây, Việt Nam liên tục được các tổ chức tài chính quốc tế, các chuyên gia đánh giá cao về mức độ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, sự ổn định chính trị và sự phục hồi mạnh mẽ và vững vàng của nền kinh tế. Theo Chỉ số chính phủ tốt được công bố bởi Viện Quản trị Chandler (Singapore) mới đây, thu hút đầu tư của Việt Nam đứng ở vị trí thứ 39 trên 104 quốc gia được xếp hạng, tăng 18 bậc so với năm 2021. Việc duy trì sự quan tâm mở rộng đầu tư hàng tỷ USD của các tập đoàn đa quốc gia và các thương hiệu lớn thế giới là những minh chứng thực tế.

Việt Nam – Bến đỗ lâu dài của các nhà đầu tư nước ngoài - ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lãnh đạo thành phố Đà Nẵng trao chứng nhận đầu tư, chứng nhận nghiên cứu khảo sát cho các doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh các yếu tố về địa chính trị, vị trí địa lý, sự năng động của nền kinh tế, sự cam kết nhất quán và thông điệp rõ ràng của chính phủ Việt Nam dành cho các nhà đầu tư cũng chính là cơ sở tạo niềm tin cho các nhà đầu tư đến với Việt Nam. Tại diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: "Đối với doanh nghiệp chúng tôi muốn là các bạn đầu tư nhiều hơn nữa với một sự chân thành, sự tin cậy và trách nhiệm với nhau, và chúng ta cùng nhau để chiến thắng, và rất mong các bạn cùng chúng tôi hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, rất mong các bạn cùng với chúng tôi xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ nhưng mà chủ động tích cực, hội nhập quốc tế sâu rộng và thực chất hiệu quả".

Có thể thấy những biến động toàn cầu đang khiến các dòng vốn đầu tư, công ty đa quốc gia định hình lại điểm đến đầu tư, đảm bảo và cơ động của khu vực sản xuất. Việt Nam, với nhiều lợi thế và tiềm năng sẵn có, cùng chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam, đang trở thành điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài, điểm đến tin cậy và bền vững của các thương hiệu lớn.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác