Việt Nam - Đan Mạch hướng tới quan hệ hợp tác bền vững


(VOV5) - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam ngày 18/9 bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước Vương quốc Đan Mạch trong 3 ngày theo lời mời của Nữ hoàng Margrethe Đệ Nhị. Nhân chuyến thăm, BTV Đài TNVN điểm lại quan hệ giữa hai nước thời gian qua và những triển vọng hợp tác mở ra sau chuyến thăm này.

Việt Nam - Đan Mạch hướng tới quan hệ hợp tác bền vững - ảnh 1
Đoàn chuyên gia Đan Mạch thăm và làm việc với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: vietfish.org


Nằm ở Bắc Âu, Đan Mạch là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (ngày 25/11/1971). Đan Mạch cũng là quốc gia có phong trào nhân dân ủng hộ mạnh mẽ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống Việt Nam - Đan Mạch phát triển tốt đẹp. Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao. Trong chuyến thăm Đan Mạch của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (9/2009), hai nước đã nhất trí nâng quan hệ hai nước thành “Đối tác vì sự phát triển” trên cơ sở bình đẳng, ổn định, lâu dài và cùng có lợi, tập trung ưu tiên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại – đầu tư, hợp tác phát triển, văn hoá, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ. Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik (11/2011), hai nước đã ký Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ “Đối tác chiến lược trong lĩnh vực Biến đổi khí hậu, năng lượng, môi trường và tăng trưởng xanh”.


Đan Mạch là một trong số các nước Bắc Âu sớm đầu tư vào Việt Nam. Tính đến cuối tháng 5/2013, Đan Mạch có 106 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 674 triệu USD, đứng thứ 25 trong tổng số 100 nước, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Đan Mạch cũng là một trong những nước sớm cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam và hiện nay thuộc vào nhóm các nước cung cấp nhiều vốn ODA không hoàn lại nhất cho Việt Nam. Kể từ năm 1971 đến nay, Đan Mạch đã viện trợ cho Việt Nam tổng cộng gần 1,2 tỷ USD vốn ODA. Mức cam kết viện trợ của Đan Mạch trung bình hàng năm trong thời gian qua đạt khoảng 64 triệu USD/năm. Viện trợ phát triển của Đan Mạch tập trung vào các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững, cải cách hành chính, bảo vệ môi trường… Riêng trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, tính đến nay, Đan Mạch là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam với mức tài trợ lên tới 40 triệu USD cho “Chương trình thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Hiện Việt Nam là nước duy nhất ở châu Á được Đan Mạch triển khai Chương trình nghiên cứu ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, bên cạnh hỗ trợ nguồn vốn, Đan Mạch cũng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam trong các lĩnh vực cấp thoát nước, xử lý ô nhiễm môi trường. Là một quốc gia đang trong quá trình phát triển, những hỗ trợ của Đan Mạch cả về nguồn vốn lẫn chuyển giao công nghệ là những điều kiện tốt để Việt Nam vượt qua những thách thức trên con đường phát triển bền vững về môi trường. Bộ trưởng Bộ Thương mại và Đầu tư Đan Mạch Pia Olsen Dyhr trong chuyến thăm Việt Nam gần đây đã nhấn mạnh: "Sự chuyển giao công nghệ quản lý xử lý môi trường cho Việt Nam song hành với Chiến lược Tăng trưởng Xanh của Chính phủ Đan Mạch đối với Việt Nam. Tôi tin rằng sự phát triển này sẽ không chỉ giúp chúng ta giải quyết vấn đề hiện thời ở Việt Nam mà còn giúp chúng ta đối diện với vấn đề cạn kiệt tài nguyên trên hành tinh này và qua đó đem lại sự tăng trưởng bền vững ở cả hai quốc gia Đan Mạch và Việt Nam".


Trong giai đoạn mới, khi bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều thay đổi, Việt Nam và Đan Mạch đang đứng trước nhiều cơ hội mới để thúc đẩy hợp tác. Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam John Nielsen cho rằng hai nước, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp cần khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên để hợp tác mang lại lợi ích cao nhất, góp phần cụ thể hóa quan hệ đối tác Việt Nam-Đan Mạch: "Tiềm năng hợp tác giữa các doanh nghiệp VN và Đan Mạch là rất lớn. So với các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh như thị trường lao động dồi dào, trẻ, nhân công thấp…. Việt Nam cần tập trung tạo ra các mối quan hệ đối tác với những doanh nghiệp của Đan Mạch, bởi trên thực tế, các công ty của Đan Mạch có thể mang đến thị trường Việt Nam công nghệ mới, bí quyết công nghệ, các hỗ trợ hoạt động về đào tạo và cung cấp máy móc".


Thực hiện các thỏa thuận đã ký, Việt Nam và Đan Mạch cũng đang không ngừng nỗ lực triển khai hợp tác trên các lĩnh vực khác như giáo dục - đào tạo, du lịch, văn hóa… Các hoạt động giao lưu, văn hóa nghệ thuật giữa hai nước diễn ra ngày càng sôi động với nhiều sự kiện, chương trình văn hóa, góp phần tăng cường giao lưu, hiểu biết giữa nhân dân hai nước.


Những nền tảng quan hệ tốt đẹp thời gian qua giữa Việt Nam và Đan Mạch chắc chắn sẽ là điều kiện thuận lợi để hai nước trao đổi, tìm biện pháp thúc đẩy quan hệ lên tầm cao mới thông qua chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Với Việt Nam, chuyến thăm tới Vương quốc Đan Mạch của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang không chỉ nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Vương quốc Đan Mạch, mà còn tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam ở châu Âu và trên thế giới./.

Ánh Huyền (tổng hợp)

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác